Sự thật về bản danh sách 20 đối tượng

Bản danh sách 20 đối tượng có bút phê (trên) và không có bút phê (dưới)
Bản danh sách 20 đối tượng có bút phê (trên) và không có bút phê (dưới)
TP - Nguyên thiếu tá Công an Phạm Đình Tiếng bị tạm giam đã gần tròn sáu năm, đang tiếp tục kêu oan.

> Nguyên thiếu tá công an bị tạm giam năm thứ sáu

Trong vụ án này, có một tài liệu CQĐT coi là chứng cứ quan trọng chứng minh ông Tiếng biết rõ các đối tượng ma túy, đã lập được danh sách, song không báo cáo lãnh đạo, mà chỉ dùng để “hù” các đối tượng nhằm đòi tiền hối lộ.

Bản danh sách 20 đối tượng có bút phê (trên) và không có bút phê (dưới)
Bản danh sách 20 đối tượng có bút phê (trên) và không có bút phê (dưới) .

Uẩn khúc kéo dài…

Theo Cơ quan CSĐTTP về ma túy (C47) Bộ Công an, Bản danh sách 20 đối tượng (DS20ĐT) do bị can Phạm Đình Tiếng lập ngày 14-12-2000.

Đó là những đối tượng trong đường dây ma túy Thanh Nhàn (Q. Hai Bà Trưng, TP Hà Nội), khi Công an TP Hà Nội phá án thời điểm cuối năm 2000, cả 20 đối tượng này đều “lọt lưới”.

C47 nhận định ông Tiếng không nộp Bản DS20ĐT cho lãnh đạo Ban chuyên án Công an TP Hà Nội, chỉ lặng lẽ đưa vào hồ sơ lưu, và đây là chứng cứ quan trọng chứng minh ông Tiếng vì đã nhận hối lộ nên “cắt đuôi” cả 20 đối tượng này.

Khi vụ án được đưa ra xét xử, luật sư của ông Tiếng đã chỉ ra những dấu vết trên Bản DS20ĐT để chứng minh ông Tiếng đã báo cáo cấp trên, bởi bên lề tài liệu này có chữ viết của lãnh đạo, và Bản DS20ĐT được chính C47 nộp lưu tại Cục lưu trữ hồ sơ (C27) Bộ Công an.

Phiên tòa được hoãn, hồ sơ được trả lại yêu cầu điều tra bổ sung. Ket quả điều tra bổ sung, C47 không làm rõ các uẩn khúc luật sư đã nêu ra tại phiên tòa, vẫn một mực khẳng định bị can Tiếng không báo cáo lãnh đạo Bản DS20ĐT, coi đây là chứng cứ kết tội ông Tiếng “nhận hối lộ”.

Vụ án đã qua hai cấp xét xử, bản án phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại. Sau khi điều tra lại, quá trình chuẩn bị xét xử, TAND TP Hà Nội một lần nữa lại trả hồ sơ yêu cầu phải làm rõ những uẩn khúc về Bản DS20ĐT.

Và vẫn như trước đây, C47 vẫn khăng khăng coi đây là chứng cứ khách quan và quan trọng để cột tội bị can Tiếng.

Tuy nhiên, sự thật về Bản DS20ĐT lại được làm rõ theo một hướng khác.

Bước đầu làm rõ

Sau khi vụ án được điều tra lại, trung tá công an Phan Thị Lệ Tuyên (vợ bị can Tiếng) đã có đơn tố cáo ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Cục trưởng C47 - và một số điều tra viên dưới quyền đã sửa chữa tài liệu, có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án Phạm Đình Tiếng.

Theo đơn của bà Tuyên, khi vụ án được điều tra bổ sung, Bản DS20ĐT đã bị đánh tráo: tài liệu trước đó do C47 thu thập bị đưa ra khỏi hồ sơ, thay vào đó là Bản DS20ĐT với những chữ ghi bên lề đã bị xóa, và con dấu của C27 đóng trên tài liệu này là con dấu giả.

Đơn của bà Tuyên được gửi đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng (KTTWĐ), cơ quan này đã giao cho Đảng ủy Công an Trung ương xử lý.

Kết quả, người tố cáo được trả lời, Đảng ủy Công an Trung ương bước đầu làm rõ, quá trình điều tra và điều tra bổ sung vụ án Phạm Đình Tiếng, một số điều tra viên của C47 đã có các hành vi sao y bản chính trái thẩm quyền; sửa chữa tài liệu (phô tô che đi phần chữ ghi bên lề Bản DS20ĐT) để đưa vào hồ sơ; sử dụng con dấu giả của C27 đóng lên tài liệu để trả lại cho C27.

Với những sai phạm bước đầu đã rõ, Đảng ủy Công an Trung ương có nghị quyết xử lý kỷ luật (khiển trách) ông Nguyễn Anh Tuấn và một điều tra viên của C47 là ông Phạm Văn Sỹ, và báo cáo kết quả lên Ủy ban KTTWĐ.

Tuy nhiên, vẫn theo người tố cáo, đánh giá mức kỷ luật chưa tương xứng, Ủy ban KTTWĐ yêu cầu Đảng ủy và lãnh đạo Bộ Công an tiếp tục xác minh đơn tố cáo của bà Tuyên và xử lý nghiêm minh các hành vi sai phạm.

Khởi tố vụ án?

Các luật sư bào chữa cho bị can Tiếng nhận định, việc bỏ bớt tài liệu được thu thập theo tố tụng ra khỏi hồ sơ, thay thế bằng tài liệu bị sửa chữa, đã đủ cấu thành hành vi “làm sai lệch hồ sơ vụ án” theo Điều 300 Bộ luật Hình sự.

Riêng việc điều tra viên C47 không trả lại tài liệu gốc mượn của C27 (Bản DS20ĐT có đóng dấu lưu của C27), mặc dù cơ quan này có công văn yêu cầu, đủ cấu thành hành vi “Chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước” theo Điều 263 Bộ luật Hình sự.

Được biết, TAND TP Hà Nội hiện đang yêu cầu cơ quan công tố phải đưa Bản DS20ĐT thu thập theo đúng quy định tố tụng vào hồ sơ vụ án, đồng thời làm rõ những uẩn khúc xung quanh tài liệu này, để có thể đưa vụ án ra xét xử.

Nhiều chuyên gia pháp luật nhận định, trong vụ án Phạm Đình Tiếng, chỉ khi những dấu hiệu sai phạm trong hoạt động tư pháp được khởi tố để điều tra, khi đó mới có cơ hội giải oan cho bị can Tiếng, nếu như ông Tiếng đang bị làm oan.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG