Cảnh sát căng mình chống buôn lậu dịp Tết

Cảnh sát căng mình chống buôn lậu dịp Tết
TPO - Tết Nguyên đán Đinh Dậu đang đến gần, đây là lúc tội phạm buôn lậu gia tăng hoạt động, diễn biến phức tạp. Đây cũng là lúc CBCS Cục C74 đang căng mình trên mỗi tuyến đường, địa bàn trọng điểm để ngăn chặn, đấu tranh với loại tội phạm này.

Liên tiếp triệt phá hàng chục vụ buôn lậu

Thiếu tướng Ngô Kiên, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm Buôn lậu (C74) – Bộ Công an cho biết: sau 23 ngày triển khai, thực hiện Kế hoạch về “Cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017” và chỉ đạo của Bộ Công an về mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, Cục C74 đã phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 32 vụ buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, tăng 23 vụ (255%) so với cùng kỳ tháng 11/2016; giá trị hàng hóa trong mỗi vụ đều trên 500 triệu đồng, có vụ lên tới cả chục tỷ đồng. 

Các mặt hàng mà các đối tượng buôn lậu chủ yếu là hàng thiết yếu, có nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới như: thuốc lá, quần áo, giày dép, linh kiện điện tử, đồ chơi, đồ gia dụng…

Cảnh sát căng mình chống buôn lậu dịp Tết ảnh 1

Tang vật vụ buôn lậy điện thoại

Điển hình, khoảng 3h sáng ngày 23/12, tổ công tác của C74 phối hợp với Công an quận Long Biên, Hà Nội kiểm tra xe ô tô khách, biển kiểm soát 14B-008.82 có biểu hiện nghi vấn, kết quả phát hiện hơn 700 chiếc điện thoại của các nhãn hiệu lớn như Iphone, Samsung, Ipad… Số đồ điện tử nêu trên được các đối tượng cất giấu trong hầm tự chế dọc theo sườn xe, bên ngoài trang bị điều hòa, loa để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ số hàng hóa kể trên.

Trước đó, vào đêm ngày 21/12, C74 phối hợp với Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị kiểm tra 5 xe ô tô tải trong đó có 3 xe đầu kéo chất đầy nồi cơm điện, ấm điện là hàng không có nguồn gốc xuất xứ nhưng được các đối tượng đóng mác “Made in Viet Nam” (sản xuất tại Việt Nam). Qua công tác nghiệp vụ, được biết số hàng hóa nêu trên đều là hàng giả và ước tính giá trị hàng hóa khoảng 10 tỷ đồng.

Không chỉ đường bộ

Hàng lậu được tuồn vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch, rồi xé lẻ, dùng phương tiện đường bộ, đường sắt để vận chuyển đi các tỉnh, thành tiêu thụ. Điển hình, ngày 2/12, Cục C74 phối hợp lực lượng QLTT TP Đà Nẵng kiểm tra tàu SE19 (từ Hà Nội vào), qua đó phát hiện 10 tấn gồm quần áo, giày dép, linh kiện điện tử… không có chứng từ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ theo quy định. Một ngày sau, tại Ga Sài Gòn, C74 cũng đã bắt giữ 26.480 bao thuốc lá điếu nhập ngoại và 13 kiện hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ.

Cảnh sát căng mình chống buôn lậu dịp Tết ảnh 2

Đối tượng và tang vật trong vụ buôn lậu sản phẩm ngà voi bị C74 bắt giữ

Cũng theo Thiếu tướng Ngô Kiên, trong gần 1 tháng thực hiện “Cao điểm” vừa qua, có những ngày C74 phát hiện từ 3 - 5 vụ buôn lậu. Đặc biệt, lực lượng chống buôn lậu của Bộ Công an còn phát hiện bắt giữ các thương vụ buôn lậu hàng quốc cấm bằng đường thuỷ như dầu, quặng titan, ngà voi.

Như ngày 1/12, Cục C74 phối hợp với Hải đội 1, Cục Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan kiểm tra bắt giữ tàu biển số hiệu HP3931 đang bán dầu cho 1 thuyền cá tại vùng biển Cô Tô, Quảng Ninh; trên tàu đang vận chuyển 59.000 lít dầu không có hóa đơn, chứng từ, trị giá ước tính trên 800 triệu đồng. Cùng ngày, Cục C74 đã phối hợp với Cục chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan tiến hành kiểm tra 84 container xuất khẩu của Công ty TNHH Gia Long tại cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh, khai báo hải quan là xỉ than, cát nhưng thực chất là xuất khẩu trái phép quặng titan, trọng lượng ước tính khoảng 2.000 tấn…

Ngoài ra, trong 3 tháng 10, 11 và đầu tháng 12-2016, C74 đã tiến hành phá chuyên án đấu tranh với hoạt động nhập lậu ngà voi từ Châu Phi qua Cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh, thu giữ trên 5 tấn ngà voi, 270 kg vẩy tê tê, được các đối tượng ngụy trang trong các khối gỗ xoan đào. 

MỚI - NÓNG