Người tố Phó chánh án vòi tiền bị tuyên 18 tháng tù giam

Bị cáo Thụt và vợ đến TAND huyện Ea Kar
Bị cáo Thụt và vợ đến TAND huyện Ea Kar
TPO - Dù đã được gia đình nạn nhân làm đơn bãi nại, nhiều yếu tố mâu thuẫn trong cáo trạng chưa được làm rõ, nhưng TAND huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) vẫn tuyên xử bị cáo Nông Văn Thụt 18 tháng tù giam.

Sáng 2/3/2017, sau 2 ngày nghị án, TAND huyện Ea Kar tuyên án vụ án hình sự về vi phạm quy định điều khiển giao thông đường bộ xảy ra vào ngày 30/6/2016 tại thôn 7, xã Cư Yang, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk khiến 1 người tử vong. Đây là một vụ án có hậu quả nghiêm trọng, nhưng tình tiết có thể xem là đơn giản. Bà Trương Thị Hoa nguyên Thẩm phán, Phó chánh án TAND huyện Ea Kar từng nói “chỉ xử trong vòng 30 phút là xong”. Nhưng việc xét xử đã kéo dài đến 3 ngày mới có bản án cuối cùng, với mức án 18 tháng tù giam đã tuyên cho bị cáo Thụt. Bị cáo Thụt cho biết sẽ kháng cáo.

“Bản án quá nặng, nhưng chúng tôi không bất ngờ. Với bản án này, nhiều người sẽ hoài nghi, vì phiên toà diễn ra ngay tại nơi công tác của bà Phó chánh án mới bị khởi tố do ông Thụt tố cáo. HĐXX đã không áp dụng tại khoản 3, điều 29, BLHS năm 2015, theo hướng có lợi cho bị cáo để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự” – Luật sư Phạm Công Út (đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết.

Theo cáo trạng của VKSND huyện Ea Kar, do coi thường pháp luật, lúc 6 giờ 10 phút ngày 30/6/2016, ông Nông Văn Thụt (SN 1969 – trú tại thôn 12, xã Cư Yang, huyện Ea Kar) điều khiển xe ô tô mang biển số 47C-063.16 lưu thông trên đường liên thôn hướng từ thôn 7 đi thôn 8 xã Cư Yang, do đi ngược chiều theo quy định nên đã va chạm với bà Trần Thị Giới (SN 1959), khiến bà này tử vong.

Sau vụ tai nạn, gia đình ông Thụt đã vay mượn khắp nơi kiếm đủ số tiền 110 triệu lo chi phí cho gia đình nạn nhân và được làm đơn bãi nại. Bị cáo Thụt cho biết, số tiền này tương đương với thời gian làm việc của gia đình trong vòng 3 năm. Tại phiên xét xử, do bị cáo Thụt là người dân tộc thiểu số chỉ học tới lớp 4/12, không rành tiếng Kinh nên Đảng uỷ xã Cư Yang đã cử cán bộ để phiên dịch.

Có nhiều tình tiết đáng chú ý mà đại diện các luật sư đưa ra, nhưng HĐXX không đưa vào để xem xét. Cụ thể, cáo trạng có nhiều mâu thuẫn; Tai nạn xảy ra có thể do bà Giới đi xe chở theo giỏ trứng cồng kềnh đeo ở ghi đông di chuyển trên đường xấu đã va vào xe của bị cáo; Vết xước ở xe của bị cáo, máu, tóc của bị hại chưa được đưa đi giám định; Nhân chứng Nông Văn Trung là người chứng kiến đầu tiên vụ việc đã không được mời để lấy lời khai điều tra bổ sung v.v...

Trước đó, như Tiền Phong đã thông tin, ngay trước khi xử vụ án về an toàn giao thông mà bị cáo là ông Thụt, bà Trương Thị Hoa – Thẩm phán, Phó chánh án TAND huyện Ea Kar nhiều lần điện thoại với ông Thụt, gợi ý muốn được hưởng án treo thì phải hối lộ cho bà 120 triệu đồng, nếu không sẽ phải lãnh từ 5 đến 15 năm tù.

Gia đình ông Thụt hoảng sợ, vì ông là điểm tựa duy nhất của bà vợ đau ốm và 5 đứa con nhỏ, nợ nần chưa trả hết. Sau nhiều lần vợ chồng ông Thụt van xin, bà Hoa hạ giá xuống còn 80 triệu đồng vì “còn cấp trên”. Chạy vạy cho đủ 80 triệu đồng, trưa ngày 5/12, ông Thụt mang tiền đến nhà bà Hoa giao, sau khi đã chụp ảnh serie một số tờ tiền xếp sẵn và ký đơn tố cáo bà Hoa, gửi đến các nhà chức trách qua đường bưu điện. Nhận tiền xong, bà Hoa cho biết việc xử ông Thụt sẽ diễn ra vào chiều 6/12/2016.

Những tài liệu do ông Thụt cung cấp cho cơ quan chức năng đủ bằng chứng về việc thẩm phán vòi tiền chạy án, nên VKSND Tối cáo đã khởi vụ án, khởi tố bị can đối vơi bà Hoa về hành vi “nhận hối lộ”. Ông Thụt đã gửi đơn đến nhiều ban ngành ở tỉnh Đắk Lắk đề nghị được khen thưởng về việc ông chủ động tố cáo hành vi tiêu cực của thẩm phán.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.