Tham nhũng Y tế ở Đắk Lắk: Lo ngại 'chìm xuồng'? - Bài cuối: 'Kêu trời không thấu'

Cán bộ kỹ thuật Bệnh viện Đa khoa TP Buôn Ma Thuột nơi đặt máy lò hấp rác 7,6 tỷ đồng vừa được sửa xong.
Cán bộ kỹ thuật Bệnh viện Đa khoa TP Buôn Ma Thuột nơi đặt máy lò hấp rác 7,6 tỷ đồng vừa được sửa xong.
TP - Trong 2 tháng 10, 11/2016, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk đã ký các quyết định xử phạt hành chính 10 bệnh viện với tổng mức phạt gần 1,7 tỷ đồng, về tội xả nước thải, bụi thải, khí thải gây ô nhiễm, không thực hiện giám sát, quan trắc môi trường. Trong đó, có tới 9/10 đơn vị là bệnh viện công, bị yêu cầu phải khắc phục các vi phạm chậm nhất vào ngày cuối năm 2016.

Mỏi mòn chờ... đủ thứ!

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk (BV ĐKT) là đơn vị bị phạt nặng nhất trong đợt này, với tổng số tiền 349 triệu đồng. Sau khi nghe giám đốc bệnh viện giải trình, lãnh đạo tỉnh cũng phải mủi lòng, thôi không phạt nữa!

Bác sĩ Bùi Trường Phong - Giám đốc BV ĐKT khẳng định: Phạt này, nếu có phạt, phải phạt Nhà nước chứ không phải phạt bệnh viện! Giai đoạn 3 năm 1996-1999, BV ĐKT được ngân sách đầu tư xây dựng quy mô 500 giường kèm hệ thống xử lý nước thải đồng bộ. Về sau, tỉnh cho chèn thêm thành 700 giường, rồi 1.000 giường, nhiều lúc quá tải nhồi tới 1.800 bệnh nhân, mà vẫn hệ thống xử lý nước cũ đó, thì khắc phục sao được? Giải pháp tận gốc, phải chờ Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên (BV VTN) xây xong, sẽ chuyển gần trọn bộ máy nhân sự BV ĐKT sang bên đó.

Đơn thư tố cáo dấu hiệu tiêu cực ngành y tế Đắk Lắk vẫn liên tục gửi về Văn phòng đại diện báo Tiền Phong tại  khu vực Tây Nguyên

Khởi công từ tháng 7/2010, BV VTN ban đầu công bố tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ, dự kiến hoàn thành năm 2013. Nhưng rồi, Sở Y tế Đắk Lắk trong vai chủ đầu tư ngoài việc mới tháng 12/2010 đã “cầm đèn…” dùng nguồn tiền của gói thầu xây lắp ký hợp đồng mua 111 máy vi tính nhằm “trang bị cho BV VTN”, thì đã để tiến độ triển khai dự án kéo dài, dang dở mãi. Rất nhiều phần công trình mới xây xong phải đập bỏ xây sửa lại, lãng phí vô cùng. Lãnh đạo tỉnh sốt ruột, nhiều lần khẳng định tiền không thiếu, việc chậm trễ hoàn tất công trình là do cách quản lý quá yếu kém của Sở Y tế. Mới đây UBND tỉnh phải ra “tối hậu thư”, yêu cầu chậm nhất đến cuối năm 2017, Sở Y tế phải đưa công trình đi vào hoạt động.

Ông Đinh Xuân Hà giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Đắk Lắk cho biết sau khi điều chỉnh, tháng 7/2015 UBND tỉnh đã phê duyệt tổng mức đầu tư xây phần “vỏ” BV VTN là 1.098,4 tỷ đồng, còn phần đầu tư mua thiết bị hơn 777 tỷ đồng theo đề nghị của Sở Y tế, tỉnh vẫn đang chạy tìm nguồn vốn vay ưu đãi (ODA) từ các nhà tài trợ nước ngoài.

