Thu tiền đóng góp giải phóng mặt bằng: Chính quyền gửi lại tiền cho dân

Người dân nhận lại tiền tự nguyện đóng góp sau buổi đối thoại. Ảnh: Hoàng Lam
Người dân nhận lại tiền tự nguyện đóng góp sau buổi đối thoại. Ảnh: Hoàng Lam
TP - Liên quan thông tin người dân phải nộp gần một nửa số tiền đền bù giải phóng mặt bằng (do doanh nghiệp chi trả) cho phường Đông Cương (TP Thanh Hóa), sáng 4/12, một cuộc đối thoại giữa các bên diễn ra công khai.

Dự án xây dựng Trung tâm Thương mại và văn phòng Tuấn Minh là dự án chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa nước sang đất dịch vụ thương mại của doanh nghiệp tư nhân, trên cơ sở tự thỏa thuận giữa các bên thông qua hình thức ký hợp đồng chuyển nhượng.

Để tạo điều kiện cho việc giải phóng mặt bằng của dự án được triển khai đúng tiến độ, Cty Cổ phần Xây dựng thương mại Tuấn Minh (sau đây gọi tắt là Cty) đã đề nghị UBND phường Đông Cương phối hợp thực hiện công tác kiểm kê, bồi thường theo quy định đối với 33 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Trong số 33 hộ dân, có 20 hộ được nhà nước giao đất và 13 hộ không được nhà nước giao đất.

Khu vực thực hiện dự án có nhiều diện tích sâu trũng, lầy thụt khó canh tác, thường xuyên bị ngập úng. Trước năm 1993, khi chia ruộng cho dân, nhiều hộ không muốn nhận ruộng tại khu vực này, nên đã không đưa số diện tích này vào chia cho dân. Sau đó, một số hộ dân đã tự san lấp để sử dụng.

Do đó, các hộ không được UBND xã đưa vào diện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc đưa vào diện theo dõi trong sổ giao ruộng đất lâu dài của xã. Một số hộ liền kề diện tích này cũng tự xâm lấn chủ động cải tạo đưa vào sản xuất cùng với diện tích đất cơ bản được nhà nước giao dẫn đến diện tích tăng cao hơn so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc sổ giao ruộng.

Cũng từ năm 1993 đến nay, UBND phường Đông Cương không thu sản và bất kỳ một khoản đóng góp lệ phí nào cho nhà nước, được hưởng trọn vẹn toàn bộ số hoa lợi từ sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, đa số các hộ dân không sản xuất nông nghiệp mà bỏ hoang hoặc để cho hộ khác trồng cây lâu năm.

Khi triển khai dự án, các hộ đến kê khai và lập hồ sơ đều có kiến nghị đề nghị UBND phường tạo điều kiện xác nhận là đất có nguồn gốc khai hoang trước 1993 để đủ cơ sở pháp lý ký hợp đồng chuyển nhượng với Cty, đồng thời thống nhất tự nguyện đóng góp một phần kinh phí được đền bù giải phóng mặt bằng vào ngân sách để xây dựng địa phương.

Tại buổi đối thoại có 11/13 hộ dân có diện tích khai hoang tham dự. Cơ bản các hộ dân đều đồng thuận, giữ nguyên quan điểm ủng hộ một phần kinh phí được bồi thường cho ngân sách địa phương trên tinh thần tự nguyện.  Tuy nhiên, theo ông Lê Đình Mão - Chủ tịch UBND phường Đông Cương, vì việc này ảnh hưởng đến uy tín cán bộ địa phương, gây sự hiểu nhầm trong dư luận, nên UBND phường Đông Cương thống nhất gửi lại số tiền mà các hộ dân tự nguyện đóng góp trước đó.

Trước đó, sau khi có thông tin báo chí phản ánh việc cán bộ phường Đông Cương “xin” lại gần một nửa số tiền đền bù giải phóng mặt bằng của các hộ dân, UBND TP Thanh Hóa đã chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra, xác minh sự việc. Tại bản báo cáo, UBND phường Đông Cương cho rằng, một số vấn đề, báo chí phản ánh không đúng bản chất sự việc.

MỚI - NÓNG