Núp bóng thăm dò, rút ruột tài nguyên

Một tảng đá lớn bị xẻ đôi tại thôn 7 xã Hòa Sơn.
Một tảng đá lớn bị xẻ đôi tại thôn 7 xã Hòa Sơn.
TP - Suốt mấy năm qua, các mỏ đá granit ở huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) đã bị nhiều nhóm doanh nghiệp, tư nhân ráo riết khai thác, chở đi bán khắp trong và ngoài tỉnh dù chưa được cấp phép, gây nhiều hệ lụy, khiến dân chúng rất bất bình.

Ngang nhiên xẻ núi, san đồi

Cuối năm 2015 dọc quốc lộ 27 đoạn qua huyện Lắk, chúng tôi từng vào một “chợ đá” bày bán đủ cỡ hàng đã cưa xẻ, từ những tấm phản đá giá một vài chục triệu đồng, cho tới những bộ bàn ghế đá mài chuốt công phu giá cả trăm triệu.

“Chủ chợ” cho biết đá này khai thác từ Krông Bông, muốn kích cỡ, khối lượng bao nhiêu cũng có! Mới đây, đầu tháng 8/2016, nhóm phóng viên chúng tôi vào tận các xã Yang Reh, Hòa Sơn, Hòa Phong, tận mắt chứng kiến các mỏ đá granit trên địa bàn huyện Krông Bông bị khai thác trái phép một cách công khai!

Núp bóng thăm dò, rút ruột tài nguyên ảnh 1

Điểm khai thác đá sát nhà dân.

Núp bóng thăm dò, rút ruột tài nguyên ảnh 2

Công trường khai thác đá ở thôn 6 xã Hòa Sơn

Điểm khai thác đá granit dọc các thôn 5, 6, 7 nằm sát trụ sở UBND xã Hoà Sơn, chỉ cách thị trấn Krông Kma trung tâm huyện hơn một cây số. Những bãi đá nằm ngổn ngang cạnh mấy chiếc máy múc công suất lớn. Nhiều người dân cho biết tình trạng khai thác đá rầm rộ ở các mỏ này diễn ra từ lâu. Bụi đá bay mù mịt, mảnh đá văng nguy hiểm cùng tiếng ồn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của nhiều hộ dân đã được phản ánh nhiều lần đến nhà chức trách. Huyện vài lần ra văn bản chấn chỉnh, tăng cường quản lý khoáng sản, cũng đã từng ký lệnh phạt 1 cá nhân 20 triệu đồng, nhưng hành động chỉ chiếu lệ, cầm chừng, nên thực tế vẫn... cứ thế !

Kêu huyện không thấu, dân chúng phải báo động lên tỉnh. Trong tháng 6 và tháng 7/2016, từ tin báo của người dân về hàng chục chuyến xe chở đá nặng lặc lè chạy rung nhà, nát đường đang chạy khỏi địa bàn huyện, 2 đội lưu động của Thanh tra sở Giao thông vận tải mới chặn bắt được 3 chuyến xe chở đá quá tải trọng đang di chuyển trên quốc lộ 27 và tỉnh lộ 12, xử phạt và buộc hạ tải. Trong đó, riêng 1 chuyến xe chở đá ngày 25/7/2016 của Cty TNHH TM&DV Gia Khôi cả xe lẫn hàng nặng tới 112,9 tấn ! Tài xế bị phạt 7,5 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 3 tháng, Cty Gia Khôi bị phạt 34 triệu đồng.

Số tiền phạt chẳng thấm vào đâu so với giá trị tài nguyên thất thoát, và cầu đường hư hỏng, xuống cấp. Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, ông Trần Thủ chánh Thanh tra sở GTVT lo lắng cho biết : Các xe đá này đều chạy xuôi về hướng Phú Yên, Bình Định. Riêng đoạn qua huyện Krông Bông có 3 cây cầu yếu, là cầu Krông Kma tải trọng cho phép 18 tấn, cầu Chư Păm 13 tấn, còn cầu Giang Sơn tối đa cũng chỉ 39 tấn. Sở phải tăng cường lực lượng thanh tra chốt chặn suốt đêm ngày. Nếu không ngăn chặn kịp thời các xe đá granit nặng cả trăm tấn qua cầu, thì nguy cơ sập cầu là hiển nhiên!

Không phép vẫn cho xây nhà máy!

Trao đổi với lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đắk Lắk về việc vì sao các mỏ đá granit ở huyện Krông Bông bị khai thác không phép suốt nhiều năm, mà cơ quan chức năng không ngăn chặn ? Ông Bùi Thanh Lam giám đốc Sở xác nhận ông có nghe về vấn đề này này, nhưng chưa nắm rõ, vì nhân lực của Sở mỏng quá không bao quát hết được.

Kết quả điều tra của nhóm phóng viên báo Tiền Phong cho thấy khá nhiều điều khuất tất trong việc chính quyền địa phương “ngó lơ” cho doanh nghiệp xây dựng nhà máy sơ chế đá granit ở huyện Krông Bông dù đến nay, chưa có doanh nghiệp nào được Bộ TN&MT cấp phép khai thác tại đây.

Núp bóng thăm dò, rút ruột tài nguyên ảnh 3

Xưởng khai thác đá công khai ở thôn 6 xã Hòa Sơn

Núp bóng thăm dò, rút ruột tài nguyên ảnh 4

Một bãi đá granit đã xẻ bày bán trên quốc lộ.

Ngày 27/7/2016 phòng TN&MT huyện Krông Bông có báo cáo số 95, khẳng định tình hình khai thác và vận đá granit trên địa bàn huyện “có chiều hướng phức tạp”, đặc biệt trên địa bàn 2 xã Hòa Sơn, Yang Reh. Trong, và ngoài 2 khu mỏ đã được Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia xem xét tại buôn Ngô B xã Hòa Phong, và tại thôn 6 xã Hòa Sơn, đều có nhiều doanh nghiệp đua nhau khai thác tài nguyên như Cty CP Trung Văn, Cty TNHH Ánh Kim, Cty TNHH VLXD Krông Bông, Cty Thịnh Gia v.v... Trong số đó, riêng việc dùng giấy phép thăm dò lấy mẫu công nghệ do Bộ TN&MT cấp để khai thác đá, Cty TNHH Quốc Duy đã có lần bị UBND tỉnh xử phạt tới 320 triệu đồng. Nộp phạt xong, Cty này... khai thác tiếp! 

Cũng cùng ngày 27/7/2016, Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Bài ký công văn số 1519  về việc “đóng điện phục vụ triển khai dự án tại thôn 3 xã Hòa Sơn của công ty cổ phần Trung Văn”. Công văn ghi rõ: Từ năm 2009-2014 Cty CP Trung Văn đã tiến hành xây dựng nhà máy tại thôn 3 xã Hòa Sơn dù chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận về địa điểm, chưa có chủ trương đầu tư, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây khi chưa có giấy phép xây dựng v.v... nên UBND huyện đã chỉ đạo điện lực tạm ngừng cung cấp điện.

Tháng 3/2015, Cty Trung Văn ký hợp đồng cho Cty TNHH XD&TM An Thái Sơn thuê lại nơi này đến hết tháng 12/2020. Cuối năm 2015, Cty Trung Văn và Cty An Thái Sơn xin huyện cấp lại điện, huyện yêu cầu 2 công ty khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đầu tư xây dựng, 2 công ty không thực hiện. 

Tháng 6/2016, Cty Trung Văn tiếp tục gửi tờ trình “xin đóng điện phục vụ triển khai dự án”, Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Bài không đồng ý, với lý do trên, và "căn cứ công văn số 1740 ngày 19/3/2014 của UBND tỉnh về việc thỏa thuận vị trí đất xây dựng nhà máy chế biến đá granit của công ty CP Trung Văn tại thôn 5, 6 xã Hòa Sơn”.

Bị tỉnh phê bình, ngày 29/7/2016, UBND huyện tổ chức họp để xử lý tình trạng khai thác đá granit trái phép trên địa bàn huyện. Trước đông đủ các phòng ban và lãnh đạo 3 xã có nhiều mỏ đá đang bị múc bán cùng dự, ông Huỳnh Bài tuyên bố: Từ ngày 1/8/2016 địa phương nào còn để xảy ra tình trạng khai thác đá trái phép, Chủ tịch UBND xã đó phải chịu trách nhiệm! Chiều ngày 1/8 nhóm phóng viên chúng tôi vào xã Hòa Sơn, vẫn quay và chụp được hàng loạt ảnh công nhân khoan xẻ đá, còn xe chở đá granit vẫn vô tư chạy trên đường như chưa từng có ai cấm cản...

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.