Mới nhất vụ công an dùng nhục hình ở Phú Yên

Bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành tại phiên tòa phúc thẩm sáng 23/8. Ảnh: Giang Thanh
Bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành tại phiên tòa phúc thẩm sáng 23/8. Ảnh: Giang Thanh
TPO - Sáng 23/8, TAND cấp cao tại Đà Nẵng tiến hành xử phúc thẩm vụ án công an dùng nhục hình gây chết người tại Phú Yên. Luật sư  của bị cáo đề nghị toà triệu tập đầy đủ những người vắng mặt liên quan đến vụ án.

Trước đó, ngày 19/8, bà Trần Thị Tâm (vợ nạn nhân Ngô Thanh Kiều đã chết), đại diện hợp pháp của người bị hại, có đơn xin hoãn phiên tòa với lí do điều kiện kinh tế eo hẹp, không đủ chi phí ra Đà Nẵng. Luật sư Võ An Đôn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại, cũng đề nghị xin hoãn xử phúc thẩm.

Tại tòa, Luật sư Nguyễn Văn Thắng, người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành, cũng bày tỏ quan điểm xin hoãn phiên tòa do đại diện Viện Pháp Y cao cấp tại TP HCM (đơn vị giám định thi thể của nạn nhân Ngô Thanh Kiều) và giám định viên trực tiếp giám định thi thể người bị hại vắng mặt, nên sẽ ảnh hưởng đến việc xét xử.

Luật sư Thắng đề nghị toà triệu tập đầy đủ những người vắng mặt nói trên trong phiên tòa tiếp theo.

Bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành cũng xin tạm hoãn phiên xử phúc thẩm với lí do bị cáo mới được di lý từ Phú Yên ra Đà Nẵng ngày hôm qua (22/8) nên sức khỏe không đảm bảo.

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Hồng Hà, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Ngô Văn Cộ và bà Bùi Thị Phương - bố mẹ của nạn nhân Kiều,  lại cho rằng: “Nội dung kháng cáo của vợ và chị nạn nhân là bà Trần Thị Tâm và Ngô Thị Tuyết là giống nhau nên sự vắng mặt của bà Tâm không ảnh hưởng đến việc xét xử.

Đối với những trường hợp vắng mặt, tòa có thể triệu tập trong thời gian 3 ngày dự kiến diễn ra phiên toà”. Luật sư Hà đề nghị không hoãn xử phúc thẩm thêm nữa.

Mới nhất vụ công an dùng nhục hình ở Phú Yên ảnh 1

Bà Ngô Thị Tuyết (chị gái người bị hại Ngô Thanh Kiều) mong tòa không trì hoãn xét xử thêm nữa. Ảnh: Giang Thanh

Đại diện Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng cũng đề nghị hoãn phiên tòa với lí do đại diện người bị hại vắng mặt với lí do không chính đáng, và chính bị cáo tự thấy sức khỏe không đảm bảo để tham dự phiên tòa.

Tại phiên tòa, bà Ngô Thị Tuyết (đại diện hợp pháp của bố mẹ người bị hại) bức xúc: “Tôi luôn tin tưởng vào sự nghiêm minh của pháp luật và luôn tôn trọng quyết định của tòa.

Nhưng vụ án đã kéo dài 4 năm, xử phúc thẩm cũng trì hoãn đến 3 lần. Xin tòa xem xét lại quyết định hoãn và lí do vắng mặt của các bị cáo, các nhân chứng. Đồng thời, xét xử công bằng, minh bạch và nghiêm minh vụ việc”.

Tuy nhiên, sau khi xem xét đề nghị của các bên, HĐXX tạm hoãn phiên tòa và sẽ xét xử phúc thẩm vào ngày 7/9/2016.

Như đã đưa tin, vụ án công an dùng nhục hình dẫn đến chết người xảy ra tháng 5/2012 tại Phú Yên. Ngô Thanh Kiều (nghi can của 1 vụ trộm) trong quá trình lấy lời khai đã bị một số sĩ quan Công an TP Tuy Hòa và Công an tỉnh Phú Yên đánh dẫn đến tử vong.

Ông Lê Đức Hoàn là Phó trưởng Công an TP Tuy Hòa, trưởng ban chuyên án, do thiếu trách nhiệm kiểm tra đã để xảy ra việc dùng nhục hình, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Tại phiên sơ thẩm, TAND tỉnh Phú Yên tuyên bị cáo Lê Đức Hoàn 9 tháng tù cho hưởng án treo. Bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên trinh sát viên, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP Tuy Hòa) dùng dùi cui đánh vào đầu người bị hại Ngô Thanh Kiều dẫn đến chấn thương sọ não gây tử vong, bị tuyên 8 năm tù.

 Bị cáo Nguyễn Minh Quyền (nguyên Đội phó Đội trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Phú Yên) 2 năm 6 tháng tù. Các bị cáo nguyên là sĩ quan Công an TP Tuy Hòa gồm: Phạm Ngọc Mẫn bị tuyên 2 năm 3 tháng, Nguyễn Tấn Quang nhận 2 năm tù, Đỗ Như Huy bị tuyên 1 năm tù cho hưởng án treo.

Sau bản án sơ thẩm ngày 15/4/2015 của TAND tỉnh Phú, bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành kháng cáo, kêu oan; ba bị cáo khác kháng cáo xin giảm án tù. Bà Trần Thị Tâm và bà Ngô Thị Tuyết (đại diện của người bị hại) cũng có đơn kháng cáo, yêu cầu tăng thêm tội danh đối với các bị cáo.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.