Tùy tiện tung clip lên mạng có thể bị xử lý hình sự

Tùy tiện tung clip lên mạng có thể bị xử lý hình sự
Những vụ tung clip lên Internet như nữ sinh đánh ghen, nữ sinh lột áo đánh bạn, cô gái tát CSGT hay clip CSCĐ tấn công CSGT… làm nóng dư luận, kết quả hai trong các vụ nói trên được điều tra, xử lý hình sự. Vấn đề đặt ra: Tung clip lên mạng không phải hành vi tố cáo, tố giác tội phạm mà là sự tuỳ tiện, xâm phạm danh dự, uy tín cá nhân, tổ chức, cần được làm rõ, xử lý.
Cô gái tấn công CSGT đã nhận 9 tháng tù nhưng người tùy tiện tán phát clip cần được làm rõ.
Cô gái tấn công CSGT đã nhận 9 tháng tù nhưng người tùy tiện tán phát clip cần được làm rõ..

Tung clip lên mạng không phải hành vi tố cáo, tố giác tội phạm

Nếu như các vụ tung clip sex, CQĐT vào cuộc truy tìm kẻ phát tán clip để xử lý về hành vi xâm phạm bí mật đời tư, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy thì đối với các clip có nội dung khác như: học sinh đánh nhau, người vi phạm pháp luật giao thông tấn công CSGT…, việc xử lý chủ yếu xác minh tính chính xác nội dung phản ánh trong clip. Chẳng hạn, vụ clip thiếu nữ tát CSGT, chỉ ít ngày sau khi phát tán, CQĐT Công an TP HCM xác định thủ phạm là nữ sinh lớp 12 Phạm Thị Mỹ Linh.

Ít tuần sau, một clip khác ghi lại cảnh người vi phạm pháp luật giao thông dùng gậy tấn công CSGT, CQĐT vào cuộc xác định CSGT trong clip là chiến sĩ Vũ Thành Luân còn người cầm gậy tấn công là chiến sĩ CSCĐ Trần Đại Phúc.

Nội dung trong các đoạn clip đủ cơ sở khẳng định đó là các clip quay hoàn toàn đúng sự thật, không có lắp ghép, tráo hình, do đó những hình ảnh này được xem là chứng cứ quan trọng để kết tội người có hành vi phạm tội "chống người thi hành công vụ". Tuy nhiên, đây đều là những clip được phát tán trên Internet chứ không phải clip được cá nhân, tổ chức gửi đến cơ quan bảo vệ pháp luật đề nghị xem xét, xử lý. Vậy, clip được tán phát dạng này có được xem là tố cáo đúng luật và người phát tán có phải là người tố cáo?

Theo Luật Khiếu nại, Tố cáo đang có hiệu lực thi hành thì tố cáo được hiểu là việc công dân theo thủ tục quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Điều 65, Luật Khiếu nại, Tố cáo quy định: "Người tố cáo phải gửi đơn đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Trong đơn tố cáo phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ người tố cáo; nội dung tố cáo".

Căn cứ quy định nói trên, tung clip trên Internet không phải là hành vi tố cáo. Người tố cáo phải có đơn, ghi rõ họ tên, địa chỉ, trong khi người tán phát clip lên mạng lại giấu mặt. Thực tế, hành vi này không phải có mục đích tố cáo, tố giác tội phạm mà đa số tự ý quay khi tình cờ thấy sự việc, sau đó tán phát ngẫu hứng. Theo quy định của luật, chỉ khi người đó quay được clip, sau phải viết đơn tố cáo và có thể kèm clip quay được, gửi đến cơ quan có thẩm quyền thì việc tố cáo đó mới hợp pháp.

Trên thực tế, mặc dù các clip tán phát trên mạng không phải clip tố cáo, tố giác tội phạm nhưng nhiều vụ, CQĐT vẫn vào cuộc vì tính chất nghiêm trọng của vụ việc. Chẳng hạn, hai clip tấn công CSGT nói trên đã gây sốt cộng đồng mạng, sau đó được báo chí truyền tải, phản ánh rầm rộ, gây bức xúc dư luận, đặt ra yêu cầu phải điều tra, làm rõ nội dung vụ việc để xử lý nghiêm trường hợp phạm pháp. Trong khi đó, nhiều clip khác cùng được tán phát trên mạng song do tính chất, mức độ phạm pháp hoặc mức độ ảnh hưởng dư luận nên vụ việc không được điều tra, xử lý.

Thực tế, nếu tuỳ tiện đưa hình ảnh của người khác lên mạng sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Khoản 2, Điều 31, Bộ luật Dân sự quy định: "Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác". Khoản 3 điều luật này nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Đối với clip có nội dung phạm pháp (như 2 clip chống người thi hành công vụ nói trên) dù hình ảnh trong các clip này là đúng sự thật nhưng cần xem xét động cơ người tán phát. Như đã phân tích, không thể nói tung lên mạng là tố giác tội phạm mà ở đây có dấu hiệu động cơ làm nhục người khác, xâm phạm danh dự, uy tín bởi nội dung clip là phản cảm (người thi hành công vụ bị giễu cợt, hành hung nơi đông người).

Bởi vậy, mặc dù vụ việc trong clip là phạm pháp và đã được cơ quan tố tụng xử lý nhưng không thể coi đó là tiền lệ để quay clip, tùy tiện tán phát trên mạng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín, danh dự cá nhân, tổ chức. Nếu phát hiện hành vi phạm pháp và nếu quay clip thì người có clip cần gửi clip, hình ảnh quay được cho cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Tuỳ tiện tung clip có thể bị xử lý hình sự

Tuy nhiên, phải xác định nội dung clip nào là phản ánh hành vi vi phạm pháp luật được luật cho phép. Thời gian qua, một số vụ tung clip có nội dung ghi lại cảnh đánh ghen hay nữ sinh lột áo đánh bạn. Không ít đối tượng tung clip dạng này đã bị cơ quan Công an tạm giữ, xử phạt hành chính (như vụ Hoàng Văn Khá, Nguyễn Văn Trường đã tung đoạn clip đánh ghen, thêm thắt từ ngữ gây sốc như "tuổi teen đánh ghen"). Nguyên do, các clip này liên quan đến bí mật đời tư và không hợp thuần phong mỹ tục khi đưa ra dư luận.

Hoàng Văn Khá - người tung clip
Hoàng Văn Khá - người tung clip "tuổi teen đánh nhau" giải trình tại CQĐT..

Bộ luật Dân sự đã quy định rõ về bí mật đời tư cũng như vấn đề đạo đức và các hành vi vi phạm sẽ được xử lý theo các quy định này. Mặc dù tại cơ quan Công an, Khá giải thích, việc tải clip trên lên mạng là nhằm để mọi người cùng lên án những người có tính ghen, tuy nhiên chính Khá cũng thừa nhận việc làm trên là không hợp với thuần phong mỹ tục. Đặc biệt, clip bắt mại dâm ở Quảng Ninh, tuy không phải clip đồi trụy nhưng nội dung là trái thuần phong mỹ tục, thuộc trường hợp bị nghiêm cấm.

Điều đáng bàn là đến nay, chúng ta chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể hành vi nào là bí mật đời tư, hành vi nào không, từ đó xác định khi nào được đưa hình ảnh, khi nào không. Vì vậy, việc xử lý chủ yếu vẫn do từng cơ quan bảo vệ pháp luật cân nhắc. Đối với các thông tin, hình ảnh trên Internet, văn bản pháp luật cao nhất điều chỉnh các giao dịch điện tử là Luật Giao dịch điện tử, trong đó Điều 46 quy định chung về bảo mật thông tin trong giao dịch điện tử.

Luật Công nghệ thông tin đã có những quy định rõ ràng, cụ thể hơn về trách nhiệm đối với việc thu thập, xử lý, sử dụng, lưu trữ thông tin cá nhân của người khác trên môi trường mạng. Đối với việc đưa thông tin, hình ảnh trái phép lên mạng máy tính gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự theo Điều 226, BLHS.

Phải ý thức trách nhiệm khi đưa clip lên mạng

"Đối với các clip phản ảnh tiêu cực, thậm chí tố cáo hành vi sai phạm pháp luật, theo tôi cần gửi trước cho cơ quan chức năng có thẩm quyền, vừa đúng quy định của pháp luật về khiếu nại tố cáo, vừa để cơ quan chức năng điều tra, xử lý, đảm bảo tính bí mật và hiệu quả cao. Các cá nhân, tổ chức trước khi đưa thông tin, hình ảnh, video lên mạng cần ý thức trách nhiệm như khi phát ngôn trước đám đông, như viết bài đăng báo. Nếu thông tin, hình ảnh đưa lên mạng tùy tiện có thể vi phạm pháp luật dân sự" (Luật sư Trương Xuân Tám, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc).

Theo Đ.Trường
Công an nhân dân

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG