Đại án Vinashinlines: Tổng Cty Hàng hải phải gánh nợ hơn 6.000 tỷ

Phiên tòa xét xử Giang Kim Đạt.
Phiên tòa xét xử Giang Kim Đạt.
TPO - Do Vinashinlines được chuyển về Tổng Cty Hàng hải nên đơn vị này phải gánh số nợ hơn 6.000 tỷ và nếu tính tất cả 5 đơn vị được chuyển về thì số nợ lên tới 20.000 tỷ.

Ngày 18/2, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án tham nhũng tại Cty TNHH MTV Vận tải Viễn dương Vinashin(Vinashinlines). Trong sáng nay, HĐXX tiến hành xét hỏi nguyên đơn dân sự gồm Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Thời điểm xảy ra vụ án, Vinashinlines vẫn thuộc Vinashin nhưng hiện tại được chuyển sang trực thuộc Vinalines. Cả hai tổng Cty này đều cho rằng vụ án gây thiệt hại với họ và đề nghị nếu các bị cáo phải bồi thường thì tòa sẽ tuyên toàn bộ khoản tiền đó cho mình.

Theo đại diện ủy quyền của Vinashin, thời điểm xảy ra vụ việc, Vinashinlines thuộc sở hữu 100% của Vinashin. Tiền mua tàu của Vinashinlines được Vinashin phụ trách và ủy thác cho vay thông qua VFC. Do vậy Vinashinlines phải chịu trách nhiệm trả lãi và gốc cho VFC.

Khi HĐXX đặt câu hỏi từ năm 2006 những hoạt động mua bán tàu và cho thuê tàu, lợi nhuận hay thua lỗ? thì đại diện Vinashin từ chối trả lời. Về thiệt hại liên quan đến mua tàu của Vinashinlines, vị này cho biết Vinashinlines là đơn vị trực tiếp bị thiệt hại, Vinashin bị thiệt hại gián tiếp. Theo số liệu thì Vinashinlines đang nợ 48 triệu USD và 73 tỷ đồng và đó chỉ là tiền gốc. Hiện khả năng thu hồi số tiền này rất khó.

Vụ việc xảy ra trong giai đoạn 2006 - 2009, Vinashinlines đang thuộc Vinashin nên đại diện đơn vị này yêu cầu thu hồi tiền thiệt hại và bồi thường nếu có cho Vinashin.

Đại án Vinashinlines: Tổng Cty Hàng hải phải gánh nợ hơn 6.000 tỷ ảnh 1

Các bị cáo tại tòa.

Tiếp đó, chủ tọa đặt câu hỏi khoản tiền 260 tỷ đồng tiền hoa hồng và chênh lệch giá thuê tàu, cá nhân có được hưởng?" Đại diện Vinashin trả lời mọi hoạt động đều hoạch toán về Vinashinlines, cá nhân không được hưởng. Lợi nhuận từ số tiền 260 tỷ đồng này có được xuất phát từ chức vụ của Đạt tại công ty, nếu không phải là Quyền trưởng phòng kinh doanh thì Đạt sẽ không có số tiền này. 

Cũng trả lời câu hỏi liên quan, đại diện Vinalines cho biết, thời điểm xảy ra vụ án Vinashinlines không thuộc tổng công ty. Tháng 6/2010 , công ty này mới được chuyển về Vinalines. 

Vinalines phải nhận toàn bộ nợ và phải trả nợ cho Vinashinlines. Tổng số tiền nợ của công ty này mà Vinalines đang phải gánh là hơn 6.000 tỷ đồng và nếu tính cả 5 đơn vị được chuyển về thì số nợ Vinalines phải gánh lên tới 20.000 tỷ.

Do đang phải gánh nghĩa vụ trả nợ của Vinashinlines nên đại diện của Vinalines đề nghị các khoản tiền thu hồi được trong vụ án phải chuyển trả cho Vinalines.

Đáp lại, đại diện Vinashin cho rằng từ thời điểm chuyển giao, Vinalines phải trả cho Vinashin một khoản tiền nhưng đến nay vẫn chưa trả hết. Vì vậy, nếu có việc thu hồi các khoản tiền trong vụ án thì đề nghị tòa tuyên trả cho Vinashin và sau đó hai bên sẽ tự thỏa thuận.

Theo cáo trạng, từ  năm 2006 đến 2008, Trần Văn Liêm - nguyên Tổng giám đốc Vinashinlines đã chỉ đạo Giang Kim Đạt – nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines đàm phán với doanh nghiệp môi giới để mua 3 tàu vận tải biển, Trần Văn Khương - nguyên Kế toán trưởng Vinashinlines có trách nhiệm làm thủ tục thanh toán, chuyển tiền cho các bên liên quan. Qua việc này, cả ba chiếm đoạt số tiền hơn 11,4 tỷ đồng. Ngoài ra, Đạt còn gửi giá vào hợp đồng của Vinashinlines cho đối tác thuê 9 tàu biển, chiếm đoạt gần 250 tỷ đồng. Nhằm hợp pháp số tiền trên, bố đẻ của Đạt là Giang Văn Hiển đã lập 22 tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau, nhận qua đó gần 16 triệu USD. 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.