Nghị định 155 chính thức có hiệu lực từ 1/2:

Phạt tiền triệu, vẫn vô tư xả rác

Bãi rác tự phát do người dân đổ ra ngã tư Nguyễn Cao và Lê Quý Đôn, Hà Nội chiều ngày 2/2/2017.
Bãi rác tự phát do người dân đổ ra ngã tư Nguyễn Cao và Lê Quý Đôn, Hà Nội chiều ngày 2/2/2017.
TP - Nghị định 155 quy định về xử phạt  vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường vừa có hiệu lực từ 1/2/2017, theo đó các hành vi như đại, tiểu tiện bậy bạ hay xả rác, vứt đầu mẩu thuốc ra đường bị phạt nặng tới hàng triệu đồng.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Tiền Phong chiều 2/2 tại Hà Nội, hầu hết người dân khi được hỏi vẫn chưa biết quy định mới này, hành động xả rác vẫn diễn ra như mọi ngày.

Bên cạnh các quy định nhằm siết chặt việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, NĐ 155 còn có nhiều quy định xử phạt liên quan đến hành vi cá nhân trong sinh hoạt hàng ngày. Trong đó hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng. Hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến một triệu đồng. Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng. Nếu vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị sẽ bị phạt tiền từ 5-7 triệu đồng.

Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, ngay trên đường phố Thủ đô tình trạng vứt rác bừa bãi vẫn diễn ra. Chiều 2/2, ngay trước cửa hiệu kem trên phố Tràng Tiền, người dân vẫn vứt que và vỏ kem ngay xuống vỉa hè mặc dù trên phố có đặt nhiều thùng rác. Lực lượng bảo vệ thường xuyên nhắc nhở khách ăn kem xong thì vứt rác đúng chỗ nhưng nhiều người tiện tay vứt luôn xuống chân. Xung quanh bên ngoài thùng rác vương vãi nhiều que kem gây mất mỹ quan đô thị.

Tại khu vực phố sách trên đường Lê Thạch, nhiều người mua sách sau khi thanh toán xong vứt luôn hóa đơn mua hàng ngay tại chỗ cùng nhiều túi nilon bọc sách. Quanh khu vực Hồ Gươm, nhiều người đi dạo hoặc ăn uống xong cũng vô tư quẳng lại luôn vỏ chai, vỏ bánh kẹo hoặc thẳng tay vứt vào các bồn hoa.

Khi được PV thông tin về NĐ 155 vừa chính thức có hiệu lực, chị Nguyễn Thị Hoa, nhân viên vệ sinh Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội – Chi nhánh Hoàn Kiếm (URENCO 2) chia sẻ: “Người Việt mình nhiều khi nhìn thấy rác còn vô cảm. Tôi thấy nhiều người nước ngoài nhìn thấy rác là họ nhặt lên bỏ vào thùng. Quy định này mà thực hiện được thì tốt quá, vừa giúp cho công việc của chúng tôi thuận lợi hơn lại giúp nâng cao ý thức của người dân bảo vệ môi trường và cảnh quan đô thị”.

Theo khảo sát nhanh của PV Tiền Phong vào chiều 2/2, với 20 người quanh Hồ Gươm được hỏi, chỉ có 2 người nắm được thông tin quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1/2/2017. Đa phần đều cho rằng, chính sách mới này chưa được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi. Trong khi thời gian có hiệu lực đúng vào dịp Tết nên nhiều người chưa biết. Anh Nguyễn Thanh Tùng (quận Hà Đông, Hà Nội), một trong số những người chưa hề biết thông tin trên, cho rằng nhiều người Việt vẫn còn thói quen “tự do”, bất kì đâu cũng có thể xả rác, vứt tàn thuốc được, nhả kẹo cao su bừa bãi. Nhưng theo anh Tùng, việc xử phạt hành vi vứt rác bừa bãi nên tiến hành dần dần từng bước vì thu nhập người Việt còn thấp. Việc áp dụng ngay mức phạt cao như vậy khó khả thi.

Công an, chủ tịch UBND xã, phường có quyền xử phạt

Về thẩm quyền xử phạt, Nghị định 155 quy định chiến sỹ công an đang làm nhiệm vụ, Chủ tịch UBND phường, xã đến Chủ tịch UBND huyện, quận hay tỉnh, thành phố đều có chức năng xử phạt với các hành vi vi phạm trên. Đối với lực lượng công an, trưởng công an xã, phường hay trưởng trạm công an cửa khẩu, khu chế xuất có quyền xử phạt tối đa 2,5 triệu đồng.

Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát biển có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường xảy ra trên vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và vùng quyền chủ quyền Việt Nam.

Các lực lượng khác cũng có quyền xử lý vi phạm gồm Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường và chức danh tương đương được Chính phủ giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về tài nguyên và môi trường hay Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm và chức danh tương đương được Chính phủ giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về tài nguyên và môi trường.

Khó khả thi, nhưng cần thiết

Quy định xử phạt vi phạm hành chính khi đi tiểu tiện, đại tiện hoặc vứt rác không đúng nơi quy định được nhiều người nhận định là khó khả thi trong thực tế. Anh Phan Văn Sơn (Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) làm nghề đạp xích lô quanh Hồ Gươm cho rằng, việc xử phạt sẽ khó khả thi, vì muốn phạt số tiền lớn như vậy phải có bằng chứng rõ ràng. Muốn vậy lúc nào cũng phải có người giám sát trang bị máy quay, máy ghi hình nên cũng bất tiện. Anh Nguyễn Văn Nam ở Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ, quy định là đúng nhưng phạt ai, ai phạt mới là vấn đề. Theo anh Nam, các quy định trong Nghị định còn chung chung, chưa rõ ràng, mang tính hình thức nhiều hơn là tính khả thi.

Phạt tiền triệu, vẫn vô tư xả rác ảnh 1

Que kem vứt bừa bãi trên vỉa hè phố Tràng Tiền, Hà Nội Ảnh chụp chiều 2/2. 

Trao đổi về thắc mắc này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chia sẻ, các hành vi như tiểu tiện, đại tiện, vứt rác hay thả đầu thuốc ở nơi công cộng là hành vi phản cảm, thuộc về vấn đề nếp sống văn minh. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng các quy định trên, trước hết tạo ra nhận thức cho người dân về hành vi sai trái.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng, pháp luật cần đi trước, phải quy định được hành vi nào cho phép, hành vi nào không cho phép, hành vi nào bị cấm, bị xử phạt còn khả năng thực thi đến đâu phải dựa vào cơ quan quản lý Nhà nước và toàn xã hội. Ông Hà chia sẻ thêm ở một số quốc gia ngay láng giềng Việt Nam như Singapore, Trung Quốc, họ quy định rất chặt chẽ với các hành vi như tiểu tiện, đại tiện bừa bãi, vứt rác ra đường. Singapore chẳng hạn, nếu xả rác ra đường, người dân không chỉ bị phạt tiền mà còn phải tham gia số giờ lao động công ích, bị nêu tên trên phương tiện truyền thông.

Về giải pháp để tăng tính khả thi của các quy định trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, cơ quan quản lý đang nghiên cứu để có những quy định cụ thể hơn nữa nhằm làm rõ nội dung ai phạt, phạt ai với các hành vi nêu trên.

Ảnh trong bài: Hồng Vĩnh - Phạm Quân

Hội Gióng đền Sóc: Chưa xử phạt hành vi xả rác

Theo ghi nhận của phóng viên ở Hội Gióng đền Sóc, dù lượng khách thập phương hàng  nghìn người đổ về ngày khai hội, tuy nhiên khuôn viên di tích khá sạch sẽ. Không riêng ở đền Sóc, một số di tích khác người dân đi lễ có ý thức hơn, dù vậy vẫn còn một bộ phận hồn nhiên xả rác không đúng nơi quy định. Hỏi một người dân vừa hồn nhiên ném vỏ kem xuống đất có biết quy định xử phạt mới không, họ lắc đầu. Người dân không để ý quy định xử phạt mới này, tuy thế các di tích tăng cường các biện pháp để nâng cao ý thức. Việc xử phạt xả rác nơi công cộng xem ra không dễ dàng. Ông Nguyễn Nam Nho, Trưởng BQL khu Du lịch-di tích đền Sóc cho biết chưa xử phạt hành vi xả rác nơi di tích, chủ yếu tăng cường tuyên truyền và đặt thêm các thùng rác để người dân bỏ rác nơi quy định.      

 Toan Toan
MỚI - NÓNG