Cà Mau: Kiểm lâm trắng trợn làm tiền

Cà Mau: Kiểm lâm trắng trợn làm tiền
TP - Một chủ ghe cho biết, dù anh chở tràm có giấy phép hay không có giấy của lâm ngư trường thì đều phải đóng tiền, qua mỗi trạm kiểm lâm phải “chung chi” cỡ 200.000 đồng...
Cà Mau: Kiểm lâm trắng trợn làm tiền ảnh 1

PV Tiền phong trong vai người buôn tràm.

Anh bạn làm nghề buôn cừ tràm ở U Minh (Cà Mau) đồng ý cho tôi theo ghe chở tràm.

Trước khi lên đường, anh dắt tôi giới thiệu với chủ ghe chở thuê cừ tràm, rồi dặn: “Tôi đã bán số cừ tràm cho ông bạn này. Anh chị chở đến nơi giao như hợp đồng, tôi thanh toán tiền chuyên chở. Còn ông bạn này theo ghe, lo tiền qua trạm”.

Lúc 19 giờ ngày 14/3/2007, PV Tiền phong nhập vào “phường buôn tràm”.

Qua trạm kiểm lâm phải “chung chi”

Vợ chồng chủ ghe người Kiên Giang. Chị vợ ngồi phía trước, cầm sào. Tôi bắt chuyện: “Tôi làm công trình xây dựng với ông anh trên Bạc Liêu, mới đi mua lần đầu, không biết dạo này, các trạm kiểm lâm có làm khó dễ gì không?”.

Chị chủ ghe ngạc nhiên: “Ủa, bạn anh không dặn anh à? Dù anh chở tràm có giấy phép hay không có giấy của lâm ngư trường thì đều phải đóng tiền chớ, qua mỗi trạm kiểm lâm phải “chung chi” cỡ 200.000 đồng. Không có tiền thì họ tìm mọi cách để gây khó dễ, mà như vậy là phải đậu lại! Còn đội kiểm tra cơ động nữa, gặp cũng phải chi tiền”.

Tôi nhờ chị chủ ghe chỉ đường đi nước bước khi gặp kiểm lâm. Chị bảo: “Muốn qua trạm kiểm lâm, ghe nhỏ thì 50.000 đồng, ghe trên 10 tấn 100.000 đồng và trên 20 tấn phải 200.000 đồng”.

Tôi hỏi: “Có bảng giá quy định à?”. Chị trả lời: “Không qui định nhưng cũng không được thiếu một đồng, chở cây gỗ phải biết. Chưa kể kiểm lâm a lô xin card điện thoại, rủ ăn nhậu, nhờ vả mà toàn chuyện tốn kém. Khổ lắm mà không nói ra được!”.

Tiếng máy dầu nổ giòn phá vỡ đêm êm đềm trên sông Cái Tàu. Ánh điện từ chợ thị trấn U Minh rải xuống mặt nước muôn ngàn sao lấp lánh. Đang ngon trớn, máy tàu giảm dần, tấp vô bờ sông Cái Tàu khu vực thị trấn U Minh.

Chị chủ ghe giục: “Anh cầm giấy tờ, thủ sẵn tiền, vô đội kiểm lâm đi. Chậm chạp thế này chắc sáng chưa tới Bạc Liêu. Còn mấy trạm kiểm lâm nữa chớ đâu chỉ có trạm này!”.

Phòng làm việc đội kiểm tra cơ động thuộc Hạt kiểm lâm U Minh sáng điện. Một người đang xem trận bóng đá giữa đội Olympic Việt Nam- Indonesia trên ti vi. Tôi nhỏ nhẹ: “Anh ơi, cho trình giấy tờ chở cừ tràm về Cần Thơ”.

Anh cán bộ kiểm lâm không cầm giấy tờ, không nhìn tôi, không cả nhúc nhích chỗ ngồi, vẻ mặt cau có. Ghe muốn đi thì cái trạm này phải ký cho một chữ nhưng anh ta không cầm giấy tờ nghĩa là không chịu ký.

Tôi nhăn nhó: “Em mới đi lần đầu, có gì anh chỉ giúp” và móc túi đưa ra 50.000 đồng. Anh ta quát: “Đ.M làm gì mà lèo nhèo, đi hoài sao không biết? Kêu chủ ghe lên, muốn neo tới sáng hả?”.

Tôi năn nỉ thêm mấy lời nữa nhưng không lay chuyển được phán quyết của anh ta liền chạy ra bờ nhờ chị T lên nói giúp. Chị thở dài: “Không quen thì để tui làm giùm cho, bầy đặt làm gì”.

Chị hỏi đã đưa bao nhiêu rồi? Tôi trả lời đưa 50.000 đồng. Chị bảo: “Thêm 100.000 đồng nữa đi, là trăm rưỡi, vậy hen anh Diệp”.

Hóa ra anh cán bộ của đội kiểm tra cơ động tên là Hà Thanh Diệp. Cán bộ Diệp giải thích: “Một mình tôi trực, còn lại đi chơi hết rồi nhưng mấy chuyến ghe qua biết cả. Lát nữa anh em hỏi mà chỉ có 50.000 đồng thì tôi tính sao, họ lại tưởng tôi ăn bớt. Đi hoài sao không biết còn làm khó tôi”. Rồi anh bảo tôi bỏ tiền vào hộc tủ bàn làm việc.

Ngang nhiên làm tiền

Cà Mau: Kiểm lâm trắng trợn làm tiền ảnh 2
Dưới tán rừng U Minh, cuộc sống người dân còn nhiều cực nhọc, với những bữa cơm không đủ no

Chủ ghe nhấn ga, chiếc ghe quay đầu vô rạch Làng, bên kia sông Cái Tàu, qua kinh 11, đến địa phận Lâm ngư trường Sông Trẹm (huyện Thới Bình). Tới sông Trẹm, ghe tấp vô bờ đoạn trước Bưu điện xã Tân Bằng (Thới Bình).

Chị chủ ghe dẫn tôi lội bộ gần 200m đến đội kiểm tra cơ động thuộc Hạt kiểm lâm Thới Bình. Nhưng trong căn nhà của đội kiểm tra vắng vẻ, ở cái quán bên cạnh thấy hai người đang ngồi uống bia có cô mặc áo hai dây xinh đẹp. Nhìn thấy mặt chị chủ ghe, một anh đứng dậy, về căn nhà của Đội kiểm tra cơ động, anh là cán bộ kiểm lâm.

Anh dẫn tôi vô phòng. Tôi ấp úng: “Em mới đi lần đầu, chưa quen mấy anh, nhờ anh giúp đỡ”. Anh ta ngó qua giấy tờ, không nói, chỉ nhìn tôi. Tôi móc ra 100.000 đồng. Anh ta dằn giọng: “Hai trăm mới được. Tôi thu hoa chi phải vô sổ sách, đâu phải một mình tôi muốn làm gì thì làm”.

Đội kiểm tra cơ động đóng sát bên Hạt kiểm lâm Sông Trẹm và trụ sở xã Tân Bằng nhưng cán bộ kiểm lâm lấy tiền dân thật thản nhiên.

Lấy tiền xong, anh cán bộ kiểm lâm xởi lởi kéo tôi sang quán. Tôi cố uống ly bia để hỏi chuyện. Các cán bộ kiểm lâm tỏ ra tử tế, hứa sẽ giúp đỡ tôi nếu còn chở tràm qua đây.

Một cán bộ nói: “Thằng em biết làm ăn, anh giúp đỡ. Bây giờ còn làm thì giúp em út. Xứ này có đám tràm nào tốt, chở có dư thì anh giải quyết. Còn làm việc anh giúp cho, sau này nghỉ hưu, nghỉ chính sách rồi thì có thương em út, muốn giúp cũng không được”.

Chị chủ ghe cho biết, từ đây về Bạc Liêu còn một trạm nữa phải “chung chi”. Lúc đó đã nửa đêm, trời tối đen như mực. Tôi cảm ơn vợ chồng chủ ghe, nhờ họ đưa tràm về đến nơi và lên bờ.

Kỳ sau: Sạt nghiệp vì không chịu chung chi

MỚI - NÓNG