Có dấu hiệu sai phạm hình sự

Có dấu hiệu sai phạm hình sự
TP - Nhiều tỷ đồng ngân sách Nhà nước sẽ bị mất, trách nhiệm các cá nhân không được làm rõ, nếu vụ việc chỉ dừng ở tranh chấp dân sự, không chuyển sang cho các cơ quan tố tụng hình sự thụ lý.

Cuối năm 1995, Cty Thương mại Hải Phòng (gọi tắt là Cty Thương mại) nhận ủy thác của Cty Xuất nhập khẩu Hải Phòng (gọi tắt là là Cty XNK) nhập khẩu lô hàng 5.000 tấn thép tấm của đối tác Hàn Quốc.

Cty Thương mại làm thủ tục để Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải (gọi tắt là Ngân hàng Hàng hải) bảo lãnh trả chậm tiền mua lô hàng này, và được chấp nhận.

Hàng về chậm, thiếu tới 185 tấn, chất lượng kém. Cty XNK từ chối mua hàng. Thế nhưng, Cty Thương mại lại… chấp nhận lấy lô hàng này. Sau đó, việc tiêu thụ hàng gặp nhiều khó khăn dẫn đến chậm thanh toán, Cty Thương mại chịu cảnh lãi mẹ đẻ lãi con… Dù đã được gia hạn nhiều lần, Cty Thương mại vẫn chưa trả đủ tiền Ngân hàng.

Đầu năm 2004, Ngân hàng Hàng hải kiện Cty Thương mại ra tòa, đòi 260.000 USD nợ gốc và 134.000 USD nợ lãi. TAND TP Hải Phòng xử sơ thẩm ngày 8/3/2004, tuyên Cty Thương mại phải trả Ngân hàng số tiền trên. Cty Thương mại chống án.

Viện KSND TP Hải Phòng cũng kháng nghị, đề nghị hủy bản án sơ thẩm, tạm đình chỉ vụ án để chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra làm rõ những dấu hiệu vi phạm hình sự.

Ngày 10/9/2004, TANDTC xử phúc thẩm, tuyên y án sơ thẩm. Bản án phúc thẩm bị Viện KSNDTC kháng nghị và sau đó, Hội đồng Thẩm phán TANDTC xử giám đốc thẩm (23/6/2005), tuyên hủy cả hai bản án để xét xử lại theo trình tự sơ thẩm.

Mới đây, 18/4/2006, TAND TP Hải Phòng đã mở phiên tòa sơ thẩm (lần 2), tuyên phía  Ngân hàng cũng có một phần lỗi, phải chịu thiệt phần lãi; phía Cty Thương mại vẫn phải thanh toán cho Ngân hàng phần nợ gốc. Một lần nữa, Cty Thương mại chống án, đề nghị chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra.

“Thủ phạm” hay “nạn nhân”?

Có ý kiến cho rằng, nếu phải làm rõ trách nhiệm để thua lỗ trong thương vụ 5.000 tấn thép cho các cá nhân, thì người đầu tiên phải bàn đến là bà Vũ Thị Chải - Nguyên Giám đốc Cty Thương mại (hiện đã nghỉ hưu).

Chỉ là bên nhận ủy thác nhập khẩu để hưởng phí 8.000 USD, hàng về cảng vừa chậm, vừa thiếu số lượng, vừa kém chất lượng, phía ủy thác đã từ chối mua hàng, thế mà bà Chải lại… xung phong mua hộ lô hàng này (!).

Rồi chính bà ký với đối tác Hàn Quốc một biên bản thỏa thuận: chỗ hàng bị thiếu, không trừ tiền; chỗ hàng xấu, không bớt tiền; hàng về chậm, không phạt tiền. Thay vào đó, bà Chải chỉ bớt mỗi tấn hàng 9 USD, tức cả lô hàng bà Chải mới bớt được 45.000 USD, chưa đủ bù số hàng thiếu lên tới 63.000 USD.

Thêm vào đó, tiền phạt do hàng về chậm (0,05% giá trị lô hàng, mỗi ngày hàng về chậm) tính sơ sơ là 63.000 USD. ấy là chưa kể hàng kém chất lượng, có thể mặc cả để giảm giá và hưởng những ưu đãi trong thanh toán.

Một lỗi nữa của bà Chải, lô hàng đã thế chấp vay tiền Ngân hàng, thì việc bán hàng thu tiền về, phải ưu tiên trả nợ Ngân hàng. Bà Chải có dấu hiệu chiếm dụng vốn, bán được hàng không trả nợ, lại chi dùng việc khác.

“Kép chính” của vở diễn

Về phía Ngân hàng Hàng hải đã nhận thế chấp để bảo lãnh cho Cty Thương mại bằng chính lô hàng 5.000 tấn thép Cty này nhập về. Theo quy định, việc kiểm tra, đánh giá số lượng, chất lượng lô hàng, Ngân hàng không thể là người ngoài cuộc.

Đặc biệt, Ngân hàng là người đưa ra tiếng nói cuối cùng, có quyền từ chối lô hàng, ngay cả trường hợp bên được bảo lãnh đồng ý mua hàng. Thế nhưng, Ngân hàng không có ý kiến khi bà Chải quyết định mua lô hàng với những điều kiện hoàn toàn bất lợi, có thể nói Ngân hàng là người phải chịu trách nhiệm lớn nhất trong vấn đề này.

Tương tự là việc Cty Thương mại có dấu hiệu chiếm dụng vốn, Ngân hàng biết nhưng không có biện pháp xử lý, cũng là lỗi về phía Ngân hàng.

Tuy nhiên, lỗi lớn nhất của Ngân hàng Hàng hải, mang dấu hiệu của hành vi “cố ý làm trái”, là việc chấp nhận bảo lãnh cho Cty Thương mại, trong khi theo quy định của pháp luật thì phải từ chối.

Theo Nghị định 58/CP (30/8/1993) của Chính phủ, Ngân hàng Hàng hải chỉ được phép bảo lãnh cho Cty Thương mại với điều kiện phương án kinh doanh của Cty này đã được Chủ tịch UBND TP Hải Phòng phê duyệt. Thế nhưng, khi dự kiến nhập khẩu 5.000 tấn thép, Cty này hoàn toàn chưa có phương án nào được cấp có thẩm quyền phê duyệt (ngoại trừ chính sự “phê duyệt” của Ngân hàng). 

Một điểm nữa, trong trường hợp bên được bảo lãnh dùng tài sản thế chấp bằng chính lô hàng mua về, theo quy định của ngành Ngân hàng, thì ngoài lô hàng này, bên được bảo lãnh còn phải thế chấp thêm tài sản tối thiểu bằng 30% giá trị lô hàng.

Thế nhưng trong thực tế Cty Thương mại chỉ mới ký quỹ thêm được 5% giá trị lô hàng. Đây chính là lý do khiến phía bị đơn cũng như Viện KSND TP Hải Phòng cương quyết yêu cầu chuyển hồ sơ vụ án sang cơ quan điều tra để làm rõ dấu hiệu hình sự.

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".