Nỗi oan khuất của hai nông dân

Nỗi oan khuất của hai nông dân
Bị “nhục hình” bắt phải nhận tội, hai nông dân còn bị “đấu tố” trước dân. Nhưng khi cơ quan pháp luật cấp trên kết luận họ bị oan thì lại chẳng có ai đứng ra xin lỗi và minh oan cho họ.

6 giờ sáng ngày 15/7/2003, Công an xã Mê Linh đưa Ngô Văn Nghĩa (ngoài 40 tuổi, người mà đông đảo nhân dân  thôn 1 xác nhận là thần kinh không bình thường) ra UBND xã Mê Linh lấy lời khai.

Ngô Văn Nghĩa bị mất tích ?
Theo các anh Lanh và Đức, ngày 15/7/2003, công an xã Mê Linh vào nhà đưa cháu của họ là Ngô Văn Nghĩa  lên xã. Ngày 18/7/2003, ông An chở Nghĩa lên nông trường của Công ty Việt Phát, từ đó, gia đình không rõ Nghĩa đi đâu. Anh Lanh khiếu nại với công an thì được trả lời rằng ông An không hề giữ Nghĩa. Tuy nhiên, anh Lanh cho biết, có lần anh nhìn thấy Nghĩa đang làm việc trong vườn nhà vị Trưởng công an này. Từ đó đến nay, gia đình không biết Nghĩa ở đâu, sống chết thế nào.

Đến 18 giờ cùng ngày, Trưởng công an xã Đặng Văn An, Phó công an xã Nguyễn Tuấn Cường và một công an viên “dẫn độ”  Nguyễn Văn Lanh (SN 1975, ngụ ở xóm 2, thôn 1) đến UBND xã. Anh Lanh cho hay đã bị ông An và nhiều công an khác đánh bằng tay, chân, dùi cui…buộc phải nhận đã cùng với Nghĩa và người anh vợ  là Nguyễn Văn Đức  trộm cắp cá ở nhà Trưởng công an xã. Đến nửa đêm hôm đó,  sợ rằng sẽ bị đánh chết, không có ai lo cho mẹ già, em nhỏ, vợ con… nên họ phải khai nhận theo ý công an.

8 giờ sáng 16/7, Đức  bị bắt lên xã và cũng bị đánh khá “nặng tay” nên phải nhận tội trộm cắp. Hôm sau, Lanh, Đức và Nghĩa bị đưa lên Công an huyện để tiếp tục điều tra. Các anh phải cộng tác để dựng lại hiện trường theo “đạo diễn” của công an, ký biên bản thừa nhận ăn trộm cá và chấp nhận đền bù cho gia đình ông An 4 triệu đồng, chồng tiền trước 700 ngàn đồng và cam đoan trả số tiền còn lại vào tuần tới.

Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ của các anh phải đi vay mượn tiền để giao nộp cho công an. Mãi đến chiều 18/7, Lanh và Đức mới được thả về, còn Nghĩa bị đưa về nhà ông An làm việc, sau đó đi đâu không  rõ. Chưa hết, ngày 29/7,công an xã và huyện mà người chủ trì là ông An đã đưa Lanh và Đức ra kiểm điểm trước dân về tội trộm cắp. Trước đông đảo cán bộ và nhân dân thôn 1, công an cứ thế gán tội mà không cho họ giãi bày, thanh minh một lời nào.

Sau khi được thả, anh Lanh liền đi khám bệnh, lấy giấy chứng nhận thương tích và làm đơn kêu cứu đến các ban ngành chức năng của tỉnh, huyện…, bắt đầu hành trình khiếu kiện gian truân gần 2 năm nay. Huyện uỷ, UBND huyện Lâm Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội, UBND tỉnh Lâm Đồng, ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội, Tổng cục Cảnh sát, Thanh tra Bộ Công an đã nhiều lần có công văn đề nghị Công an địa phương giải quyết dứt điểm vụ khiếu nại của hai công dân này nhưng lần nào các cơ quan pháp luật của huyện Lâm Hà cũng trả lời là vụ việc đã được giải quyết đúng luật .

Xin lỗi hay hành dân ?

Trước sự kiên trì khiếu nại của hai công dân và trước hàng loạt công văn chỉ đạo của ban ngành Trung ương, cơ quan điều tra Công an tỉnh  đã vào cuộc và ngày 26/1/2005 có Công văn (số 27) nêu rõ: “Công an xã Mê Linh đã tạm giữ hành chính quá hạn, sau đó lại đưa Nguyễn Văn Lanh và Nguyễn Văn Đức ra kiểm điểm trước dân là hoàn toàn sai vì chưa có đủ căn cứ pháp lý kết luận họ có hành vi trộm cắp tài sản của công dân…”.

UBND huyện Lâm Hà cũng đã có Công văn (số 359)  yêu cầu UBND xã Mê Linh chủ trì tổ chức họp toàn thể nhân dân thôn 1 để một số cán bộ nguyên là trưởng, phó Công an xã và các thành viên có liên quan đến sai sót trong quá trình giải quyết vụ án “trộm cắp cá” xin lỗi ông Lanh và ông Đức công khai trước dân ; yêu cầu UBND xã nghiêm túc triển khai thực hiện, báo cáo kết quả cho huyện chậm nhất vào ngày 10/12/2004.

Thế nhưng  tới ngày 29/3/ 2005, UBND xã mới triệu tập cuộc họp. Thời gian bắt đầu họp là 13 giờ nhưng cán bộ và nhân dân thôn 1 phải chờ đến 16 giờ vẫn không thấy những người có trách nhiệm phải xin lỗi đâu cả. Đến ngày 10/4, UBND xã lại triệu tập những người có liên quan và mời toàn thể cán bộ, nhân dân trong thôn  đến dự. Giấy mời ghi rõ thời gian bắt đầu họp là 14h nhưng  không thấy ông An và những thành viên có liên quan xuất hiện. Một số người dân bất bình bỏ về. Mãi đến gần 15h, một mình ông An đủng đỉnh đến trụ sở thôn và  điềm nhiên thông báo đến muộn vì… đồng hồ bị trục trặc (?!).

Sau đó, ông “tuyên bố” kết luận của Văn phòng cơ quan điều tra chưa đầy đủ, thuyết phục (?) và vì vậy thay vì xin lỗi , vị nguyên trưởng công an này một lần nữa khẳng định Lanh và Đức đã vi phạm pháp luật nên việc đưa ra kiểm điểm trước dân là hoàn toàn đúng. Việc kiểm điểm nói trên có sự chỉ đạo của Đảng uỷ và chính quyền xã… 

Không hiểu do bất lực, lúng túng hay vì lý do tế nhị nào mà Phó Chủ tịch UBND xã Mê Linh Nguyễn Hồng Bắc vội vã tuyên bố kết thúc cuộc họp và nói rằng sẽ báo cáo lại vụ việc với Đảng uỷ, UBND xã . Cách giải quyết vụ việc dây dưa, miễn cưỡng của chính quyền xã và thái độ bất hợp tác của các vị nguyên trưởng, phó công an xã và các thành viên liên quan  không chỉ xúc phạm đến hai công dân lẽ ra phải được minh oan mà còn làm mất thời gian, gây bất bình trong cán bộ, nhân dân thôn 1. Dư luận đặt câu hỏi  phải chăng vì sợ phải bồi thường oan sai mà một tiếng xin lỗi họ cũng không nói nổi thành lời ? Chuyện “trên bảo dưới không nghe” này bao giờ mới được giải quyết dứt điểm?

MỚI - NÓNG