'Đừng vô cảm với dân!'

'Đừng vô cảm với dân!'
TP - “Qua việc ra những văn bản gây phản ứng của dư luận cho thấy các cá nhân, đơn vị tham mưu ra văn bản có sự hời hợt, thậm chí vô cảm đối với đời sống nhân dân - người chịu tác động của những quy định “trên trời” đó. Qua đó cũng phản ánh việc xin ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động của văn bản rất hình thức và thường bị bỏ qua”.

> Bộ GD&ĐT đã sửa đổi, bổ sung thông tư sai luật
> Phát sốt vì những quy định 'trời ơi'
> Xuất cảnh, đi tù bị xóa hộ khẩu?

Đó là ý kiến của TS. Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), Bộ Tư pháp, khi trao đổi với Tiền Phong.

Sai luật, hạn chế quyền công dân

Trao đổi với Tiền Phong về Thông tư 04/2013/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, TS. Lê Hồng Sơn cho biết, sau khi ban hành (ngày 26-2) và gây phản ứng của dư luận, Cục Kiểm tra VBQPPL đã làm việc với Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng, Vụ Pháp chế, Bộ GD&ĐT. Cho đến ngày 1-3, những nội dung sai trái, gây phản ứng của dư luận cơ bản đã được sửa.

Cụ thể, chiều 1-3, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 06/2013/TT-BGDĐT thay thế Thông tư 04, sửa đổi Điều 42a thành: “Người có bằng chứng về vi phạm Quy chế thi báo ngay cho nơi tiếp nhận được quy định tại khoản 2 Điều này để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật. Việc tiếp nhận và xử lý các tố cáo vi phạm Quy chế thi được thực hiện theo pháp luật về tố cáo”.

Trước đó, quy định này buộc người cung cấp thông tin và bằng chứng về tiêu cực thi cử không được phát tán thông tin cho người khác, phải nộp cho Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT Trung ương hoặc cấp tỉnh và Thanh tra giáo dục các cấp.

“Khi chúng tôi nêu vấn đề quy định như trên là hạn chế quyền công dân, hạn chế quyền phát hiện và kiến nghị xử lý tiêu cực của công dân và vi phạm Luật Tố cáo, phía các cơ quan chức năng của Bộ GD&ĐT đồng thuận ngay. Họ thừa nhận sai sót và rất cầu thị, sửa sai, điều chỉnh theo hướng phải tố giác hành vi vi phạm theo đúng quy định về pháp luật tố cáo”- TS. Sơn cho hay.

Kiến nghị hủy quy định tổ chức lễ tang

Cũng theo TS. Lê Hồng Sơn, về những quy định tổ chức lễ tang cán bộ, viên chức, công chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (đã gây phản ứng gay gắt của dư luận vừa qua), Cục Kiểm tra VBQPPL vừa có công văn (số 51/KTrVB, ra ngày 28-2) kiến nghị hủy bỏ.

Sở dĩ phải hủy bỏ là bởi Công văn số 242 (ra ngày 22-1-2013, làm rõ một số nội dung tại Nghị định 105/2012/NĐ-CP về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức) không hợp pháp. Công văn đã đưa ra các quy phạm pháp luật: quy định vòng hoa luân chuyển (Mục 2); hướng dẫn cụ thể về rắc vàng mã và các loại tiền (Mục 3); tổ chức thực hiện (Mục 4).

Trong khi đó, theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL, các QPPL thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng phải được thể hiện bằng hình thức thông tư.

Không những thế, Công văn 242 còn có các nội dung khác với quy định của Chính phủ tại Nghị định 105. Nghị định 105 quy định rõ số lượng vòng hoa luân chuyển, không rắc vàng mã… Trong khi đó, Công văn 242 lại thể hiện bằng các cụm từ như: Các đối tượng khác như cá nhân, thân nhân của người từ trần có thể dùng vòng hoa viếng tại các lễ tang; quá trình đưa tang hạn chế việc rắc vàng mã và khuyến khích không rắc vàng mã...

TS. Sơn cũng cho rằng, ngay cả nội dung Nghị định 105 đã có những quy định cứng nhắc như quy định không để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài; quy định số vòng hoa luân chuyển…, không phù hợp với tập quán từng địa phương.

Đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu

Mới đây, một quy định khác đưa ra cũng đã gây phản ứng của dư luận là quy định xóa đăng ký thường trú đối với người xuất cảnh 2 năm trở lên và đi tù trong dự thảo Luật Cư trú sửa đổi mà Bộ Công an (cơ quan chủ trì soạn thảo) vừa mới trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Mặc dù lý lẽ ban đầu của Bộ Công an đưa ra là những người xuất cảnh hoặc đi tù trở về sẽ được tạo điều kiện nhanh chóng nhập hộ khẩu trở lại, nhưng rõ ràng đã hạn chế quyền tự do cư trú của công dân, gây ra những tâm lý không tốt cho người thân và người đi xuất cảnh, cải tạo.

“Quy định như vậy có thể giúp cơ quan quản lý nhà nước thuận lợi hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ, nhưng họ đã không tính đến những quyền và lợi ích khác của công dân”- LS Nguyễn Hồng Bách (Đoàn LS TP Hà Nội) nói.

Theo LS Bách, nếu cắt hộ khẩu đối với những đối tượng này sẽ dẫn đến gây khó khăn cho họ trong việc thực hiện quyền thừa kế, sang nhượng tài sản, khám chữa bệnh… Ngay cả những người phải đi tù vẫn còn những quyền nhất định của họ mà pháp luật cho phép.

Do đó, các nhà làm luật trước khi ra một quy định nào đó, không chỉ tính tới việc chỉ có lợi cho mình, mà cần phải tính đến lợi ích của cả người dân. Lợi ích của người dân phải được đặt lên hàng đầu.

Trao đổi với Tiền Phong, đại tá Trần Thế Quân, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công an nói đã bỏ quy định xóa đăng ký thường trú đối với 2 đối tượng trên trong dự thảo Luật Cư trú sửa đổi. Bỏ quy định trên một phần là do nhiều ý kiến không đồng tình và vấp phải phản biện của xã hội.

Trở lại Thông tư 04 của Bộ GD&ĐT, nó đã “chết yểu” sau một tuần ban hành, cho thấy việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo thông tư này đã bị bỏ ngỏ- một “căn bệnh” phổ biến khi xây dựng các dự thảo chính sách hiện nay.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.