Hơn 100 đảng viên bị kỷ luật vì rừng bị thu hẹp

Hơn 100 đảng viên bị kỷ luật vì rừng bị thu hẹp
TP - Năm 2003, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) chủ trương tách tôm ra khỏi rừng. Sau hơn 2 năm thực hiện, diện tích rừng thì bị thu hẹp, tôm “sống dở chết dở”, hơn 100 đảng viên bị kỷ luật…
Hơn 100 đảng viên bị kỷ luật vì rừng bị thu hẹp ảnh 1
Ông Trần Văn Sinh trên cánh rừng mới trồng bị chết trắng

Chủ trương tách tôm ra khỏi rừng nhằm đảm bảo tỷ lệ rừng - tôm trên đất rừng ngập mặn. Ông Lê Văn Kháng - Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển - cho biết: “Đến nay, trong huyện mới có 13 hộ thực hiện xong việc tách diện tích nuôi tôm ra khỏi rừng, 156 hộ thực hiện đúng tỷ lệ diện tích rừng - tôm theo quy định (tỷ lệ diện tích rừng - tôm dưới 3 ha/hộ là 5/5, từ 3 - 5 ha/hộ là 6/4 và trên 5 ha/hộ là 7/3), trên tổng số 9.350 hộ sản xuất ngư - lâm trên đất rừng ngập mặn trong địa bàn huyện”.

Nguyên nhân là do người sản xuất tìm mọi cách để mở rộng diện tích nuôi tôm nên diện tích rừng càng ngày bị teo tóp. Một chu kỳ trồng rừng là 10 năm, nên nguồn lợi từ việc chăm sóc, bảo vệ, khai thác là không đáng kể.

Trong khi đó, nuôi tôm dưới chân rừng lâu nay cho thu nhập lớn. Từ đó, người nuôi tôm đào bới đất rừng, tỉa thưa rừng để con tôm sinh trưởng.

Về rừng đước Cà Mau hôm nay, cây đước ngày càng vắng bóng. Bởi vậy, có ý kiến cho rằng chủ trương chia tách diện tích rừng, diện tích nuôi tôm trong từng hộ nhận khoán rừng là không khả thi.

Ông Nguyễn Văn Nhuận (Tư Nhuận), 61 tuổi ở xã Tân Ân Tây (Ngọc Hiển) là một trong 13 hộ dân thực hiện tách diện tích nuôi tôm ra khỏi rừng. Năm 2003, ông Nhuận được phép khai thác trắng 4 ha rừng để nuôi tôm, 1 ha thổ cư kết hợp trồng cây ăn trái, chăn nuôi heo, còn lại 6 ha trồng rừng đước.

Hơn 10 lao động quần quật suốt 4 tháng trời, tổng chi phí đầu tư hơn 60 triệu đồng. Gia đình ông là một trong những hộ cho con tôm ở riêng với cây đước.

Ông Tư Nhuận bần thần: “Từ khi tách tôm ra khỏi rừng, tôi thả 5 đợt, mỗi đợt 100 ngàn con tôm giống mà mất mùa hoài. Nay nợ vay ngân hàng 20 triệu đồng không trả nổi. Nguyên do là gốc cây đước ở đầm tôm bị thối rễ làm nước thối, con tôm không sống nổi”.

Hơn 100 đảng viên bị kỷ luật vì trồng rừng không đạt yêu cầu

Ông Trần Công Lý-Phó Chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Ngọc Hiển - cho biết: “Qua kiểm tra 131 đảng viên trong số 352 đảng viên nhận đất rừng sản xuất lâm-ngư kết hợp, phát hiện 111 đảng viên vi phạm trồng và bảo vệ rừng.

Trong đó, phê bình rút kinh nghiệm sửa chữa 58 đảng viên, khiển trách 34 đảng viên, cảnh cáo 19 đảng viên.

Ngoài ra, chúng tôi còn giới thiệu những đảng viên vi phạm về các địa phương ngoài huyện để xử lý.

Phần lớn lỗi của những đảng viên này là không tích cực trồng hoặc trồng rừng không đạt yêu cầu”.

Còn vợ chồng ông Trần Văn Sinh, đang khốn khổ vì rừng đước gần 6 ha mới trồng chết trắng. Ông Sinh tự hỏi: “Không biết vì lý do gì mà trái đước trồng xuống lại chết dần. Không chỉ có diện tích rừng của tôi bị chết mà diện tích rừng trồng  năm 2004 -  2005 ở khu vực này cũng bị chết”.

Hiện hầu hết diện tích rừng mới trồng của Ban quản lý và bảo vệ rừng13/12 (Ngọc Hiển - Ban 13/12) đều bị chết nhiều mức độ khác nhau.

Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Ngọc Hiển đã tiến hành kiểm tra diện tích rừng trồng năm 2004-2005 của Ban 13/12, phát hiện 174 ha rừng thiệt hại, trong đó có hơn 65 ha rừng mới trồng chết trắng, của 202 hộ nhận khoán đất rừng sản xuất lâm - ngư.

Hiện nhiều người dân đang bị đề nghị xử lý vì để rừng chết. Còn hơn trăm đảng viên bị kỷ luật vì không “đi trước” trồng rừng. Ông Phan Văn Rạng, 49 tuổi, ở ấp Ông Như (xã Tân Ân Tây, Ngọc Hiển) vừa bị kỷ luật vì trồng rừng không đạt tỷ lệ theo quy định trên lâm phần nhận khoán của Ban quản lý 13/12.

Dẫn tôi ra bờ bao vuông tôm nắng chang chang, ông kể: “Tôi nhận khoán 4 ha, thời hạn 20 năm. Phần đất này của một đơn vị quân đội làm rẫy, đào kinh mương sâu ngập đầu, lên liếp trồng hoa màu. Cán bộ ban quản lý buộc tôi phải trồng rừng cho đạt diện tích để báo cáo. Nhưng thử hỏi còn diện tích đất ở đâu trồng được cây đước. Trồng đước xuống mương chẳng khác nào trấn nước cây đước con. Tôi cố gắng trồng cây dừa, cây me để phủ xanh đạt tỷ lệ nhưng cán bộ lâm nghiệp không chịu, đành bó tay!”.

Ở xã Đất Mũi (Ngọc Hiển) có 20 đảng viên mà gia đình của họ sản xuất rừng - tôm. Ông Lê Hoàng Liêm - Phó Chủ tịch UBND xã - cho biết: Khi triển khai chủ trương trồng rừng thì đang thả nuôi tôm giống. Việc đưa xáng vô vuông tôm cải tạo vuông, trồng thêm rừng không làm kịp.

Anh Nguyễn Văn Thắng - đảng viên, cán bộ văn hóa, bị kiểm điểm phê bình vì trồng rừng không đủ chỉ tiêu nói: “Tình trạng chung của những đảng viên bị kỷ luật vì vi phạm quy định của cấp ủy về trồng rừng là không đủ vốn, nhân lực. Trong khi đó, mô hình sản xuất kiểu tách tôm ra khỏi diện tích rừng khó mang lại  hiệu quả”.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.