Thông tin tiếp vụ tranh chấp giữa Ngân hàng Hàng hải và Cty Thương mại Hải Phòng:

Nhiều khuất tất phía sau bản hợp đồng ngoại thương

Nhiều khuất tất phía sau bản hợp đồng ngoại thương
TP - Tiền phong đã đăng bài về vụ tranh chấp giữa Ngân hàng Cổ phần thương mại Hàng Hải và Cty Thương mại Hải Phòng (viết tắt Cty Thương mại), vạch rõ những sai phạm trong thương vụ mua bán 5.000 tấn thép tấm của Cty Thương mại.

Đặc biệt là dấu hiệu “cố ý làm trái” của một số người ở Ngân hàng Hàng hải, trong việc bảo lãnh cho Cty Thương mại, gây thất thoát tiền của Nhà nước.

Hàng của “ông Chuộc”, bảo lãnh cho “bà Chằng”!

Bài báo trước đã nêu, lô hàng 5.000 tấn thép nguyên của Cty xuất nhập khẩu Hải Phòng (gọi tắt là Cty XNK) ủy thác cho Cty Thương mại nhập về cảng Hải Phòng. Theo quy định về việc ủy thác (tại Quyết định 1172, ngày 22/9/1994 của Bộ trưởng Bộ Thương mại), bên ủy thác phải có khả năng thanh toán hàng nhập khẩu, còn bên nhận ủy thác lại không cần điều kiện này.

“Có dấu hiệu của hành vi làm trái, thiếu trách nhiệm của một số cá nhân thuộc Cty XNK, Cty Thương mại, Ngân hàng Hàng hải, gây thất thoát số lượng lớn tài sản của Nhà nước”; “Công an TP Hải Phòng thống nhất với quan điểm của Viện KSND TP Hải Phòng và Viện KSNDTC, là chuyển hồ sơ vụ việc này cho cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật”. (Trích công văn của Công an TP Hải Phòng gửi TANDTC, ngay sau phiên toà sơ thẩm lần hai).       

Khi nhận bảo lãnh việc mua lô hàng, Ngân hàng Hàng hải biết rõ Cty Thương mại chỉ là phía nhận ủy thác, họ không bị buộc phải chứng minh khả năng tài chính, phía phải chứng minh là Cty XNK.

Thế nhưng, trong cả thương vụ này, Ngân hàng Hàng hải đã hoàn toàn bỏ qua Cty XNK, đây rõ ràng thêm một dấu hiệu của hành vi “cố ý làm trái”; Ngân hàng đã cố tình bảo lãnh cho một pháp nhân không bị bắt buộc  phải có và thực tế là không có đủ khả năng tài chính để trả nợ.

Khi ra tòa, Ngân hàng Hàng hải biện minh rằng, họ bảo lãnh cho Cty Thương mại là do Cty này đã có phương án tiêu thụ lô hàng, và xét thấy phương án ấy có tính khả thi.

Theo tìm hiểu của PV báo Tiền phong, đúng là Cty Thương mại đã nộp cho Ngân hàng Hàng hải “Phương án tiêu thụ lô sắt tấm 5.000 tấn”, và lãnh đạo Ngân hàng đã có ý kiến thẩm định. Chỉ có điều khá… tréo ngoe, phương án này được Giám đốc Cty Thương mại ký ngày 16/3/1996, lãnh đạo Ngân hàng cũng “thẩm định” và có bút phê đúng ngày ấy; thế nhưng, vào ngày ấy, lô hàng hoàn toàn không phải của Cty Thương mại!

Như đã nêu ở số báo trước, đầu tháng 4/1996 hàng mới về đến cảng Hải Phòng; ngày 12/4/1996, Cty XNK mới có văn bản từ chối mua lô hàng này; như vậy, cả Cty Thương mại và Ngân hàng đã lên kế hoạch tiêu thụ lô hàng, ngay khi nó đang thuộc quyền sở hữu của người khác!

45.000 USD đã bị “vứt qua cửa sổ”?

Hợp đồng mua 5.000 tấn thép tấm được Giám đốc Vũ Thị Chải đại diện Cty Thương mại ký ngày 14/12/1995. Phía bán hàng là Cty Sunkyung, một doanh nghiệp Hàn Quốc có Văn phòng đại diện thường trú tại TP. HCM; người ký Hợp đồng với bà Chải là Hyun Chang Min.

Xem xét kỹ bản hợp đồng, người ta thấy con dấu bên bán là dấu của Văn phòng tại TP. HCM, không phải dấu của Cty Sunkyong, còn người ký không có chức danh. Theo tìm hiểu của PV báo Tiền phong, trong hồ sơ lưu của Cty Thương mại, không hề có giấy ủy quyền nào của Giám đốc Cty Sunkyong cho phép nhân vật Hyun Chang Min được đại diện Cty này ký hợp đồng với bà Chải.

Một điều lạ lùng hơn, bản hợp đồng trên còn có thêm Phụ lục số 01, được bà Chải và nhân vật Hyun Chang Min ký với nhau một ngày sau đó, rất ngắn gọn, xin trích nguyên văn:

“Dựa trên hợp đồng đã ký, bên bán và bên mua thỏa thuận ký Phụ lục này, nội dung như sau: Bên mua sẽ thanh toán số tiền 9 USD/1 tấn thép cho bên bán ngoài L/C (tổng trị giá 45.000 USD). Việc thanh toán sẽ được thực hiện theo sự chỉ dẫn của bên bán. Tất cả những điều kiện khác của hợp đồng vẫn không thay đổi”.

Đây là những tình tiết mới, do PV báo Tiền phong phát hiện, chưa từng được nêu ra tại các phiên toà xét xử vụ tranh chấp.

Ai là người đã thực sự bán lô hàng 5.000 tấn thép cho Cty Thương mại? Vì sao bên mua lại lấy 45.000 USD của Nhà nước để trả thêm cho bên bán, mà không có bất cứ lý do nào được nêu ra?! Những vấn đề này đã vượt khỏi tầm xem xét của các cơ quan tố tụng dân sự; chúng chỉ có thể có câu trả lời, khi hồ sơ vụ việc được chuyển sang cơ quan điều tra.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.