Chưa hết buồn chuyện đấu thầu thiết bị giáo dục

Chưa hết buồn chuyện đấu thầu thiết bị giáo dục
TP - Sau khi đăng bài “Đấu thầu thiết bị giáo dục ở An Giang: Trò buồn, thầy bực” trên số báo ra ngày 19/3, Tiền Phong nhận được Công văn hồi âm số 377/SGDĐT-VP của Sở GD&ĐT An Giang (gọi tắt là Công văn 377).

> Đấu thầu thiết bị giáo dục: Trò buồn, thầy bực

Ý kiến chủ đầu tư

“Rất hoan nghênh tinh thần làm việc của báo”, Công văn 337 nhấn mạnh, và đi vào từng nội dung cụ thể Tiền Phong đã nêu trên số báo trước.

Về giá máy tính Sở GD&ĐT An Giang mua “gấp rưỡi giá lẻ”, Công văn 377 điểm qua quá trình mời và chấm các gói thầu thiết bị tin học với nhận định chủ đầu tư đã tuân thủ Luật đấu thầu, và khuyến nghị: “Có những thiết bị của nhà sản xuất khác nhau, tính năng kỹ thuật tương tự nhau, nhưng giá cả chênh lệch nhau, do đó phải so sánh giá máy tính cùng hãng (xuất xứ), cùng cấu hình đang bán trên thị trường và giá của gói thầu; đề nghị phóng viên kiểm chứng lại”.

 Theo Điều 65 Nghị định 85/2009/NĐ-CP của Chính phủ, nhà thầu cố ý cung cấp thông tin không trung thực trong hồ sơ dự thầu sẽ bị xử phạt, trong đó có việc bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu 1-3 năm.

Luật sư Vũ Quốc Bình, Đoàn LS TP Hà Nội

Về việc nhà thầu Tuyết Nga giao hàng chậm, Công văn 377 thừa nhận có việc này, song nhấn mạnh: “Sở GD&ĐT An Giang không thanh lý mà gia hạn hợp đồng, không thanh toán gói thầu chỉ nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa, không phải vì mục đích ưu ái cho nhà thầu”.

Về hiện tượng “mời thầu hạn chế”, Công văn 337 cho biết Sở GD&ĐT An Giang yêu cầu nhà thầu cung cấp máy tính phải có thương hiệu Việt Nam, thêm tiêu chí có giấy chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) “mục đích chỉ để đảm bảo thêm về chất lượng hàng hóa”; “tiêu chí này không nằm trong điều kiện tiên quyết”; “nhà thầu chưa đáp ứng tiêu chí này vẫn được tham gia và xem xét hồ sơ, yêu cầu này không vi phạm Luật Đấu thầu”.

Về hiện tượng “chấm thầu lỏng tay”, Công văn 377 đi sâu hai việc. Thứ nhất là việc DNTN Ngọc Khởi sử dụng tài liệu giả, theo Công văn 377: “Tổ thẩm định kết quả đấu thầu phát hiện có dấu hiệu không thống nhất giữa hợp đồng, phụ lục và các tài liệu đi kèm, nên tài liệu này không được đưa vào xem xét, đánh giá, Ngọc Khởi bị loại vì không chứng minh đủ số hợp đồng tương tự. Đến thời điểm này, Ngọc Khởi chưa trúng gói thầu nào tại Sở GD&ĐT An Giang”.

Thứ hai là việc Sở GD&ĐT An Giang chưa quan tâm kết luận của Tổ chuyên gia chấm hàng mẫu, Công văn 337 khẳng định: “Kết quả đánh giá được lập thành biên bản, được xem xét cùng lúc với đánh giá của tư vấn và lưu toàn bộ trong hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, có giá trị như nhau, nên không có ý kiến nào không được tôn trọng như đã phản ánh”.

Điều tra của Tiền Phong

Với những thông tin, tài liệu các PV thu thập được, Tiền Phong nhận thấy thông tin Công văn 377 chưa phản ánh đúng thực tế công tác đấu thầu thiết bị giáo dục ở An Giang. Cụ thể:

Về việc nhà thầu Tuyết Nga giao hàng chậm, bài báo trước đã nêu, lý do nhà thầu này không đảm bảo chất lượng, bị các trường yêu cầu đổi hàng.

Tiền Phong nêu nhà thầu này được “ưu ái” là có căn cứ, bởi chủ đầu tư đã che đậy sai phạm cho nhà thầu bằng cách ký với nhà thầu Biên bản tổng nghiệm thu hàng hóa với lời khẳng định “các bên thống nhất nghiệm thu thiết bị và đưa vào sử dụng tại các đơn vị kể từ ngày 28/2/2012” cho đúng tiến độ hợp đồng; thực tế thì các đơn vị chỉ nhận đủ thiết bị nhiều tháng sau đó, và “Biên bản thanh lý hợp đồng” đến 14/6/2012 mới được ký!

Về giá máy vi tính, PV Tiền Phong đã tham khảo báo giá đúng hãng sản xuất máy tính Sở GD&ĐT An Giang đã mua, là Cty TNHH sản phẩm công nghệ FPT. Theo đó, máy tính để bàn Model Asus P8H61-M2/C/SI Cty này chào 7.560.000đ/chiếc (Sở GD&ĐT An Giang mua 11.170.000đ/chiếc)...

Về việc mời thầu hạn chế. Điều 18 Luật Đấu thầu quy định “Trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng”.

Ngoài chuyện HVNCLC chỉ là danh hiệu không phải tiêu chuẩn chất lượng như bài báo trước đã nêu, Sở GD&ĐT An Giang đặt tiêu chí này ở thang điểm đánh giá kỹ thuật cao nhất (20/ 100 điểm), rõ ràng đã tạo lợi thế cho số ít nhà thầu.

Về việc Tiền Phong nêu DNTN Ngọc Khởi đã “qua mắt” cả hai đơn vị được thuê chấm hồ sơ dự thầu, Công văn 377 cũng cho biết phát hiện tài liệu giả là “tổ thẩm định” (cán bộ của Sở), không phải hai đơn vị được thuê.

Theo một nguồn tin, tại cuộc họp ngày 5/1/2013, ban đầu “tổ thẩm định” đã chấm DNTN Ngọc Khởi trúng thầu; sau đó mới nghe được ý kiến Ngọc Khởi dùng tài liệu giả, nên kết quả này bị hủy.

Và cuối cùng, việc Tiền Phong nêu Sở GD&ĐT An Giang chưa quan tâm kết luận của Tổ chuyên gia chấm hàng mẫu, vẫn theo nguồn tin của Tiền Phong, DNTN Ngọc Khởi thoạt đầu được chấm trúng thầu là dựa trên kết quả chấm hồ sơ, bởi điểm chấm hàng mẫu của nhà thầu này thấp hơn các nhà thầu khác.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG