Nghệ An:

Nạn phá rừng đầu nguồn Tương Dương

Nạn phá rừng đầu nguồn Tương Dương
TP - Từ khu vực Khe Bố (điểm đến đầu tiên của huyện miền núi Tương Dương theo QL7A) chúng tôi đã chứng kiến hàng loạt ngọn núi đã bị “cạo trọc đầu”. 

Lên đến đoạn cầu Vũng Cám (KM116+10457) những cánh rừng trồng xanh tốt cũng bị đốt và chỉ còn trơ lại thân và gốc cây to.

Nhiều cây lớn đang tràn trề sức sống đứng bên cạnh cũng bị héo vàng do ảnh hưởng của ngọn lửa thiêu.

Cứ thế hai bên QL7A từ Khe Bố đến cầu Khe Quyên thuộc xã Tam Thái, trưa cũng như chiều rừng đang bị thiêu cháy. Cách thị trấn Hòa Bình hơn nửa ngày đường chúng tôi mới vào tới xã Yên Hòa.

Nạn phá rừng đầu nguồn Tương Dương ảnh 1
Những cây gỗ to đã bị đốn ngã và đốt cháy, chỉ còn trơ lại gốc

Ồ ạt phá rừng làm rẫy

Trưa nghỉ lại ở trung tâm xã ai nấy đều tận mắt thấy lửa đang thiêu cháy nhiều cây gỗ to, tre nứa, nổ đôm đốp từ rừng. Thêm vào đó là những đợt khói đen ngòm... bay mù trời. Trời đã nắng nóng, người dân còn phải sống trong mùi khói, gỗ mộc đến nghẹt thở.

Tạm chia tay vùng núi Yên Hòa, men theo khe Chả Hả suốt mấy tiếng đồng hồ, vã mồ hôi mới vào đến trung tâm xã Yên Tĩnh.  Dọc hai bên khe Chả Hả hàng trăm ha rừng đã bị bà con đốt phá.

Tại khu vực bản Cánh Toong xã Yên Hòa nhiều ngọn đồi có cây lớn, cây bé đều xanh tốt và dày đặc đã bị người dân địa phương dùng cưa xăng đốn ngã. Có những cây gỗ to đã được cưa, chặt nằm lăn lóc cả khe và hai bên tuyến đường từ bản này đến bản khác. 

Sau khi đốn ngã, một số cây gỗ to được bà con lấy phần thân chuyển đi, cây nhỏ và phần ngọn châm lửa đốt. Và cứ thế dọc hai bên khe san sát những “bãi chiến trường” do nạn đốt, phá rừng làm rẫy để lại. Khi chúng tôi đến tận mắt chứng kiến những gốc thân cây lớn đang bị thiêu rụi, có gốc cây to còn bén lửa cháy nghi ngút.

Khi hỏi một số người dân bản Cánh Toong vì sao bà con chặt, đốt, phá  rừng một cách không thương tiếc vậy? Hầu hết đều trả lời một cách hồn nhiên “không đốt rừng dân ta lấy gì mà sống”?

Thấy tôi tỏ vẻ xuýt xoa tiếc thương cho những thân cây to bị  chặt đốt, chị Lương Thị Lạng- người dân bản Cánh Toong chỉ tay về phía Khe Mến mà nói: Khu vực đó còn có nhiều cây gỗ to bị chặt phá hơn, rừng ở đây bị chặt phá như thế này là chuyện thường.

Theo lời chị Lạng, chúng tôi men theo đường mòn vượt qua bản Cánh Toong, đến đoạn Khe Mến mới thấy nhiều cây gỗ lớn tiếp tục bị đốn ngã nằm dài thành bãi. Cứ thế xuyên theo khe Chả Hả qua hết 8 bản làng nằm dọc theo khe này chỗ nào rừng cũng bị bà con chặt phá để đốt nương làm rẫy. 

Ông Lâm Việt Minh - Phó chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh cho  biết, mặc dù chính quyền địa phương có tuyên truyền bà  con trong các thôn bản không được đốt rừng làm rẫy đối với những khu vực rừng tái sinh, nơi có  nhiều cây gỗ lớn nhưng bà con không nghe.

Nạn phá rừng đầu nguồn Tương Dương ảnh 2
Rừng tái sinh đầu nguồn bị đốt cháy

Nhà chức trách thờ ơ?

Điều đáng nói, trong khi nhà nước chỉ cho phép đồng bào đốt nương làm rẫy ở những khu vực rừng lau lách và những  nơi đã được chính quyền quy định, nhưng ở vùng núi Tương Dương hoàn toàn ngược lại.

Ngay cả rừng tái sinh giáp ranh với cánh rừng săng lẻ (thuộc rừng nguyên sinh Quốc gia Pùmát) cũng bị đốt từng bãi. Điều đáng nói, Tương Dương là vùng thượng nguồn của dòng sông Lam.

Mấy năm gần đây năm nào trên thượng nguồn sông Lam cũng có lũ lớn, có những cơn lũ  quét đã cuốn phăng cả ba, bốn chiếc cầu treo lớn bắc qua sông. Mới hồi cuối năm ngoái (năm 2007) tại địa bàn Tương Dương cũng gặp lũ lớn. Khu vực bà con đang chặt phá rừng nhiều như Yên Hòa, Yên Tĩnh, Yên Na chính là những xã chịu hậu quả lớn nhất.

Riêng xã Yên Hòa nước lũ cuốn mất 2 ha đất bằng của bà con trồng lúa nước. Tuy nhiên, người dân nơi đây không ý thức được những hậu quả khôn lường của việc chặt và đốt phá rừng ồ ạt như hiện nay. Trong khi đó các nhà chức trách địa phương thì  tỏ ra rất thờ ơ với việc này.

Khi phóng viên đề cập đến việc người dân khắp nơi trên địa bàn huyện Tương Dương đang chặt và đốt phá rừng đầu nguồn một cách ồ ạt và tan hoang thì ông Lữ Văn Chôm- P.

Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Tương Dương giải thích: Do vùng sâu vùng xa chúng tôi không kiểm soát hết. Có nhiều chỗ phát hiện bà con vi phạm lâm luật, lập biên bản xử lý  xong họ lại tái phạm. Nếu đúng như phóng viên phản ánh thì chúng tôi sẽ cho người đi kiểm tra ngay, cuối tháng này (tháng 6/2008) chúng tôi mới kết hợp các cơ quan chức năng kiểm tra báo cáo xử lý.

Được biết, trước khi bước vào mùa đốt nương làm rẫy, Hạt kiểm lâm huyện Tương Dương đã kết hợp với các cơ quan chức năng phân vùng cho từng hộ dân, từng bản làng,  phải  có cam kết trong công tác phòng chống cháy rừng, phải có đường băng cản lửa. Nếu đốt nương làm rẫy thì chỉ được đốt ở những khu vực đất trống đồi núi trọc hoặc những vùng lau lách đã được quy hoạch.

Nhưng hiện tại rừng Tương Dương đang bị chặt và đốt phá một cách tràn lan, không những làm tan hoang núi đồi mà còn gây ảnh hưởng đến môi trường sống của con người cũng như động vật, môi sinh, đó là chưa kể ẩn họa khôn lường của những cơn lũ quét vào mùa mưa sắp tới.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.