Phúc thẩm ‘đại án’ 9.000 tỷ đồng: Ông Danh khai mượn tiền mẹ vợ mua nhà

Ông Phạm Công Danh nói từng mượn tiền mẹ vợ để mua nhà. Ảnh: Tân Châu
Ông Phạm Công Danh nói từng mượn tiền mẹ vợ để mua nhà. Ảnh: Tân Châu
TPO - Chiều nay (6/1), kết thúc ngày xét xử của phiên tòa phúc thẩm ‘đại án’ gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng, xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB), chủ tọa phiên tòa quyết định kết thúc phần phần xét hỏi.

Tòa sẽ chuyển sang phần tranh luận công khai vào thứ Ba, ngày 10/1 (Tòa sẽ tạm nghỉ  xử 2 ngày cuối tuần và ngày thứ Hai đầu tuần).

Trong buổi chiều nay (6/1), bà Quách Kim Chi (vợ của ông Phạm Công Danh – nguyên Chủ tịch VNCB) tham gia xét hỏi, trình bày nội dung liên quan tới tài sản cá nhân bà Chi trong vụ án.

Theo bà Quách Kim Chi, sau bản án sơ thẩm, bà có kháng cáo và nay tại phiên tòa phúc thẩm này, bà giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Qua đó bà Chi mong cấp phúc thẩm xem xét việc trả lại 3 căn nhà ở TP.HCM (khoảng 20 tỷ đồng) đang bị Cơ quan điều tra đang tạm kê biên.

Bà Kim Chi cũng mong Tòa trả lại chiếc nhẫn và chiếc đồng hồ là kỷ vật (trị giá khoảng 5 tỷ đồng) và hơn 600 ngàn USD mà khi Phạm Công Danh bị bắt đã được cơ quan tố tụng tạm giữ. Theo bà Chi trình bày, khoản tiền 600 ngàn USD là do mẹ bà cho mượn để mua nhà, ông Danh đang cất giữ vào thời điểm bị công an bắt giữ.

Về 3 căn nhà, bà Chi nói mua trước khi chồng bà bị truy cứu trong vụ án và có cả tiền của mẹ bà trong 3 căn nhà này.

Ông Phạm Công Danh cũng khai như vợ ông, khi nói về phần tiền mua nhà và tiền mặt đang bị kê biên là “có tiền của mẹ vợ đưa cho”.

Về Tập đoàn Thiên Thanh, bà Kim Chi trình bày ban đầu là Cty gia đình nên quy mô nhỏ, hai vợ chồng không làm giấy tờ góp vốn cụ thể, để trở thành Tập đoàn Thiên Thanh thì vốn điều lệ liên tục tăng qua từng giai đoạn.

Để nâng vốn điều lệ cho Cty có lúc thì tiền mặt có lúc là hiện vật. “Tất cả tài sản của tập đoàn là tài sản riêng, chung của vợ chồng chúng tôi” - Bà Kim Chi trình bày.

Bà Chi cũng nói rằng là Cty gia đình nên tỷ lệ góp vốn của hai vợ chồng không có giấy tờ cụ thể, từ lúc bà lấy ông Danh và bắt đầu mở cửa hàng vật liệu xây dựng cho tới khi thành lập Tập đoàn Thiên Thanh thì tất cả tài sản đều tài sản chung.

Phần ông Phạm Công Danh, trả lời HĐXX, ông Danh nói mong muốn khắc phục hậu quả. Tài sản của Thiên Thanh thì bản thân ông vẫn chưa nhận thức rõ được quan hệ dân sự giữa ông và vợ.

“Tài sản là của chung của vợ chồng tôi nên tôi không rõ trách nhiệm trong việc sử dụng tài sản này vì còn quyền của vợ tôi. Mong muốn khắc phục là mong muốn của riêng tôi”-  ông Danh trình bày.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.