Đóng cửa các trung tâm giải phẫu thẩm mỹ "chui"

Đóng cửa các trung tâm giải phẫu thẩm mỹ "chui"
Sáng nay, 21/4, Sở Y tế Hà Nội đã làm việc với UBND quận Hoàn Kiếm về vụ phẫu thuật nâng ngực gây chết người tại Trung tâm thẩm mỹ Hồng Chi.
Đóng cửa các trung tâm giải phẫu thẩm mỹ "chui" ảnh 1
Kiểm tra tại Trung tâm chăm sóc sắc đẹp trên phố Cao Thắng.

Một đợt kiểm tra nhanh các trung tâm thẩm mỹ cũng được tiến hành ngay trong buổi sáng. Chánh thanh tra Sở Y tế Lê Nhân Tuấn cho biết:

Xin ông cho biết kết quả buổi làm việc sáng nay của Sở Y tế với UBND quận Hoàn Kiếm xung quanh vụ việc ở trung tâm thẩm mỹ Hồng Chi?

Cơ sở thẩm mỹ Hồng Chi được UBND quận Hoàn Kiếm cấp phép kinh doanh dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, không có chức năng giải phẫu thẩm mỹ. Do vậy, việc giải phẫu nâng ngực tại cơ sở thẩm mỹ Hồng Chi là hoạt động "chui", trái pháp luật, dẫn tới chết người.

Hiện nay, cơ sở này đã bị đóng cửa, chủ quán bỏ trốn. Công an quận Hoàn Kiếm đang thụ lý hồ sơ vụ án.

Hà Nội hiện có bao nhiêu cơ sở thẩm mỹ "chui" như Hồng Chi, thưa ông?

Chúng ta phải phân biệt rõ 2 loại dịch vụ là giải phẫu thẩm mỹ và chăm sóc sắc đẹp. Những trung tâm giải phẫu thẩm mỹ phải có bác sĩ phẫu thuật, trang thiết bị chuyên dùng và được Sở Y tế cấp phép hành nghề theo quy định cấp phép hành nghề y dược tư nhân. Hiện nay, Hà Nội chỉ có khoảng 10 cơ sở giải phẫu thẩm mỹ được cấp phép.

Còn với các trung tâm chăm sóc sắc đẹp, ngành y tế không cấp phép. Giấy phép kinh doanh sẽ do các địa phương cấp. Theo quy định, các trung tâm chăm sóc sắc đẹp chỉ làm các dịch vụ như mát xa mặt, trang điểm, làm tóc... không được sử dụng các thủ thuật gây chảy máu như xăm môi, xăm mi, nâng ngực...

Hà Nội có khoảng 200 cơ sở chăm sóc sắc đẹp, trong đó có một số cơ sở kinh doanh chui như Hồng Chi. Con số cụ thể là bao nhiêu thì đoàn liên ngành đang tiến hành kiểm tra, thống kê.

Nhưng hầu hết các trung tâm chăm sóc sắc đẹp đều trương biển quảng cáo các dịch vụ xăm mi, xăm môi... Tại sao các cơ quan chức năng không chấn chỉnh kịp thời, để đến khi xảy ra chết người mới vào cuộc?

Giấy phép của các cơ sở này là giấy phép kinh doanh do UBND các quận cấp, không phải giấy phép hành nghề của Sở Y tế. Do vậy, trách nhiệm giám sát trước hết thuộc UBND các địa phương.

Tháng 10/2004, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản gửi các quận, huyện nêu rõ 2 loại hình kinh doanh trên và yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở chăm sóc sắc đẹp nhưng "lấn sân" sang giải phẫu thẩm mỹ.

Với những cơ sở chăm sóc sắc đẹp kinh doanh ngoài giấy phép, cơ quan chức năng sẽ xử lý thế nào?

Trong buổi sáng nay, đoàn liên ngành đã kiểm tra 1 cơ sở chăm sóc sắc đẹp tại phố Cao Thắng, quận Hoàn Kiếm và phát hiện có những chất phục vụ cho việc xăm môi, xăm mi.

Biển quảng cáo của trung tâm này cũng ghi rõ có dịch vụ trên. Chúng tôi đã lập biên bản và sẽ có biện pháp xử lý nghiêm theo Nghị định 45. Đồng thời, kiến nghị UBND quận rút giấy phép kinh doanh của những cơ sở thẩm mỹ không phép.

Thực tế hiện rất nhiều người có nhu cầu chăm sóc sắc đẹp. Vậy làm thế nào để họ có thể biết được đâu là cơ sở chui và đâu là cơ sở được cấp phép, thưa ông?

Khi sử dụng dịch vụ làm đẹp liên quan đến các thủ thuật gây chảy máu như nâng ngực, xăm mắt, xăm mi phải đến các cơ sở giải phẫu thẩm mỹ có giấy phép hành nghề.

Theo quy định, cơ sở kinh doanh phải ghi rõ số giấy phép kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cấp ngay trên các biển quảng cáo.Vụ việc tại trung tâm Hồng Chi là lời cảnh báo cho chị em khi liều mạng tới các trung tâm "chui".

Ngày 20/4, Thanh tra Sở Y tế và Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã mở đợt tổng kiểm tra các trung tâm giải phẫu thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp trên địa bàn thành phố. Ngay trong ngày đầu tổng kiểm tra, tại Trung tâm thẩm mỹ Hồng Chi, số 1 dốc ga Long Biên, chị Ngô Thị Kim Hoa (sinh năm 1979) đã bị chết khi giải phẫu nâng ngực với giá 16 triệu đồng. Chủ tiệm đã đem theo tiền bạc, bỏ trốn.
MỚI - NÓNG