Một bác sĩ gần trọn quãng đời làm việc gắn bó với BV ĐKT tâm sự: Hàng nghìn cán bộ nhân viên ở đây từ lâu mòn mỏi chờ rất nhiều điều, trong đó việc chờ dọn sang nơi làm việc mới chỉ là thứ yếu. Khắc khoải nhất, là chờ bệnh viện được mua thêm nhiều máy thở và máy chạy thận nhân tạo để cứu mạng bệnh nhân, chờ tình hình cung ứng thuốc trở lại bình thường! Và hơn thế  nữa, chờ ngày thấy được tỉnh có được những cán bộ lãnh đạo Sở Y tế thật sự trong sạch, tâm huyết với sự nghiệp y tế.

Vè xuân đánh động chính quyền

Đầu tháng 2/2017, báo Tiền Phong lại nhận nhiều đơn thư về việc bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột (BV BMT) tiếp tục đốt rác độc hại, xả khói và khí thải hôi thối gây ô nhiễm khu dân cư.

Làm việc với phóng viên, lãnh đạo BV BMT xác nhận khoản phạt gần 252 triệu đồng lãnh đạo tỉnh ký, bệnh viện chưa biết dùng nguồn nào để trả! Việc xả khói và khí thải xảy ra, vì cái lò hấp rác giá 7,6 tỷ đồng do Sở Y tế đưa về mới vận hành ngày 7/11/2016, thì đến ngày 26/12/2016 lại đã... hỏng! Cực chẳng đã, Bệnh viện phải dùng chiếc máy cũ chạy bằng dầu, phun khói đen sì ra để đốt rác thải y tế.

Người bức xúc nhất vì các loại máy xử lý rác tại đây, là bác sĩ Y Lâm Niê - Giám đốc BV BMT. Cuối năm 2012, giám đốc bệnh viện này khi đó là ông Doãn Hữu Long đã ký bản hợp đồng rất sơ sài để mua một máy hấp rác giá gần 3 tỷ đồng. Chạy thử vài hôm thì máy hỏng hẳn, chả hiểu sao ông Long vẫn cho chuyển trả hết tiền mua máy. Nghịch lý là sau khi bị kỷ luật vì vụ trục lợi tiền bảo hiểm xảy ra tại bệnh viện, ông Long lại được cất nhắc nhảy vọt, từ giám đốc bệnh viện  lên giám đốc Sở Y tế. Bác sĩ Y Lâm thế chỗ đã nhiều lần làm tờ trình xin Sở Y tế cho nâng cấp hệ thống xử lý nước thải lạc hậu, giải quyết máy hấp rác hỏng. Trong khi “kêu trời chưa thấu”, BV BMT tiếp tục bị dân khiếu nại, chính quyền xử phạt vì không thể ngưng việc xả nước và đốt rác khiến môi trường ô nhiễm.

Trong cuộc gặp mặt đầu năm có hơn 400 đại biểu trí thức, báo giới, văn nghệ sĩ do lãnh đạo tỉnh chủ trì, đại diện báo Tiền Phong được mời lên phát biểu ý kiến, đã đọc “Vè xuân con gà”. Bài vè kiểu sớ Táo quân Đắk Lắk có đoạn “Đấu thầu cài cắm lòng vòng/ Bệnh nhân thiếu thuốc, đau lòng thân nhân/ Máy hấp rác hỏng mấy lần/ Khói mù ô nhiễm khiến dân quá phiền!...” . Bài vè vừa lan truyền từ sáng 8/2/2017, thì trưa 9/2 bác sĩ Y Lâm vui mừng báo tin lò máy hấp rác 7,6 tỷ vừa được sửa xong (!)

Chiều 14/2, bà H’Yim Kđoh-Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các chuyên viên liên quan thân chinh đến làm việc với BV BMT về cái lò hấp rác. Bà phát biểu: Nghe đại diện báo Tiền Phong đọc “Vè xuân con gà”, mới hay cả 2 vấn đề nổi cộm về y tế là thiếu thuốc và xử lý rác thải đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Bà yêu cầu lãnh đạo BV BMT báo cáo rõ về cái lò hấp rác 7,6 tỷ đồng.

