Ô tô điện: Quản lý, hoạt động theo kiểu thả rông

Được quy định chỉ hoạt động trong khu vực phố cổ nhưng ngày 2/3 ô tô điện đeo BKS tạm 29HC-000.44 của Cty CP Đồng Xuân đã chở khách chạy ra phố Trần Hưng Đạo. Ảnh: Anh Trọng.
Được quy định chỉ hoạt động trong khu vực phố cổ nhưng ngày 2/3 ô tô điện đeo BKS tạm 29HC-000.44 của Cty CP Đồng Xuân đã chở khách chạy ra phố Trần Hưng Đạo. Ảnh: Anh Trọng.
TP - Chưa được cấp biển số, đăng kiểm và dán tem lưu hành nhưng hàng loạt ô tô điện tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác vẫn ung dung chạy ra đường.

Trước tình trạng này, Công an thành phố Hà Nội và Cục Đăng kiểm Việt Nam từng có các công văn đề nghị chấn chỉnh, xong đến nay loại xe này vẫn được  hoạt động theo kiểu “thả rông”.

Ô tô điện ra đường bắt khách

Theo phương án cho phép ô tô điện được hoạt động thí điểm tại phố cổ và sân bay Nội Bài, ô tô điện chỉ được phép hoạt động trong các tuyến phố cổ (Hoàn Kiếm) và đường trong khu vực cụm cảng hàng không sân bay Nội Bài. Tuy nhiên, thời gian qua ô tô điện tại đây đã chạy ra nhiều tuyến đường lớn để bắt, chở khách. Tháng 7/2010, Thủ tướng Chính phủ có văn bản cho phép thành phố Hà Nội triển khai dự án ô tô điện phục vụ khách du lịch tham quan trong khu vực phố cổ và xung quanh hồ Hoàn Kiếm.

Theo đó, khi hoạt động, ngoài 36 tuyến phố cổ, ô tô điện chỉ được phép chạy xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Nhưng ghi nhận thực tế thời gian qua, phóng viên Tiền Phong thấy rằng, ô tô điện mang tên Cty Cổ phần Đồng Xuân (đơn vị được thành phố Hà Nội cho phép thực hiện dự án) đã chạy ra nhiều tuyến đường bên ngoài, trong đó có các tuyến phố lớn như Trần Hưng Đạo, Lê Duẩn, Bà Triệu, Phố Huế…

Chiều 2/3, đang trong giờ cao điểm, mật độ phương tiện lưu thông rất đông, tuy nhiên một số ô tô điện chở theo từ 5 đến 7 khách của Cty Cổ phần Đồng Xuân vẫn đi lại với tốc độ “rùa bò”. Thậm chí, ô tô điện đeo biển kiểm soát tạm thời 29HC-000.44 chở theo nhiều khách nước ngoài còn dừng tại nhiều đoạn để khách tham quan, chụp ảnh, khiến các dòng phương tiện đi phía sau ùn ứ thành hàng.

Là trục giao thông lớn nối sân bay Nội Bài với trung tâm Hà Nội, tuyến đường Võ Nguyên Giáp được thiết kế với 6 làn xe và đạt tiêu chuẩn cao tốc. Tuy nhiên, dọc suốt chiều dài gần 4 km đường Võ Nguyên Giáp đoạn chạy qua khu vực sân bay Nội Bài, ô tô điện mang tên các Cty như Dịch vụ hàng không Thủ đô, Cổ phần Đầu tư Hoàng Phong vẫn chạy nhông nhông và tự do tạt ngang, quay đầu.

Chiều 29/3 chúng tôi ghi nhận, các xe có biển số tạm như 29HC-011.30 (Cty Cổ phần Đầu tư Hoàng Phong); 29HC-001.44 (Cty Dịch vụ hàng không Thủ đô) còn đỗ cố định ở lòng đường.

Tại khu vực Hồ Tây, chỉ được quy định chạy xung quanh Hồ Tây, nhưng xe điện mang tên Cty Cổ phần TLC Hồ Tây đã lập bến đỗ đón trả khách trên vỉa hè và đi lại nhan nhản trên đường Thanh Niên.

