Dân nghèo sập bẫy cò ngân hàng: Cách nào cứu dân?

Một nhóm nạn nhân “cò” Hoa tìm đến Ban đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên.
Một nhóm nạn nhân “cò” Hoa tìm đến Ban đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên.
TP - Dù thủ phạm chính - “cò ngân hàng” Nguyễn Thị Hoa bị khởi tố từ tháng 10/2010, sau đó đã lãnh án tù chung thân, nhưng đến nay, những hậu họa nghiêm trọng do vụ án gây ra với nhiều nạn nhân tại Đắk Lắk vẫn chưa tới hồi kết.

Tòa Tối cao không chấp nhận 2 án treo

Sau hơn 6 năm điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử vụ bị cáo Nguyễn Thị Hoa “lừa vay, và vay ké”, chiếm đoạt của 60 bị hại và Agribank tổng cộng hơn 33,2 tỷ đồng, gần đây Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình tiếp tục ký Quyết định giám đốc thẩm số 09 (QĐ 09) ngày 3/8/2016. 

Theo đó, Hội đồng thẩm phán TANDTC tuyên hủy phần trách nhiệm hình sự trong bản án phúc thẩm số 340 ngày 19/9/2014 đối với 2 bị cáo mà TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã cho hưởng án treo, giao hồ sơ cho TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử lại theo hướng tăng nặng hình phạt.

Theo QĐ 09, Đoàn Thị Thu An thủ quỹ kiêm thủ kho phòng giao dịch Tân Lợi thuộc Agribank Đắk Lắk đã tiếp tay cho cò Hoa đáo hạn những hợp đồng đến hạn mà chủ tài sản không biết, để cho Hoa và đồng bọn tự viết chữ số vào các bảng kê chi tiền rồi “vay ké” chiếm đoạt hơn 1,7 tỷ đồng. Bản án hình sự sơ thẩm số 19 ngày 3/4/2014 TAND tỉnh Đắk Lắk tuyên phạt An 7 năm tù giam. Còn bản án phúc thẩm của TANDTC tại Đà Nẵng giảm hẳn án cho An xuống 3 năm cho hưởng tù treo là “sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự”.

Còn Bùi Thị Hồng Sen dù mới được ký hợp đồng tập sự ngắn hạn giúp việc cho cán bộ Tư pháp xã Hòa Thắng, nhưng “do nể nang đã nhiều lần làm trái công vụ tham mưu”, trình lãnh đạo UBND xã Hòa Thắng ký chứng thực các hợp đồng thế chấp tài sản và hồ sơ vay vốn không đúng quy định, tạo điều kiện cho cò Hoa chiếm đoạt tiền của những hộ dân nghèo cần vay vốn hơn 1,3 tỷ đồng. QĐ 09 nhận định Tòa phúc thẩm giảm án cho bị cáo Sen từ 6 năm tù xuống 2 năm tù, cho hưởng án treo không đúng với điều 47 BLHS. Tuy nhiên, QĐ 09 lưu ý: do hoàn cảnh của bị cáo, HĐXX cũng cần cân nhắc để có “hình phạt phù hợp”.

Phạt thế nào cho “phù hợp” với gia cảnh bi đát của bị cáo Sen? Những bị hại từng gửi đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Sen thêm một lần nữa động lòng. Tay trắng nuôi 3 con đói khổ vì gã chồng bạo hành đã bỏ đi chung sống với người khác, ngay khi phiên tòa sơ thẩm kéo dài tới 3 tuần vừa kết thúc phần tuyên án tại TAND tỉnh Đắk Lắk, bị cáo Sen đã ngã xuống ngất lịm ngay giữa hội trường trong tiếng gào khóc của các bị hại, do quá thương xót người phụ nữ bất hạnh này.

Cần hoãn và giãn nợ cho dân

Mới đây, nhiều bị hại trong vụ án là dân nghèo từ huyện Cư Mgar và xã Hòa Thắng ngoại thành Buôn Ma Thuột lại kéo đến Ban Đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên kêu cứu.

Hơn 7 năm trước, từ ngày 10/12/2009, các chủ hộ này đã cùng ký lá đơn tố cáo đầu tiên về cách “vay ké” bất thường của cò Hoa gửi tới nhà chức trách. Ngày 25/10/2010 Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Hoa về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hồ sơ vụ án xác định có 7 bị cáo là cán bộ đã tiếp tay cho cò Hoa phạm tội. 

Trong đó ngoài 2 cán bộ xã Hòa Thắng sai phạm về thủ tục thế chấp và chứng thực, còn có 5 cán bộ tín dụng của ngân hàng thực hiện các việc kê khống tăng cao giá trị tài sản thế chấp so với giá trị thực, tạo điều kiện cho Hoa ký giả, điền thêm chữ số, trực tiếp nhận tiền ngân hàng lúc không có mặt người vay. 

Bản án phúc thẩm số 340 nhận định: Trong 52 hồ sơ Agribank cho vay vốn được cơ quan CSĐT trưng cầu Ngân hàng Nhà nước giám định, thì tất cả đều vi phạm thủ tục, quy trình cho vay, dẫn đến hậu quả số tiền hàng chục tỷ đồng Hoa đã chiếm đoạt không có khả năng thu hồi.

Về trách nhiệm dân sự, Bản án phúc thẩm số 340 có hiệu lực pháp luật từ ngày tuyên án buộc bị cáo Nguyễn Thị Hoa phải bồi thường cho các bị hại là những hộ dân đã bị “vay ké” và Agribank tổng cộng trên 28,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, cò Hoa đã ở trong tù với bản án chung thân, nên không bị hại nào được cò Hoa bồi thường, mà chỉ có ngân hàng đi đòi nợ các hộ dân đã giao bìa đỏ cho cò Hoa thế chấp vay vốn ngân hàng.  

Tại Ban Đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên, cụ Hồng sinh năm 1933 run rẩy trình ra giấy chứng nhận bị nhiễm chất độc hóa học và Huân chương Kháng chiến hạng 3. Cụ Hồng bị loãng xương, cao huyết áp, yếu tim, có một con gái bị dị tật đần độn, câm điếc. Đi cùng bà là cô con dâu Trần Thị Liên, người nhờ cò Hoa thế chấp bìa đỏ lô đất thổ cư của cụ Hồng để vay vốn ngân hàng. 

Lô đất sau này được CQĐT định giá 117 triệu đồng, nhưng khi đó cán bộ ngân hàng đã kê vống lên 600 triệu để duyệt cho vay 300 triệu. Tới nay cò Hoa còn nợ chị Liên 200 triệu từ khoản vay này,  nhưng cán bộ đòi tịch thu tài sản trừ nợ, khiến chị Liên bị rối loạn tâm thần cấp tính, phải điều trị ở BV Tâm thần.

Nhiều bị hại khác cũng rơi vào thảm cảnh tương tự, nên khi cán bộ tín dụng xuống đòi tịch thu gia sản, tiếng kêu khóc van xin khoanh nợ náo động xóm làng. Các bị hại nói nếu dồn họ đến bước đường cùng, họ đành phải “ra đi”.

Trao đổi với đại diện báo Tiền Phong, ông Trần Đình Chánh giám đốc Agribank Đắk Lắk cho biết trong 2 năm qua, Agribank Đắk Lắk đã nỗ lực vượt bậc trong việc tái cơ cấu hệ thống và xử lý nợ xấu. Hậu quả của vụ án “cò” Hoa tới nay vẫn để lại khoảng 20 tỷ đồng nợ xấu khó đòi, mà sau khi bản án có hiệu lực ngân hàng phải tìm mọi cách thu hồi. Tùy trường hợp cụ thể, các bị hại của vụ án nên chủ động đến hội sở để cùng cán bộ ngân hàng bàn bạc, tìm giải pháp tháo gỡ, như xem xét giảm hoặc miễn lãi, khoanh nợ, chia hạn trả nợ ra nhiều năm...

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).