Thuê người tâm thần làm... giám đốc để buôn lậu

Một vụ bắt hàng lậu của Cục Hải quan Quảng Trị đầu tháng 7 vừa qua. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Một vụ bắt hàng lậu của Cục Hải quan Quảng Trị đầu tháng 7 vừa qua. Ảnh: Tuấn Nguyễn
TPO - Hầu hết doanh nghiệp buôn lậu bị phát hiện trong thời gian qua là doanh nghiệp ma, giám đốc doanh nghiệp thuê mướn, thậm chí giám đốc là người tâm thần, sinh viên đang đi xin việc...

Cuối tuần qua, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia (BCĐ 389 quốc gia) chủ trì hội nghị giao ban với cơ quan thường trực 389 các tỉnh, thành phố trọng điểm khu vực Đông Nam bộ, gồm: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa- Vũng Tàu nhằm triển khai hiệu quả hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng cuối năm 2017.

Theo Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế, 6 tháng đầu năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại tại các tỉnh, thành phố trọng điểm khu vực miền Đông Nam Bộ tuy có giảm hơn so với cùng kỳ năm 2016, song vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. 

Thống kê 6 tháng cho thấy, lực lượng chức năng TP.HCM đã kiểm tra, xử lý trên 14.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách gần 2.300 tỷ đồng. Trong khi đó, Đồng Nai xử lý gần 3.600 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 700 tỷ đồng; Bình Dương bắt giữ gần 2.400 vụ, nộp ngân sách trên 213 tỷ đồng; Bà Rịa- Vũng Tàu phát hiện trên 1.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 175 tỷ đồng từ công tác xử lý. 

Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Phạm Quốc Hùng cho biết, ngoài chiêu trò nhập nhiều khai ít, khai sai xuất xứ hàng hóa, mã số hàng hóa… thủ đoạn mới của các đối tượng buôn lậu là lợi dụng hàng quá cảnh, hàng trung chuyển, chuyển cửa khẩu để buôn lậu, gian lận thương mại.

Đáng chú ý, hầu hết doanh nghiệp buôn lậu bị phát hiện trong thời gian qua là doanh nghiệp ma, giám đốc doanh nghiệp thuê mướn, thậm chí giám đốc là người tâm thần, sinh viên đang đi xin việc…Hàng hóa vi phạm là hàng cấm như điện lạnh, điện tử đã qua sử dụng, sản phẩm động vật hoang dã...

Tại hội nghị, đại diện các lực lượng chống buôn lậu cũng kiến nghị những khó khăn vướng mắc liên quan đến việc xử lý thuốc lá nhập lậu; kho chứa hàng hóa vi phạm là tang vật; chi phí lưu giữ hàng vi phạm; khó khăn trong xử lý hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; công tác phối hợp giữa các lực lượng chống buôn lậu… 

Chánh văn phòng BCĐ 389 quốc gia Đàm Thanh Thế cho rằng, trong thời gian qua, chúng ta có nhiều kiến nghị về các cơ sở pháp lý trong công tác đấu tranh chống buôn lậu. Chẳng hạn, đối với buôn lậu qua loại hình hàng trung chuyển, Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã đề xuất không chỉ lực lượng hải quan làm mà tất cả các lực lượng trong Ban chỉ đạo 389 đều phải vào cuộc.

Ông Thế cho biết, Văn phòng 389 quốc gia ghi nhận các vướng mắc, kiến nghị của các đại biểu để tổng hợp, xem xét kiến nghị cấp trên nhằm xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, tạo cơ sở pháp lý tốt nhất cho các lực lượng hoạt động để đạt được hiệu quả cao trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.  

MỚI - NÓNG