Hoạt động 5 năm vẫn chưa đăng kiểm

Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, ô tô điện đang hoạt động như một taxi chở khách, nhưng phần lớn chưa được đăng ký, đăng kiểm để cơ quan chức năng có cơ sở quản lý. Trước tình trạng trên, Công an thành phố Hà Nội từng có văn bản gửi UBND về việc này.

Theo đại diện Công an thành phố, được thí điểm từ năm 2010, ô tô điện hoạt động tại Hà Nội, trong đó có trên 20 xe tại khu vực phố cổ hiện vẫn chưa được đăng kiểm và dán tem lưu hành. Để đảm bảo an toàn giao thông và thực hiện đúng các quy định của Luật Giao thông đường bộ, Công an thành phố Hà Nội đã có văn bản đề nghị UBND thành phố Hà Nội cần có ý kiến với Bộ GTVT cấp đăng kiểm cho số ô tô điện đang hoạt động.

Phòng CSGT - Công an thành phố Hà Nội cũng cho rằng, ô tô điện hoạt động trên địa bàn Hà Nội tương đương với các dòng ô tô con dưới 9 chỗ ngồi. Do vậy theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, xe xuống đường phải có đăng kiểm để cơ quan chức năng giám sát, quản lý. Hơn nữa, đây là các xe chở khách, ngoài đáp ứng đủ thủ tục pháp lý, ô tô điện phải là loại phương tiện hoạt động có điều kiện.

“Hiện nay do xe không có đăng kiểm, đăng ký, tem lưu hành… nên cơ quan làm nhiệm vụ rất khó quản lý. Trường hợp các xe này vi phạm trên đường cũng không thể xử lý vì xe không có biển số và bất kỳ giấy tờ liên quan nào”, đại diện Phòng CSGT Hà Nội nêu thực tế.

2 tháng nữa “cấm cửa” xe không biển số

Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, hầu hết các ô tô điện được các doanh nghiệp nhập về Việt Nam chỉ là xe được lưu thông trong một vài khu vực nhất định. Do vậy xe không đủ tiêu chuẩn để lưu thông trên đường có nhiều phương tiện khác.

“Không có quy định nào cho phép ô tô điện chạy chung với các loại phương tiện lưu thông trên đường. Các nước phát triển chỉ cho phép ô tô điện chạy tại các khu vực vui chơi, trên các tuyến phố đi bộ. Ở nước ta ô tô điện chạy ra đường 6 làn xe như Nội Bài – Nhật Tân, đường ven Hồ Tây là rất nguy hiểm”, ông Trí cảnh báo.

Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, trước thực trạng ô tô điện hoạt động như ô tô chở khách nhưng không có đăng kiểm, đăng ký, tem lưu hành và thường xuyên vi phạm quy định, Bộ GTVT vừa tổ chức họp với các tỉnh thành liên quan. Theo ông Thọ, là chủ trương tốt nhưng các tỉnh thành đang buông lỏng quản lý ô tô điện, việc mới có 12% trên tổng số ô tô điện hiện có được đăng kiểm là sự thiếu trách nhiệm lớn.

Ông Thọ cho biết, đã chỉ đạo Sở GTVT các tỉnh thành, chậm nhất 2 tháng nữa phải thực hiện đăng kiểm, đăng ký, dán tem lưu hành cho toàn bộ ô tô điện tại địa phương. Cùng với đó, ông Thọ yêu cầu Vụ Pháp chế, Vụ Vận tải (Bộ GTVT) điều chỉnh, bổ sung các điều khoản quản lý ô tô điện vào Thông tư 86.

“Sau 2 tháng nữa nếu các tỉnh thành và cơ quan có liên quan không thực hiện xong việc này, ô tô điện không biển số, đăng kiểm, tem lưu hành sẽ cấm hoạt động”, ông Thọ nhấn mạnh.

Không chỉ Hà Nội mà hầu hết ô tô điện hoạt động tại các địa phương khác đều chưa được đăng kiểm, đăng ký, dán tem lưu hành. Cụ thể, cả nước hiện có trên 1.300 ô tô điện nhưng đến nay chỉ mới 176 (12%) xe được kiểm định; một số địa phương có nhiều xe hoạt động và chưa được kiểm định nhất gồm: Nghệ An (500 xe), Thanh Hóa (441 xe), Hà Nội (67 xe), Đà Nẵng (32 xe)…

MỚI - NÓNG