Đại án Oceanbank: Làm ăn thua lỗ, tố nhau tại tòa

Các bị cáo tại tòa
Các bị cáo tại tòa
TP - Hà Văn Thắm khẳng định Phạm Công Danh là khách hàng tốt nhất của Oceanbank khi tất toán đủ, đúng hạn mọi khoản vay. Tuy nhiên, trong thương vụ thâu tóm Đại Tín gây thiệt hại hàng trăm tỷ, Thắm cho rằng bị ông Danh lừa đảo.

“Phạm Công Danh là khách hàng tốt nhất”

Chiều 28/2, TAND TP Hà Nội bước sang phần xét hỏi các bị cáo trong đại án tham nhũng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank). Trước đó, HĐXX cách ly các bị cáo Nguyễn Xuân Sơn – nguyên TGĐ Oceanbank, Nguyễn Minh Thu – nguyên TGĐ Oceanbank, Nguyễn Văn Hoàn – nguyên Phó TGĐ Oceanbank. Bị cáo Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank trả lời trước tiên và cho biết mình mua lại Ngân hàng Hải Hưng vào năm 2003 rồi trở thành Chủ tịch ngân hàng này vào năm 2004. Hải Hưng được thành lập năm 1993, là ngân hàng nông thôn nên chỉ được hoạt động trong địa phương nhất định và vốn điều lệ vẻn vẹn hơn 5,8 tỷ đồng. Thắm đã vực dậy Hải Hưng và được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đồng ý chuyển từ ngân hàng nông thôn sang ngân hàng đô thị. Vốn điều lệ của Hải Hưng, sau đổi tên thành Oceanbank liên tiếp tăng lên tới năm 2014 là 4.000 tỷ đồng. Trong đó, Hà Văn Thắm nắm giữ nhiều cổ phần nhất (63%) rồi đến Tổng Cty dầu khí Việt Nam (PVN) góp 800 tỷ đồng (20% cổ phần), Cty Sông Đà và 1 Cty nước ngoài khác… Theo Thắm, đây là số tiền có thật vì đã bị NHNN phong tỏa.

Năm 2009 - 2010, Thắm quen bà Hứa Thị Phấn - đại diện nhóm cổ đông Đại Tín ở Ngân hàng Xây Dựng. Theo bị cáo này, bà Phấn không có chức danh trong Ngân hàng Đại Tín nhưng là chủ Đại Tín vì các cổ đông đều là người nhà bà Phấn. Thắm có đàm phán mua cổ phần với bà Phấn. Thắm sau đó mua lại từ bà Phấn số cổ phần tương đương 85% vốn điều lệ của Đại Tín với giá 5 tỷ đồng nhưng kèm nghĩa vụ trả nợ hơn 3.500 tỷ đồng của ngân hàng này. Giải thích thương vụ, Thắm trả lời: “Bị cáo có ký thỏa thuận mua bán với bà Phấn nhưng nó không có giá trị pháp lý vì sau đó bị cáo phải vào kiểm tra mới trình NHNN phê duyệt được. Bị cáo đã chuyển tiền nhưng bà Phấn trả lại”.

Về bị án Phạm Công Danh -nguyên Chủ tịch Ngân hàng Xây Dựng, Thắm trả lời Danh vốn là người quen của Nguyễn Xuân Sơn và được Sơn giới thiệu vay tiền tại Oceanbank. Theo lời Thắm: “Danh vay nhiều lần hàng nghìn tỷ nhưng đều tất toán đủ, đúng hạn. Danh là một trong những khách hàng tốt nhất của Oceanbank”.

“Danh và Đại Tín lừa tôi”

Khi HĐXX yêu cầu Thắm xác định khoản 500 tỷ đồng là cho Danh hay Cty Trung Dung vay? Thắm khẳng định cho Trung Dung vay nhưng biết Danh là chủ Cty này và việc cho vay dựa trên giá trị thương mại của Trung Dung. Thắm cho biết tổng số tài sản thế chấp được Oceanbank định giá khoảng 750 tỷ đồng, hoàn toàn phù hợp với khoản vay. Mục đích của Oceanbank khi cho vay là để Trung Dung đầu tư vào dự án sân vận động ở Đà Nẵng. Thắm kể lại, lúc hồ sơ đặt lên bàn thì có điện thoại của bà Phấn nói: “Cô phải bỏ tài sản ra thế chấp cho Danh, hồ sơ trên bàn cháu, cháu ký cho xong chứ cô đau đầu lắm”.

Đại án Oceanbank: Làm ăn thua lỗ, tố nhau tại tòa ảnh 1

Hà Văn Thắm trả lời HĐXX

Cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank cũng khai đã yêu cầu phong tỏa 500 tỷ đồng cho vay ở Đại Tín và chỉ giải ngân khi Oceanbank đồng ý kèm chứng từ gốc về dự án ở Đà Nẵng. “Trách nhiệm của Đại Tín phải phong tỏa số 500 tỷ đồng này... Sau đó 1 năm, bị cáo yêu cầu anh em kiểm tra thì Đại Tín nói tài khoản vẫn còn 500 tỷ đồng nhưng cáo trạng và kết luận điều tra thể hiện số tiền đó đã được giải ngân cách đó một năm rồi… Như vậy rõ ràng Đại Tín và Trung Dung đã lừa Oceanbank để lấy số tiền đó... Bị cáo nắm cổ phần lớn ở Oceanbank, không lý do gì bị cáo đi giúp khách hàng chiếm đoạt tài sản của Oceanbank” – bị cáo Thắm khai.

Đáp lại, ông Phạm Công Danh bác bỏ việc mình lừa đảo Thắm. Trả lời HĐXX, ông Danh nói mình làm doanh nghiệp xây dựng và từng đề nghị thành lập ngân hàng nhưng NHNN không cho. Lúc đó, Thắm giới thiệu Danh mua lại Đại Tín vì đó là ngân hàng rất kém, thanh khoản xấu… Bị cáo trình bày: “Tôi trực tiếp thỏa thuận với Thắm trên tư cách đại diện cổ đông. Sau tôi phát hiện Đại Tín xấu quá sức tưởng tượng. Tôi có đưa Thắm 500 tỷ đồng và Thắm hứa tạo điều kiện hỗ trợ. Việc này có chứng từ, có người giao nhận đàng hoàng”.

Về 500 tỷ đồng Trung Dung vay Oceanbank, Danh cho biết đã chuyển toàn bộ vào tài khoản của Hứa Thị Phấn tại Ngân hàng Xây Dựng để cân đối thanh khoản và bà Phấn không được dùng. “Tiền đó là tiền của tôi, tiền còn nguyên đó xin tòa rút ra để khắc phục hậu quả nếu tòa cho rằng đó là tiền phạm tội mà có” – ông Danh nói. Tuy nhiên, khi HĐXX hỏi tại sao 500 tỷ đồng của Oceanbank lại đi lòng vòng như vậy, ông này không trả lời được.

Hôm nay (1/3), tòa tiếp tục xét hỏi các bị cáo.

Cáo trạng xác định, Hà Văn Thắm và đồng phạm có nhiều sai phạm dẫn đến thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng cho Oceanbank. Trong đó, thương vụ thâu tóm Đại Tín khiến Oceanbank mất hơn 343 tỷ đồng. Cụ thể, sau khi mua Đại Tín, Thắm phát hiện ngân hàng này có nhiều vấn đề nên giới thiệu Phạm Công Danh mua lại. Để thực hiện, Thắm cho Danh vay sai quy định 500 tỷ đồng qua Cty Trung Dung dẫn đến thiệt hại cho Oceanbank.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.