Tướng Quắc: Day dứt khi phải bắt đồng đội

Tướng Quắc: Day dứt khi phải bắt đồng đội
TP - "Có ai muốn bắt đồng đội đâu. Nhưng phải bắt, vì chứng cứ phạm tội quá rõ.  Ai cũng có gia đình, có họ hàng, uy tín, công việc... nên khi quyết định bắt ai mình phải hết sức cân nhắc".  Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc tâm sự.
Tướng Quắc: Day dứt khi phải bắt đồng đội ảnh 1
Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc

>> Tôi không ngại điều tra quan chức

Từ chuyên án 420B, bắt quả tang 22 cán bộ, chiến sĩ CATP Hà Nội đánh bạc tại công viên Bách Thảo, C14 đã phát hiện đường dây cá độ cực lớn liên quan Bùi Tiến Dũng và nhiều chủ doanh nghiệp khác.

Đó là bước khởi đầu mở ra chuyên án ở PMU 18. Tổng cộng cả hai chuyên án này, có tới 23 cán bộ, chiến sỹ công an bị kỷ luật, trong đó có 5 người đã bị khởi tố bị can...

Trong vụ án này, có trường hợp ông đã ký quyết định bắt chính đồng đội của mình, tâm trạng của ông khi đó thế nào?

Có ai muốn bắt đồng đội đâu. Nhưng phải bắt, vì chứng cứ phạm tội quá rõ.  Ai cũng có gia đình, có họ hàng, uy tín, công việc... nên khi quyết định bắt ai mình phải hết sức cân nhắc. Nếu bắt cũng được, không bắt cũng được thì tôi quyết không bắt.

Tướng Quắc: Day dứt khi phải bắt đồng đội ảnh 2
Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc: “Tôi không run sợ trước bất cứ đối tượng nào”

Bắt để phục vụ công tác điều tra, mở rộng án thì phải bắt. Nhà nước giao trọng trách đó cho mình thì mình phải làm. Hơn nữa, nếu phải bắt cấp dưới của mình thì càng chẳng hay ho gì... Cực chẳng đã mới phải làm việc đó, mình không bắt thì Viện Kiểm sát cũng yêu cầu phải bắt.

Trong suốt 41 năm làm cảnh sát có trường hợp nào ông quyết định bắt mà sau này  phải áy náy không?

Bắt mà áy náy thì nhiều nhưng không bắt oan. Ví dụ bắt đồng đội hoặc bắt người có công lao với đất nước là áy náy... Bắt lưu manh giết người cướp của thì mình không run tay nhưng đã bắt cán bộ nhà nước là áy náy. Vụ PMU 18 còn năm, sáu trường hợp đã khởi tố bị can và bắt tạm giam cũng được không bắt cũng được, nên tôi đã quyết định không bắt.

Nghệ thuật đánh án

Bây giờ nhìn lại vụ PMU 18, cả báo chí và những người quan tâm đến vụ án đều nói là trong vụ án này tướng Quắc phải rất có kinh nghiệm và nghệ thuật đánh án, nếu không chưa chắc đã làm nổi, kể cả bắt Bùi Tiến Dũng?

Vấn đề là mình có cái tâm trong đấu tranh chống tiêu cực. Tôi không run sợ trước bất cứ đối tượng nào. Thế thôi chứ có nghệ thuật gì đâu. Mình cho là nghệ thuật nhưng người khác lại nói là không nghệ thuật. Có tội thì bắt, không có tội không được bắt.

Hai vợ chồng cùng phạm tội thì bắt một không bắt hai. Như vợ chồng Phạm Tiến Dũng nếu bắt tạm giam thì bắt cả hai cũng được nhưng tôi chỉ bắt một. Tất nhiên, bắt là phải đúng luật. Trước khi bắt phải bí mật.

Nghe nói khi bắt Bùi Tiến Dũng ông đã quyết định rất bất ngờ, thậm chí thủ trưởng trực tiếp của ông cũng không biết?

Nói như thế người ta lại hiểu là mình qua mặt thủ trưởng. Việc bắt người là mình làm theo luật tố tụng. Quyền năng của phó thủ trưởng cơ quan điều tra, khi thủ trưởng phân công điều tra vụ án thì quyền của phó thủ trưởng là độc lập với thủ trưởng.

Tôi chỉ báo cáo với thủ trưởng cơ quan điều tra đối với những trường hợp thuộc diện cấp trên quản lý. Luật cũng quy định bắt bình thường phải có phê chuẩn của Viện Kiểm sát. Còn bắt khẩn cấp thì không phải báo cáo hay phê chuẩn.

Có phải bắt khẩn cấp là cách mà ông đã vận dụng trong vụ PMU 18?