Bi hài chuyện cái lò siêu đắt

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thịnh - Phó giám đốc BV BMT trình bày rành mạch trước Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các chuyên viên đi cùng. Ông nói: Tôi được phân công nghiệm thu, tiếp nhận máy, nhưng từ chối làm việc này, vì thấy có quá nhiều khuất tất. Bên cung ứng máy không chịu cung cấp hồ sơ máy và phụ lục kèm theo, nhưng cứ cam đoan cái lò hấp rác giá 7,6 tỷ đồng này có cấu hình tương đương chiếc máy hấp rác 3 tỷ đồng đã hư. Thực tế tôi thấy cấu hình cái lò 7,6 tỷ đồng này thua hẳn cấu hình cái máy 3 tỷ đồng. Còn họ giải thích lò mới bị hỏng do bị... chuột đái vào. Tôi phản đối vì quá vô lý!

Tham nhũng Y tế ở Đắk Lắk: Lo ngại 'chìm xuồng'? - Bài cuối: 'Kêu trời không thấu' ảnh 1

Nơi đặt lò rác tạm của Bệnh viện Đa khoa TP Buôn Ma Thuột, bị khiếu nại nhiều lần vì gây ô nhiễm khu dân cư.

Nếu cái lò ghi xuất xứ từ Tây Ban Nha này không hỏng, thì bệnh viện cũng không đủ sức “nuôi” nó. Công nghệ bán tự động lạc hậu, mỗi khi lò vận hành, bệnh viện phải cử thêm nhân công cực nhọc đứng xúc rác từ chỗ nọ đổ qua chỗ kia, kèm thêm nhiều khoản vật tư tiêu hao vô cùng tốn kém. Cụ thể: Với lượng rác bệnh viện thải ra, mỗi ngày lò phải hấp 6 mẻ. Mỗi mẻ sử dụng 3 túi đựng chất thải đã xử lý, mỗi túi giá khoảng 80.000 đồng chưa tính thuế VAT. Tính ra mỗi năm BV BMT phải bỏ ra hơn 500 triệu đồng chỉ riêng khoản mua túi đựng chất thải.

Chưa hết, mỗi tháng lò ngốn tiền triệu mua 1 tạ muối hoàn nguyên để khử và rửa cột lọc. Mỗi quý phải thay cột lọc giá khoảng 5-7 triệu đồng, rồi tiền điện nước, tiền trả cho công ty Môi trường thu gom các túi rác thải sinh hoạt sau khi máy hấp chín v.v... Tính sơ bộ, vị chi mỗi tháng BV BMT phải chi khoảng 50 triệu đồng cho việc hấp rác.  Chưa kể tới việc Bệnh viện đã phải phá thông 2 phòng đựng rác phân loại để có chỗ đặt cái lò tiêu tiền như... rác này. Mấy tháng qua bệnh viện không còn đủ chỗ đựng rác thải. BV BMT đề nghị đối tác cung ứng máy hỗ trợ khoản tiền xây lại phòng chứa rác khác. Họ bảo tiền đâu mà hỗ trợ?

Ngày 23/12/2016 bác sĩ Y Lâm Niê ký Tờ trình số 682 xin lãnh đạo Sở Y tế soi xét, vì khoản tiền trên 500 triệu đồng chỉ để mua túi đựng rác chuyên dụng mỗi năm cho cái lò hấp rác hiệu Matachana này là khoản “kinh phí quá lớn đối với bệnh viện”. Tới nay, tờ trình của Bệnh viện vẫn chưa được Sở Y tế hồi âm!

Trao đổi với đại diện báo Tiền Phong, bà H’Yim Kđoh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết: Vì mới tiếp nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách phần việc này chưa lâu, nên bà chưa nắm được hết tình hình ngành Y tế. Được nghe bài “Vè xuân con gà”, bà lập tức cho kiểm tra lại,  mới hay cả 2 vấn đề thiếu thuốc, và lò hấp rác hỏng tới nay vẫn tồn tại, khiến dư luận bức xúc, nên phải trực tiếp đến bệnh viện để lắng nghe. Sau khi nắm đầy đủ mọi thông tin, lãnh đạo tỉnh sẽ cân nhắc phương án chỉ đạo, xử lý sao để mọi khoản tiền ngân sách mua thuốc và trang thiết bị y tế phải bảo đảm sử dụng hiệu quả, phục vụ tốt cho người bệnh, người dân. 

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.