Đột nhập các xưởng gỗ giữa đại ngàn

Một điểm chuyên xẻ gỗ khủng nằm ven đường dẫn vào rừng.
Một điểm chuyên xẻ gỗ khủng nằm ven đường dẫn vào rừng.
TP - Gần đây, người dân tiếp tục phản ánh tình trạng khai thác trái phép rừng với nhiều điểm xẻ gỗ “khủng” nằm sâu trong rừng xã Đắk Môl, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông.

Trong vai những người đi buôn gỗ và mua đất rừng để trồng tiêu, chúng tôi tận mắt chứng kiến những cây gỗ tròn có đường kính từ 40 đến hơn 90 cm bị lâm tặc đốn hạ, sau đó đưa lên xe độ chế vận chuyển ra khỏi rừng.

Xe “đặc chủng lốp xích”

Khu rừng nằm sát suối Đắk Rí, cách trung tâm xã Đắk Môl chừng 20 km, giao thông rất khó khăn. Về mùa khô có thể di chuyển, nhưng về mùa mưa chỉ xe “đặc chủng lốp quấn xích” mới có thể đến được nơi này. Tại đây có rất nhiều lối mòn nhỏ men theo mép rừng do người dân tự mở để lấy đất canh tác. Dù đường sá không thuận lợi, nhưng từ đây có thể di chuyển ra trung tâm xã Đắk Môl hoặc trung tâm xã Đắk Sắk (huyện Đắk Mil) rồi ra Quốc lộ 14.

Đoạn đường vào địa phận rừng ở sát suối Đắk Rí rất ít người qua lại, thi thoảng chúng tôi mới bắt gặp một chiếc xe máy, phía sau chở nhiều hàng thiết yếu như đường sữa, thịt, cá, rau… Sau gần 30 phút băng rừng, vượt dốc dựng đứng bám sát sườn đồi, chúng tôi bỏ lại chiếc xe gắn máy bên trong khu cỏ tranh. Cách suối Đắk Rí chừng
100 m, đường đổ xuống dốc. Không gian tĩnh mịch của núi rừng như bị xé toang bởi tiếng xe máy cày độ chế, khói bay nghi ngút. Chúng tôi lại gần thì chứng kiến một chiếc xe càng cày phía sau chở 2 khúc gỗ tròn lớn, đường kính hơn 50 cm, dài hơn 3 m đang bị mắc lầy.

Đột nhập các xưởng gỗ giữa đại ngàn ảnh 1

Vết cắt trên cây gỗ còn mới.

Bốn thanh niên lực lưỡng xuống xe, chuẩn bị dụng cụ gồm những cây gỗ tròn to bằng cổ chân để bẩy gỗ xuống đất, hạ tải thì xe mới qua được. “Xe này được đưa vào rừng sâu, khi gỗ được chất đầy người ta sẽ lái ra đường để chuyển qua xe tải. Muốn di chuyển trong rừng, lâm tặc phải sử dụng loại xe độ chế đặc biệt, các lốp trước sau đều được cuốn căng xích để tạo ma sát bám chặt mặt đất lầy lội”, người dẫn đường cho biết.

Từ trong rừng, tiếng máy kêu xình xịch lớn dần. Thêm một chiếc công nông độ chế nữa xuất hiện, phía sau chất đầy gỗ dạng hộp có đường kính từ 30 đến 60 cm. “Mỗi  xe loại này chở được từ 2-4m3 gỗ. Khi qua suối mắc lầy, họ phải hạ tải số gỗ trên xe, sau đó gỗ lại được lôi bằng tời xích lên, rồi chở theo con đường men núi để tránh trạm kiểm lâm”, người dẫn đường kể.

Chỉ trong thời gian ngắn, chúng tôi chứng kiến nhiều xe như thế, cứ xe càng này vừa qua thì xe khác xuất hiện, phần rơmooc sau luôn chất đầy gỗ. Khi qua suối Đắk Rí, tài xế khéo léo cầm vô lăng dìu dắt chiếc xe luồn lách qua những tảng đá trông rất chuyên nghiệp.

Những điểm xẻ gỗ giữa rừng sâu

Đi sâu vào khu rừng nằm bên suối Đắk Rí có 2 căn nhà tạm, nhưng không có ai ở, bên trong bếp nấu ăn chỉ còn lại đống tro tàn. Phía sau 2 căn nhà này còn nguyên dấu vết một lượng lớn gỗ vừa được xẻ và lâm tặc đã chuyển toàn bộ số gỗ này đi nơi khác. Theo nhận định của người dẫn đường, đây là gỗ sao bởi vết mùn cưa còn rất mới và thơm. Dọc tuyến còn có hàng chục điểm xẻ gỗ lưu động nằm ngay ven đường, mỗi điểm chỉ cách nhau chừng hơn 100 m. Chỉ tay vào những khúc gỗ bị vẹo nằm lại ở một xưởng gỗ lưu động, người dẫn đường giải thích: “Gỗ chuyển ra ngoài bìa rừng đều là loại một, còn gỗ không đạt yêu cầu bị loại bỏ ngay từ đây”.

Đột nhập các xưởng gỗ giữa đại ngàn ảnh 2

Gỗ được xếp lên xe chuẩn bị đưa ra khỏi rừng (Ảnh cắt từ clip)

Gặp gỡ 2 thanh niên đi xe càng cày độ chế đang vào rừng, chúng tôi vờ hỏi vào rừng làm gì đấy? Họ trả lời không giấu giếm: “Vào rừng để chở gỗ!”. Hai thanh niên này là dân huyện Krông Nô, chở theo nhiều vật dụng sinh hoạt như cơm, bánh kẹo, nước ngọt… và không thể thiếu là các loại dụng cụ chuyển gỗ như tời, xích sắt.

Đột nhập các xưởng gỗ giữa đại ngàn ảnh 3

Một cây gỗ lớn bị đốn hạ.

Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Đình Dân - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Song gay gắt: “Trong 2 tháng trở lại đây không hề có vụ phá rừng nào hết. Hiện nay Công an tỉnh Đắk Nông và lực lượng liên ngành đặc biệt đang nằm ở trong đó, nên chẳng có anh nào dại gì mà chui vô!”.

Tuy nhiên, ông Lại Thế Bình, Phó giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Đức Hòa xác nhận: khu vực khai thác gỗ trái phép mà phóng viên phản ánh thuộc các tiểu khu 1098, 1104, 1111, 1122, 1112 tại xã Đắk Môl, thuộc địa phận huyện Đắk Song, do công ty này quản lý. “Khoảng hơn 2 tháng nay, chúng tôi đã phát hiện bắt giữ được nhiều vụ, giao cho Kiểm lâm và Công an. Họ đã chống đối quyết liệt, rồi ném đá vào trụ sở của công ty”.

MỚI - NÓNG