'Bôi trơn' 30% giá trị hợp đồng

'Bôi trơn' 30% giá trị hợp đồng
TPO – Sang ngày xét xử thứ hai, HĐXX đã lần lượt thẩm vấn xong 23 bị cáo. Các nội dung liên quan đến việc “gửi giá” của Tổng công ty Sách Việt Nam khi ký các hợp đồng cung cấp sách cho Ban Điều hành Đề án 112 đã được làm rõ. 

>> Công thức ăn chia 3 - 2 - 1

'Bôi trơn' 30% giá trị hợp đồng ảnh 1
Các bị cáo tại tòa. Ảnh : PV

Đặc biệt, trong phiên xử ngày thứ hai, những người theo dõi phiên xử được một phen giật mình khi biết rằng, 30% giá trị hợp đồng được dùng vào việc “bôi trơn” cho Ban đề án 112 và không hề có hoá đơn, chứng từ.

Trong phần thẩm vấn ngày 14-1, bị cáo Nguyễn Duy Hùng, nguyên Phó trưởng Phòng kế hoạch phát hành, Nhà xuất bản Tư pháp khai nhận, sau khi gặp gỡ và thực hiện các hợp đồng với Ban Điều hành Đề án 112, Hùng đã nhiều lần đưa tiền “gửi giá” cho nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp Nguyễn Đức Giao.

Lý giải cho hành động này, bị cáo Hùng cho rằng, do trước đó, ông Giao đã chỉ đạo “gửi giá” (bôi trơn) ở bảy xưởng in mà Nhà xuất bản Tư pháp bán lại hợp đồng.

Để làm rõ chuyện này, HĐXX đã yêu cầu nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp Nguyễn Đức Giao giải thích. Tại tòa, ông Giao thừa nhận “Bị cáo đã nhiều lần nhận tiền từ bị cáo Hùng, nhưng không nghĩ đó là tiền từ hợp đồng với Đề án 112”?!.

Đến lượt phần thẩm vấn của bị cáo Phạm Thị Tuyết Lan, nguyên Kế toán trưởng Nhà xuất bản Tư pháp, bị cáo này không ngần ngại đổ lỗi cho lãnh đạo của mình khi cho rằng, sau khi cơ quan điều tra vào cuộc, Ban Giám đốc nhà xuất bản chỉ đạo Lan phải tìm cách hợp thức hóa số tiền đã chi không qua sổ sách, chứng từ.

 “Do một số khoản tiền chi ra trong hợp đồng đã ký với Ban Điều hành Đề án 112 không rõ ràng, không có nội dung cụ thể và không có hoá đơn chứng từ nên bị cáo đã phải tìm cách thực hiện” – Lan nói.

Đồng loạt phản cung

“Không nhớ”, “không nhớ rõ”, “hình như là”, “không nhận thức được”… là những thuật ngữ thường thấy khi HĐXX yêu cầu các bị cáo khai nhận lại những hành vi phạm tội của mình trước đây.

Điều đáng nói là, trong phiên xử ngày thứ hai, phần đa các bị cáo đã đồng loạt phản cung và cho rằng, trong quá trình điều tra, các bị cáo bị cơ quan điều tra mớm, dụ và ép cung.

Đơn cử như trường hợp của Nguyễn Thị Minh Thiệu, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty sách (phụ trách tài chính) không thừa nhận hành vi phạm tội. Bị cáo Thiệu cho rằng, mình chỉ bốn lần ký giấy báo giá cho Ban Điều hành Đề án 112 chứ không biết cụ thể việc làm của cấp dưới. Khi cơ quan điều tra vào cuộc và yêu cầu giải trình, lúc đó, bị cáo mới biết, Tổng Công ty ký hợp đồng và chiết khấu 30% giá trị cho Ban Điều hành Đề án 112 nhưng không vào sổ sách

Hoặc với  Ngô Thị Nhâm, nguyên Phó trưởng Phòng kinh doanh sách, Tổng Công ty sách. Trước đây, bị cáo này thừa nhận: “Anh Lương Cao Sơn đặt vấn đề chiết khấu 30% số tiền của các hợp đồng ký kết với bị cáo. Sau đó, bị cáo nhận 700 triệu đồng từ cấp trên để chuyển cho một số người theo chỉ đạo, nhưng mới chuyển lần 1 được 90 triệu thì cơ quan điều tra vào cuộc nên số tiền còn lại chưa chuyển. Việc chuyển tiền không có giấy tờ biên nhận, không vào sổ sách tài vụ của đơn vị”.

Tuy vậy, trước tòa, bị cáo Nhâm đã phản cung và cho rằng: “Bị cáo là người thông tin lại cho anh Sơn về số tiền mà nhà xuất bản sẽ trích % cho Ban Điều hành Đề án 112”.

Không nhất quán với lời khai của Nhâm, bị cáo Nguyễn Thị Phương Hoa, nguyên Trưởng phòng kinh doanh sách cho rằng, chuyện tiền “bôi trơn” đã báo cáo với Ban Giám đốc trước khi thực hiện các hợp đồng với Ban Điều hành Đề án 112. Và lời khai này phù hợp với thừa nhận của bị cáo Trần Tuấn Ngô, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty sách.

Tuy vậy, Trần Tuấn Ngô biện bạch: “Cấp dưới chỉ báo cáo với bị cáo bằng miệng chứ không bằng văn bản. Việc chiết khấu % ở Tổng Công ty sách đã thành tiền lệ nên cấp dưới cứ thế mà thực hiện”.

Ngày mai, HĐXX tiếp tục làm việc.

MỚI - NÓNG