Tàu E1 đổ do móc nối các toa đã bị hàn ?

Tàu E1 đổ do móc nối các toa đã bị hàn ?
Phiên toà xét xử vụ đổ tàu E1 nóng dần theo các phiên tranh tụng. Nhiều tình tiết, chứng cứ, tang vật được đưa ra làm cho dư luận, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đặc biệt là báo giới rất quan tâm.
Tàu E1 đổ do móc nối các toa đã bị hàn ? ảnh 1
Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh : TPO

Có thể nói, đây là phiên toà chứa đầy đau thương và nước mắt. Những người liên quan liên tiếp đưa ra các câu hỏi tại sao, nhưng không có lời giải đáp? Còn bị cáo- nhân vật chính của phiên toà dường như không ai chỉ trích, đả động đến. Nghe qua có vẻ nực cười; nhưng đó là sự thật bởi đương sự muốn ngành đường sắt phải nhận rõ trách nhiệm về mình.

Sáng nay (28/4), luật sư Tôn Nữ Thu Hà, bào chữa cho bị cáo Bùi Thái Sơn đã chất vấn đại diện ngành Đường sắt: ở vật móc nối giữa các toa bị đứt làm 2 toa (7 và 8) văng ra khỏi đoàn tàu có mối hàn là do thiết kế ban đầu hay ngành đường sắt đã hàn?

>> Toàn bộ diễn biến vụ đổ tàu E1

Ông Trần Đức Giao, Tổng giám đốc Công ty hành khách đường sắt (đại diện Tổng công ty Đường sắt) trả lời là đầu móc nối này do ngành nhập từ Trung Quốc về, sau một thời gian sử dụng tiến hành duy tu và đã có hàn. Luật sư bào chữa băn khoăn, liệu Đoàn tàu nhanh E1 chạy tuyến Bắc - Nam trong 30 giờ, trọng tải trên 1.000 tấn, mà giữa các toa lại có những mối hàn thì liệu có đảm bảo an toàn? Câu hỏi này đang là một thách thức và chưa được đại diện ngành Đường sắt làm sáng tỏ.

Khi trả lời câu hỏi ngành Đường sắt có văn bản nào quy định điểm móc nối được sử dụng trong thời gian bao lâu phải thay thế, ông Giao đã trả lời ngành sẽ xem xét thay thế trong quá trình sử dụng. Rất nhiều câu hỏi khác, đại diện ngành Đường sắt không thể trả lời và ông Giao phải liên tiếp nhờ nhân viên hoặc xin "khất".

Anh Bùi Huy Mạnh cho rằng ngành Đường sắt quản lý quá lỏng lẻo và còn vô trách nhiệm đối với vụ án này, ngay cả khi Tòa hỏi có biết Đoàn tàu bao nhiêu toa, bao nhiêu nhân viên thì ông Giao đều "bí".

Như vậy, rõ ràng đầu móc nối của những toa tàu bị văng ra là có vấn đề bất thường. Vẫn biết tàu chạy quá tốc độ là sai phạm, nhưng nguyên nhân tai nạn phải xem xét nhiều góc độ, nhiều tình tiết. Không ít người cho rằng điểm móc nối bị hàn này trước sau gì cũng đứt và có lẽ lúc Đoàn tàu đến ga Thừa Lưu (Thừa Thiên - Huế) là lúc "giọt nước làm tràn ly".

Tiếp tục đặt những câu hỏi chưa có lời giải của phần đông người dự phiên toà: tại sao các toa khác lại không bị đứt mà chỉ nhằm vào toa có đầu nối bị hàn? Trong quá trình điều tra đã làm một phép tính nếu một đoàn tàu khác đi với vận tốc như tàu E1, các đầu nối không có điểm hàn thì các toa có bị văng ra? Toà án cần phải cân nhắc kỹ khi quyết định nguyên nhân tàu đổ, đó là mong mỏi của đông đảo nhân dân.

Dư luận cũng quan tâm khi ngành Đường sắt cho vận hành chuyến tàu nhanh Bắc - Nam trong vòng 30 giờ có được cơ quan nào thẩm định hay ngành tự đặt ra rồi thực hiện? Tại sao một đoàn tàu nhanh, hiện đại, chở trên 500 hành khách; nhưng lại bố trí phụ lái tàu là một người vừa tốt nghiệp khoá học trong vòng 1 tháng.

Từ đó, ngành đường sắt cần xem xét lại cơ chế vận hành, đầu tư sửa chữa, thay thế thiết bị và đây là dịp ngành cần phải nhìn thẳng vào sự thật, điều chỉnh cải tổ bộ máy làm việc để hoạt động hiệu quả hơn.

Theo Nguyễn Văn Cảnh

TTXVN

MỚI - NÓNG