Cai nghiện tự nguyện ở Mù Cang Chải

Cai nghiện tự nguyện ở Mù Cang Chải
TP- Tình cờ có mặt tại trung tâm hành chính xã La Pán Tẩn nằm bên sườn núi cao, chúng tôi bắt gặp một lớp cai nghiện ngay tại địa phương, một mô hình khá mới và táo bạo.

Xã La Pán Tẩn nằm bên sườn núi cao, phía còn lại nhìn xuống là ngay cạnh những rẻo ruộng bậc thang đẹp nhất huyện Mù Cang Chải. Nơi đây từng là một trong những điểm nóng triệt phá cây thuốc phiện của tỉnh Yên Bái.

Trong cái nắng oi nồng tháng bảy, dãy nhà đằng sau phòng tiếp dân của  trụ sở UBND xã La Pán Tẩn vọng lên tiếng ồn ào. Hai căn phòng nhỏ, chưa đầy 20m2 một phòng, thấy chật ních người đứng ngồi lố nhố, tiếng gọi nhau í ới.

Giàng A Lừ năm nay 62 tuổi, vóc người thấp, nhỏ thó với khuôn mặt dày đặc nếp nhăn, lúc khách ngó vào, ông đang ngồi phía mép ngoài chiếc chiếu trải giữa nhà.

Nở nụ cười đón khách, chẳng mấy ngại ngần, ông cho biết: “Tao hút thuốc phiện lâu rồi, từ năm 1978 cơ. Trước thì sẵn, giờ không có, mỗi ngày cố gắng xoay được 25 - 30 ngàn đồng để hút. Hôm nào không có, bí quá thì dùng sái đi xin”.

Lớp cai nghiện mới mở được hai tuần, ông Lử bảo mấy ngày đầu thì lên cơn ghê lắm, giờ đỡ hơn nhưng thấy người nó cứ oải thế nào, “còn nhớ hơn cả nhớ vợ” - ông lão nhăn nhó.

Từ gian phòng bên cạnh, vượt qua mảnh sân con ra chái bếp phía sau, Giàng Lẩu (58 tuổi) nhìn những vị khách tò mò, rồi xán đến bắt chuyện. Khi nghe hỏi có phải nhiều người Mông ở đây nghiện vì họ là trưởng bản hay trưởng họ, vốn rất được mọi người tôn trọng nên hay được biếu thuốc hút , ông Lẩu cười: “Tao thì không thế, chỉ là dân thôi. Đúng là dân ngu mới hút thuốc phiện. Lỗi tại ngày xưa trồng nhiều nên mới hút. Còn giờ, tao quyết tâm cai rồi, khó mấy cũng phải cai, chứ để phải “đi ăn trộm, ăn cắp rồi đi tù” thì xấu hổ lắm. Vợ con nó bỏ thôi”.

Gian lán phía ngoài là mấy người đang lúi húi đan đan, vót vót. Thấy khách lạ, các anh nở nụ cười e ngại. Lát rồi, họ cũng cởi mở kể về nỗi nhớ nhà, cảm giác bải hoải đang phải trải qua nhưng ai cũng bảo nhất quyết không bỏ về để cai cho được.

“Tranh thủ đan cái giỏ cho anh em đi chợ, ngồi không buồn chân tay lắm” - một anh nói.

Căn bếp đầu hồi sát căn phòng có ông Lẩu , cán bộ y tế xã Giàng A Hợp đang ngó nghiêng xem bữa trưa của các trại viên. Hợp sinh năm 1976, làm cán bộ y tế đã lâu, có vẻ rất có kinh nghiệm với mấy đối tượng này.

Anh kể: “Toàn người nghiện từ trước năm 1990, nói chung là có thâm niên. May chủ yếu là hút. Mà hút thì cơn vật nó không nặng như cái giống hít. Mấy hôm đầu, ông nào cũng ngáp ngủ, đau tay chân, đau đầu. Có trường hợp bị đi ngoài nặng tôi phải cho truyền”.

Theo Hợp, quản lý lớp cai nghiện này còn có một cán bộ của phòng Lao động Thương binh Xã hội huyện và một đồng chí công an. Hỏi những ngày đầu phải đối mặt chữa trị cắt cơn, anh có e ngại, Hợp cười giòn tan: “Ngại gì chứ, họ hiền lắm. Có người biết trước sẽ lên cơn còn nhờ cán bộ giữ chân tay kiềm chế họ. Chỉ vất vả đoạn thức đêm một ít thôi”.

Cai nghiện tự nguyện ở Mù Cang Chải ảnh 1 Nói chung là còn khó. Nhưng chúng tôi sẽ gắng làm bằng được Cai nghiện tự nguyện ở Mù Cang Chải ảnh 2 - Chủ tịch xã La Pán Tẩn, Giàng Chứ Ly

Chủ tịch xã Giàng Chứ Ly là một người hiền tính, niềm nở. Đã sang tuổi 50 với thâm niên hai nhiệm kỳ làm bí thư đảng ủy nay chuyển sang làm chủ tịch, ông nắm khá tường tận về lớp cai nghiện tự nguyện tại xã này.

Ông Ly bảo: “Theo kế hoạch, huyện giao xã phải tổ chức một lớp cai nghiện cho 30 đối tượng. Nhưng chúng tôi vận động được 32 người. Lúc đầu, dự định chờ lớp mở trên huyện. Nhưng, sau khi cân nhắc, chúng tôi quyết tâm làm tại xã.

Chỉ trừ một số người phải mất công thuyết phục còn đa số là tự nguyện xin vào lớp cai hết. Người trẻ nhất lớp này là 30 tuổi, già nhất hơn 60 tuổi. Nhà nước chỉ cấp tiền ăn 8.000 đồng/ngày/người. Còn lại là gia đình người nghiện đóng góp.

Ở vùng cao, nhà ai cũng nghèo, khổ lắm nhưng hầu hết bản thân cũng như cả gia đình họ đều rất quyết tâm từ bỏ thuốc phiện. Mừng là từ hôm bắt đầu mở lớp đến giờ chưa ai bỏ về cả”.

Ông Ly nói tiếp: “Thực ra, đây không phải là lớp đầu tiên. Cách đây mấy năm chúng tôi đã thử mở một lớp, cũng thành công. Nhưng phải thừa nhận, tỷ lệ tái nghiện sau đó rất cao, chỉ được một, hai người. Sang đến lớp này, chúng tôi đang động viên họ phải làm sao để khi quay về nhà, có nhiều người từ bỏ hẳn thuốc phiện, không tái nghiện”.

Chủ tịch xã Giàng Chứ Ly thừa nhận, tình hình tội phạm ma túy vẫn xảy ra trên địa bàn xã. Ví như phạm tái trồng cây thuốc phiện trái mùa vẫn lên tới 590m2; có đối tượng xử lý tại xã, có hai đối tượng giao cho công an huyện xử lý theo pháp luật.  

MỚI - NÓNG