Về vụ tử vong khi bị cưỡng chế thi hành án tại Hưng Yên:

Từng có nhiều ý kiến chưa đồng tình bản án

Từng có nhiều ý kiến chưa đồng tình bản án
TP - Cho đến giờ, nhiều người ở xã Đại Hưng, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) vẫn bàng hoàng về vụ Ông Nguyễn Văn Đương, bị đơn trong vụ án dân sự tranh chấp đất đai, tự thiêu khi có mặt cả trăm cán bộ thuộc nhiều lực lượng cưỡng chế thi hành án...

Vụ việc diễn ra tại thôn 2, xã Đại Hưng, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) vào sáng 21/7 vừa qua.

Từng có nhiều ý kiến chưa đồng tình bản án ảnh 1
Khu nhà năm gian cháy rụi ngay khi diễn ra cuộc cưỡng chế. Ảnh: CTV

Vụ kiện tranh chấp đất đai giữa ông Nguyễn Văn Đương và ông Nguyễn Khắc Sinh diễn ra nhiều năm và đã qua hai cấp xét xử. Đơn thư khiếu kiện gửi lên nhiều cơ quan.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, UBND Tỉnh Hưng Yên cho rằng ông Đương chống đối, không hợp tác với cơ quan thi hành án, bản án dân sự phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật, Toà án Nhân dân (TAND) Tối cao đã có văn bản trả lời khiếu nại của ông Đương là không có cơ sở.

UBND Tỉnh Hưng Yên cũng cho biết việc cưỡng chế thi hành án diễn ra đúng trình tự, việc ông Đương tử vong và ngôi nhà năm gian bị cháy hoàn toàn ngay khi đang diễn ra cưỡng chế thi hành án là vì lực lượng cưỡng chế thi hành án không thể khống chế được đám cháy...

Áp dụng pháp luật không phù hợp?

Tạm chưa đề cập đến việc tổ chức thi hành án, để rộng đường dư luận, chúng tôi xin thông tin thêm những ý kiến khác nhau về bản án.

Trước hết, ngay sau khi xét xử sơ thẩm, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) huyện Khoái Châu đã quyết định kháng nghị bản án của TAND huyện Khoái Châu với nhận định: Theo sổ sách quản lý hành chính về đất đai tại xã Đại Hưng thì cụ Đồ Lương (bố ông Đương) đứng tên quyền sử dụng đất diện tích 710 m2 và 150 m2 ao từ năm 1931.

Năm 1956, cụ Nguyễn Thị Ngô (vợ cụ Đồ Lương) được Ủy ban Hành chính Tỉnh Hưng Yên xác nhận quyền sử dụng đất là 1,9 sào và ao là 5 thước. Thời kỳ năm 1980-1984 (cụ Ngô mẹ ông Đương đã chết), ông Đương đứng tên quyền sử dụng đất với diện tích 720 m2 và 150m2 ao tại thửa 506 và thửa 515...

Cũng theo VKSND Huyện, TAND huyện Khoái Châu áp dụng Thông tư 02 của TANDTC, VKSNDTC hướng dẫn thẩm quyền của toà án trong giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 3 điều 38 Luật Đất đai năm 1993 để cắt 291,06 m2 đất mà ông Đương là chủ sử dụng đưa vào sử dụng cộng đồng chi họ Nguyễn Khắc là không phù hợp với Khoản 2 Điều 2 Luật Đất đai 1998: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng...”.

Đối với ba gian nhà thờ xây lợp ngói, VKSND huyện cho rằng toà áp dụng điều 234 về sở hữu cộng đồng là không phù hợp mặc dù ngôi nhà trên có nguồn gốc từ đời cụ Quản Diễn để lại cho con trưởng là cụ Nguyễn Phát, cụ Nguyễn Phát để tài sản cho con trưởng là cụ Đồ Lương, khi cụ Đồ Lương chết để lại cho ông Nguyễn Văn Đương quản lý sử dụng.

Suốt quá trình trên không có ai khiếu kiện gì và anh em ngang hàng với cụ Lương đã chết, nay các cháu của cụ Diễn đòi lại ngôi nhà trên và một sào đất hương hỏa là không có cơ sở vì thực tế ông Sinh (nguyên đơn) và một số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không chứng minh được đã quyên góp của bao nhiêu người, số lượng bao nhiêu tiền, ai thu, ai chi để xây nhà thờ.

Kiến nghị bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Hưng Yên, Trung tâm Trợ giúp Pháp lý tỉnh Hưng Yên cho rằng, tòa án áp dụng điều 234 về sở hữu cộng đồng đối với ba gian nhà thờ lợp ngói là không phù hợp. 

Trong báo cáo gửi Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh ngày 2/1/2003, UBND xã Đại Hưng cũng cho biết trong quá trình giải quyết vụ án không thấy cơ quan tố tụng về thẩm định vụ việc tại địa phương.

MỚI - NÓNG