Rút ruột container, biến gỗ thành cát

Nhiều container bị tài xế rút ruột trước khi vào cảng Tiên Sa, Đà Nẵng
Nhiều container bị tài xế rút ruột trước khi vào cảng Tiên Sa, Đà Nẵng
TP - Cạy mạn sườn container không niêm chì, thay hàng bằng số cát cùng trọng lượng là công nghệ “rút ruột” container tinh vi nhằm đánh lừa chủ hàng khi xuất hàng qua cảng Đà Nẵng.

Đau đầu trước tình trạng container bị “rút ruột”, nhiều chủ hàng điện báo cơ quan công an. Mới đây, chiếc xe container chậm rãi lưu thông trên QL14B (Hòa Vang, Đà Nẵng) theo hướng từ Bắc vào Nam, bất ngờ rẽ vào bãi để xe ô tô số 307 đường Trường Sơn (phường Hòa Thọ Tây, Cẩm Lệ) thay vì hướng ra cảng Tiên Sa để xuất hàng. 

Lập tức, một chiếc container nối đuôi, tấp lại. Đậu sâu vào bãi đổ, 2 tài xế nhanh chóng xuống xe, kiểm tra kẹp chì, rồi bắt đầu công nghệ “thổi” gỗ. Hai bên mạn container nhưng chỉ một mé được kẹp chì, các tài xế “chuyên nghiệp” bóc tách thành container, tạo kẽ hở đủ để kéo những thanh gỗ hương, cẩm lai ra khỏi kiện hàng.

Hàng trăm kg gỗ lập tức được thay thế bằng số cát cùng khối lượng bọc bao tải “thổi” ngược vào các kiện hàng container. Thành container lại được đóng vào như cũ. Những vị trí kẹp chì tuyệt nhiên không bị ảnh hưởng. Nhìn bề ngoài, các container đều “nguyên đai, nguyên kiện”.

Tuy nhiên, toàn bộ hành vi của nhóm tài xế này bị lực lượng trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46, Công an TP.Đà Nẵng) và Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng phát hiện, bắt giữ.

Ông Phạm Ngọc Thuần, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP Đà Nẵng cho hay, những trường hợp rút ruột container diễn ra ở ngoài khu vực cảng, trước khi nhập hàng vào cảng để xuất khẩu. Việc chỉ niêm chì một bên thành container, ông Thuần cho rằng đây là quy định chung và theo thiết kế của hãng. Nếu như có kiểm hóa thì có niêm thêm của hải quan. “Công nghệ” rút ruột này rất khó để phát hiện bằng mắt thường.

Tại cơ quan điều tra, 2 tài xế Ngô Tá Vũ (trú đường Phạm Như Tăng) và Phạm Minh Cảnh (trú đường Phan Thanh, Đà Nẵng), khai nhận đang trong quá trình chở thuê các lô hàng gỗ (hương và cẩm lai) cho Cty Hồng Duy Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) từ cửa khẩu Cửa Việt (Quảng Trị) về cảng Tiên Sa, trước khi xuất sang Trung Quốc.

Với công nghệ “thổi gỗ thành cát” này, chỉ với 2 container trên, Cảnh và Vũ rút ruột gần 1m3 gỗ hương, cẩm lai để bán lại cho Nguyễn Văn Mỹ (trú tổ 2, Hòa Thọ Tây). Đặc biệt, khi kiểm tra tại bãi để xe ô tô này, lực lượng chức năng phát hiện có đến gần 9,6m3 gỗ hương và cẩm lai được ông Mỹ mua của nhiều đối tượng, trong đó chủ yếu từ công nghệ rút ruột container, với tổng trị giá khoảng trên 800 triệu đồng.

Cùng ngày, tiếp tục kiểm tra 8/23 container gỗ của Cty Hồng Duy Bảo ở bãi hàng cảng Tiên Sa, công an phát hiện 4 container có chứa mỗi container khoảng 690kg cát (tương đương 0,6m3 gỗ). Theo lãnh đạo PC46, thủ đoạn của các đối tượng khá tinh vi, lợi dụng quy định của ngành Hải quan yêu cầu chỉ cần kẹp chì niêm phong một bên container để cạy thành phía bên cạnh. Nhìn mắt thường rất khó phát hiện dấu hiệu container bị cạy phá, rút ruột.

Trước đó, khoảng cuối năm 2011, tài xế xe container chở hàng Cty Ngọc Hưng (Quảng Trị) không lái xe thẳng ra cảng Tiên Sa mà bất ngờ đánh lái về phía quận Ngũ Hành Sơn nhằm mục đích “rút ruột” số gỗ trắc giá trị cao, bị công an phát hiện. Từ đây, công an phát hiện có một số mặt hàng gỗ trong container này không nằm trong hồ sơ khai báo của Cty Ngọc Hưng.

Vụ việc sau đó được chuyển cho Cục Hải quan Đà Nẵng, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) và chuyển sang Cục CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) Bộ Công an thụ lý, phát hiện hành vi “rửa” gỗ lậu nhập từ Lào về qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), chuyển xuống cảng Cửa Việt, vào cảng Tiên Sa nhằm xuất khẩu ra nước ngoài.

MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.