Đã đến lúc chấm dứt tranh cãi về “Thành phố Sông Hồng”

Đã đến lúc chấm dứt tranh cãi về “Thành phố Sông Hồng”
TP - Vừa qua, tại trụ sở Sở Quy hoạch&Kiến trức Hà Nội diễn ra cuộc trao đổi ý kiến về Đề án trị thuỷ và xây dựng Thành phố Sông Hồng. Vấn đề ai xâm phạm bản quyền tác giả của ai được xới lên từ cuối năm 2006, khi hoạ sỹ Văn Thơ lên tiếng rằng ông bị đạo ý tưởng về TP Sông Hồng.
Đã đến lúc chấm dứt tranh cãi về “Thành phố Sông Hồng” ảnh 1
Ông Trần Nhơn (bên trái), Ông Văn Thơ (bên phải)

Cũ hay mới? “Đạo” hay không “đạo”?

Từ tháng 7/2005, hoạ sỹ Văn Thơ đề xuất đề án “TP Sông Hồng”, nêu vấn đề xây dựng lại tuyến đê hai bờ sông thành đại lộ, sử dụng các cù lao giữa sông và bãi ngoài đê để xây dựng các khu nhà cao tầng và công viên du lịch.

Từ tháng 4/2006, ông Văn Thơ mở rộng phạm vi đề án, thành “Điều chỉnh dòng chảy sông Hồng và sông Đuống đoạn qua Hà Nội”. Tác giả đề nghị nắn sửa đê cũ thành đê bê tông, giải thoát dòng chảy để không xảy ra lụt lội hay vỡ đê, biến đê thành đại lộ, bờ bãi thành phố xá và công viên cây xanh.

Theo đó, đề án “TP Sông Hồng” trở thành một phần quy hoạch cụ thể ở đoạn giữa các tuyến đê nói trên. Đề án đã được ông Văn Thơ trình các cơ quan chức năng ở HN và một số vị lãnh đạo T.Ư; đăng ký bản quyền tại Cục Bảo hộ bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa & Thông tin).

Bản báo cáo “Lập quy hoạch phát triển sông Hồng đoạn qua HN” do Tổ dự án sông Hồng (Seoul, Hàn Quốc) được trình lần đầu vào tháng 11/2006. Tổ này hoạt động từ cuối năm 2005, theo thoả thuận giữa hai TP HN và Seoul, về hợp tác quy hoạch phát triển sông Hồng.

Phía HN đã lập tổ công tác hỗ trợ Dự án này, hoạt động từ tháng 7/2006. Tại báo cáo trên của Tổ, ngoài các phần cụ thể về xử lý đất đai, xây dựng công viên cây xanh..., quan trọng nhất là phần điều chỉnh tuyến đê sông Hồng và sông Đuống có nhiều điểm giống đề án của ông Văn Thơ.

Ông Văn Thơ tỏ ra rất bức xúc vì không được Sở QH&KT mời tham gia góp ý kiến nghiên cứu quy hoạch hai bên bờ sông như UBND TP Hà Nội đã hứa hẹn, tài liệu của ông gửi cũng không được Sở này cung cấp cho phía Xơ un (không theo thỏa thuận của chính Sở này với Bạn).

Dựa trên một sơ đồ do Tổ dự án đưa ra tháng 11/2006, trong đó sơ bộ phác ra hướng tuyến hai bờ đê mới thay cho đê cũ, ông Văn Thơ cho rằng ý tưởng và giải pháp của Tổ dự án giống của ông.

Cũng theo ông Văn Thơ, trước ông đã có rất nhiều phương án nhưng chưa phương án nào đề cập việc xây dựng đê mới, và hướng tuyến của đê mới (do phía Seoul nêu) có rất nhiều phần trùng dự án của ông.

Văn bản chưa thể hiện ông Văn Thơ nêu cách bỏ đê cũ thế nào, áp dụng các lý luận gì, kỹ thuật nào, của ai. Theo ông Văn Thơ,  việc phá đê cũ xây đê mới tịnh tiến ra phía dòng sông, vừa nắn được dòng chảy vừa tận dụng được 2.000 ha đất.

