Nhiều sai phạm ở Cty xuất khẩu lao động

TP - Dù đã cổ phần hóa, nhưng lãnh đạo Cty CP Xuất nhập khẩu tổng hợp và Chuyển giao công nghệ Việt Nam (Vinagimex) vẫn sử dụng con dấu, chữ ký của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam  (VCA) để ký các văn bản đưa người lao động đi làm việc tại Đài Loan.

Mượn con dấu Liên minh Hợp tác xã Việt Nam?

Vinagimex vốn là đơn vị trực thuộc VCA, đến tháng 6/2012 cổ phần hóa. Dù đã cổ phần hóa, thay đổi pháp nhân, nhưng đến năm 2016 Vinagimex vẫn được VCA chứng thực, đóng dấu với tư cách là cơ quan chủ quản cho các cam kết với đối tác nước ngoài trong khi lẽ ra thẩm quyền này thuộc về Sở LĐ-TB &XH Hà Nội.

Người nắm giữ nhiều cổ phần tại Vinagimex là ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó chủ tịch VCA. Ông Thịnh đã dùng con dấu của VCA xác nhận đơn vị chủ quản để Cty Vinagimex đưa người lao động sang Đài Loan làm việc. Cụ thể, ngày 14/7/2015, ông Thịnh ký bản cam kết gửi cho Cty ở Đài Loan có con dấu của VCA, các điều khoản về tiền lương, chi phí của lao động với nhiều hạng mục cho thấy sự chênh lệch lớn về số tiền mà người lao động phải trả cho Cty Vinagimex để được đi làm việc ở nước ngoài.

Đơn cử, theo hồ sơ gửi đối tác, vào tháng 7/2015, anh Nguyễn Hồng Vương đều ký nhận với VCA, Cty Vinagimex và trả các chi phí môi giới, lệ phí kiểm tra sức khỏe, đào tạo học tập…, tổng cộng hơn 43 triệu đồng. Theo đó, người lao động không phải chi trả thêm bất kỳ khoản phí nào khác. Thế nhưng, anh Vương lại phải ký vào một “Giấy cam kết về chi phí xuất cảnh sang Đài Loan” khác, với nội dung: “Trúng tuyển sang Đài Loan làm việc ngành công nhân sản xuất chế tạo da do Cty Vinagimex làm thủ tục với  tổng chi phí để xuất cảnh là 3.900 USD”.

Từng nhiều sai phạm

Ngày 10/10/2014, Cục quản lý Lao động ngoài nước (QLLĐNN) từng có văn bản yêu cầu Vinagimex giải quyết đơn thư khiếu nại của người lao động. Theo đó, ngày 24/9/2014 Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan đã có báo cáo việc 10 lao động đi làm việc tại đây khiếu nại về việc Cty môi giới thu phí và tiền đặt cọc trái quy định…

Kết quả thanh tra của Bộ LĐ-TB&XH năm 2013 cũng cho thấy, Vinagimex đã tổ chức, liên danh với các trung tâm đào tạo, tuyển dụng lao động xuất khẩu khác trên địa bàn Hà Nội, Hải Dương, TPHCM, không tuân thủ quy định pháp luật, không báo cáo Cục QLLĐNN. Ngoài vi phạm các quy định pháp luật về công tác tuyển dụng, thu phí môi giới…, Vinagimex cũng báo cáo không đúng số liệu lao động xuất khẩu.

Phòng Đài Loan - Châu Mỹ (Cục QLLĐNN) cho biết thêm, trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng số lao động được Cục ký xác nhận theo danh sách dự kiến xuất cảnh đi làm việc tại Đài Loan của Vinagimex là 1.182 lao động. Thế nhưng, công văn của phía Đài Loan gửi về cho thấy, từ 6/1/2015 - 3/4/2016, Vinagimex đã môi giới là 7.171 lao động.

Liên quan sự việc trên, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung - Trưởng phòng Đài Loan - Châu Mỹ cho biết, về nguyên tắc, khi Cty Vinagimex cổ phần, đương nhiên VCA không còn là cơ quan chủ quản của Cty này, mà trực thuộc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, như vậy các giấy tờ cam kết với đối tác phải do Sở này xác nhận.

Ông Bạch Quốc Việt, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH) Hà Nội khẳng định, đến ngày 6/12/2016 Vinagimex mới có báo cáo gửi Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội xác nhận cam kết về tiền lương và các chi phí của lao động sang Đài Loan làm việc. Từ năm 2016 về trước, Sở không nhận được bất cứ một văn bản tài liệu nào của Cty này.

“Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội đã mời ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó chủ tịch VCA đến làm việc. Tại buổi làm việc, ông Thịnh nói, vì sau khi cổ phần hoá xong ông không nhận được văn bản nào hướng dẫn nên kể từ 2012, ông Thịnh vẫn ký như vậy” - ông Việt nói.

Theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và đầu tư TP Hà Nội thay đổi lần thứ 4 ngày 26/6/2012 cấp cho Cty Vinagimex cho thấy: VCA mà  người đại diện phần vốn này là ông Nguyễn Văn Thịnh có cổ phần giá trị 720 triệu đồng. Cá nhân ông Nguyễn Văn Thịnh có cổ phần giá trị 1,219 tỷ đồng. Ông Nguyễn Đoàn Quang có cổ phần giá trị 1,5 tỷ đồng. Được biết, ông Nguyễn Đoàn Quang, TGĐ Cty Vinagimex là anh ruột của ông Nguyễn Văn Thịnh.

MỚI - NÓNG