Bắt khẩn cấp chỉ áp dụng với những trường hợp có dấu hiệu bỏ trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ. Còn trong vụ PMU 18, bắt Nguyễn Việt Tiến có phải bắt khẩn cấp đâu.  

Khi rời vị trí tổng chỉ huy vụ án PMU 18, ông có nhắn nhủ đồng đội đang làm chuyên án này điều gì không?

Trước khi về tôi cũng đã trao đổi với anh em rồi. Sự việc đã như vậy rồi cứ công tâm mà làm. Tất nhiên anh em cũng tự biết phải làm gì, tôi chỉ nhắc nhở anh em  làm đúng pháp luật. Mình về rồi còn can thiệp vào công việc của anh em làm gì.

Cũng là thành đạt

Cho đến nay, có vẻ như kết quả điều tra mảng tham nhũng trong vụ PMU18 có vẻ  đuối, thưa ông?

Không phải đuối. Trong mảng tham nhũng có hai giai đoạn. Quá trình làm án chúng tôi xác định phải làm hai vấn đề: Tham nhũng từ kinh phí quản lý hành chính và việc tham nhũng tiền đầu tư trực tiếp cho các công trình (cầu, đường).

Chúng tôi mới chỉ làm rõ được vấn đề tham nhũng kinh phí ở lĩnh vực quản lý hành chính của PMU 18: Từ việc sử dụng, mua xe ô tô tràn lan, đến tham nhũng tiền cho thuê nhà, văn phòng... và 6 đối tượng đã bị khởi tố.

Khi bàn giao xong công việc cho người kế nhiệm, ông ở Hà Nội hay sẽ về Hải Dương nghỉ ngơi?

Tôi quê ở Thanh Hà (Hải Dương), cũng có nhà cửa và gần mẫu vườn trồng ngót trăm gốc vải. Mùa vải thì mình về, còn chắc là ở Hà Nội thôi, chứ về quê cũng chỉ có hai ông bà già lủi thủi với nhau. Tôi có ba đứa con thì mới chỉ một đứa có gia đình, còn nhiều việc lớn mà mình phải là chỗ dựa cho con cái...

Nhìn ông còn tráng kiện lắm, ông có dự định làm việc gì đó khi nghỉ hưu không?

Cũng có một số anh em mời  tham gia trong Hội Luật gia hoặc Đoàn luật sư, nhưng tôi chưa quyết định làm gì. Cứ về nghỉ ngơi đã, nếu có làm gì thì tính sau.

Ông có đến 41 năm làm công an, về hưu với quân hàm Thiếu tướng, chức vị cao nhất là cục trưởng. Như vậy cũng có thể gọi là thành đạt, thưa ông?

Nhìn lên thì mình chẳng bằng ai, nhưng đúng là nhìn xuống thì cũng nhiều người không bằng mình. Khi hơn 40 tuổi tôi làm Phó Giám đốc, sau đó là Giám đốc CA tỉnh Hải Hưng (sau này là Giám đốc CA tỉnh Hải Dương).

Năm 1994, lên chức Cục trưởng C14, năm 2002, được phong quân hàm Thiếu tướng. Nên cũng có thể nói là thành đạt. Nhưng cũng có anh khi mình đã là Cục phó C14 thì mới làm phó phòng, nhưng nay đã làm Phó Tổng cục trưởng...

Xin cảm ơn ông!

18 cán bộ chiến sỹ công an bị kỷ luật, 5 bị khởi tố

Tháng 12/2005, C14 bắt quả tang 22 CBCS Công an Hà Nội đánh bạc tại đảo Tròn, công viên Bách Thảo, trong số này có Bùi Quang Hưng, cán bộ Phòng CSGT Hà Nội. Từ vụ việc này, Ban Chuyên án 420B đã phát hiện ra đường dây cá độ bóng đá quốc tế cực lớn liên quan đến “con bạc triệu đô” Bùi Tiến Dũng.

Sau đó, cả 22 CBCS đánh bạc đã bị Giám đốc CA TP Hà Nội kỷ luật. Trong đó, có 4 CBCS bị tước danh hiệu CAND và bị cơ quan điều tra khởi tố bị can, gồm: Bùi Quang Hưng (SN 1978, chiến sỹ Phòng CSGT); Lê Huy Đức (SN 1978, CA phường Láng Thượng, Đống Đa); Trịnh Quang Tuấn (SN 1976, CA quận Long Biên) và Dương Văn Toan (SN 1973, CA huyện Đông Anh).

Từ vụ án trên, khi C14 điều tra vụ PMU18, đã khởi tố bị can trung tá Nguyễn Đình Toản, nguyên phó CA phường Ngã Tư Sở tội môi giới hối lộ.

MỚI - NÓNG