Tại quy hoạch do Tổ dự án nêu, thấy: Ngoài việc bỏ đê cũ xây đê mới, các hạng mục khác không giống đề án của ông Văn Thơ.

Quá nhiều ý kiến chọi nhau

Trước hết là ý kiến ông Văn Thơ và Tổ dự án. Ông Văn Thơ cho rằng phương án do Tổ dự án nêu ra không hợp lý, không khả thi. Cụ thể: Làm đê đất như phía Tổ dự án nêu thì không chống được lũ; Các bãi giữa trồng cây nuôi chim là không ổn;

Không khai thác được quỹ đất; Nhà nước tốn kinh phí quá lớn; Quy hoạch khu dân cư cao dưới 5 tầng là rất lãng phí và không phù hợp với đô thị hiện đại.

Theo ông, phải làm kè bê tông mới giải quyết triệt để việc chống lũ và trị thủy: Mở rộng, nắn dòng chảy tạo thoát lũ tốt; Xây dựng nhiều nhà cao tầng là phù hợp xu thế mới;

Khai thác triệt để những bãi đất hoang trong lòng sông và bên sông... Về ý kiến này, nhiều chuyên gia phân tích: Theo lập luận của chính ông Văn Thơ thì hai phương án này có nhiều chỗ không giống nhau rất cơ bản, mà đã thế thì làm gì có chuyện ai “đạo” của ai.

Tổ dự án tái khẳng định đã nghiên cứu, điều tra, khảo sát, sử dụng nhiều tư liệu, kết quả nghiên cứu của nhiều cơ quan, nhất là của Viện Khoa học thủy lợi VN; tuy nhiên không hề làm theo, không hề sử dụng ý tưởng của ông Văn Thơ.

Ông Choi Sung Kee- Tổ trưởng - nói việc các nhà kỹ thuật chuyên ngành như ông mà “đạo” ý tưởng của một họa sỹ là điều không tưởng tượng được.

Chủ tịch Hội Thủy lợi VN, ông Trần Nhơn gay gắt: Vấn đề trị thủy, xây dựng đô thị sông Hồng đã được Chính phủ chỉ đạo và các nhà khoa học thực hiện từ rất lâu, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu; bản thân ông Nhơn cũng tham gia, góp cả tiền riêng, và có đề án trình Chính phủ từ trước ông Văn Thơ nhiều, nhưng ông Nhơn không đặt vấn đề kiện ai, cũng không đòi quyền lợi gì, chỉ mong đề án sớm được sử dụng vì lợi ích chung.

Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội, Viện Khoa học thủy lợi VN khẳng định: Việc nghiên cứu trị thủy sông Hồng thực ra đã được thực hiện từ mấy chục năm nay, là kết quả nghiên cứu của nhiều thế hệ, nhiều nhà khoa học chứ không của riêng ai; chính ông Văn Thơ đạo ý tưởng của nhiều nhà khoa học khác, nay lại đi kiện là... không đứng đắn.

Các ý kiến chung đều hoan nghênh nhiệt tâm của ông Văn Thơ, không ai đánh giá thấp đề án của ông, nhưng không cho rằng ông Thơ bị đạo ý tưởng. Còn ông Thơ cho đến cuối buổi vẫn cho rằng ý tưởng của mình bị “đạo”.

Trả lời về việc Cục bản quyền tác giả cần rút kinh nghiệm trong việc cấp bản quyền cho ông Văn Thơ, bà Phạm Kim Oanh - người đại diện Cục này khẳng định:

Cục cấp bản quyền vì trước đó chưa có ai đăng ký; việc cấp là đúng đối tượng, dựa trên đăng ký và cam đoan của ông Văn Thơ. Sau này, nếu có ai kiện thì Cục sẽ xem xét sau.

Được hỏi, trước khi cấp chứng nhận bản quyền cho ông Văn Thơ, Cục có tham khảo ý kiến của các cơ quan liên quan hay không, bà Oanh trả lời: “Chúng tôi chỉ làm theo luật!”.

MỚI - NÓNG