Văn bản pháp luật nào sẽ bị đình chỉ, bãi bỏ?

Văn bản pháp luật nào sẽ bị đình chỉ, bãi bỏ?
TP - Đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ nội dung văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) được áp dụng trong trường hợp văn bản được rà soát nếu chưa được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế kịp thời và tiếp tục thực hiện thì có thể gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

> Xem toàn văn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
> 10 Luật sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2013

Đó là quy định tại Nghị định 16/2013/NĐ-CP về rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, vừa được Chính phủ ban hành ngày 6-2. Nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2013.

Có 5 hình thức văn bản được rà soát gồm: đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ nội dung văn bản; bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần văn bản; thay thế văn bản; sửa đổi, bổ sung văn bản; ban hành văn bản mới.

Cụ thể, đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ nội dung văn bản được áp dụng trong trường hợp văn bản được rà soát nếu chưa được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế kịp thời và tiếp tục thực hiện thì có thể gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Bãi bỏ toàn bộ văn bản được áp dụng trong trường hợp đối tượng điều chỉnh của văn bản không còn hoặc toàn bộ quy định của văn bản trái, chồng chéo, mâu thuẫn với văn bản là căn cứ pháp lý để rà soát hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội mà không cần thiết ban hành văn bản để thay thế.

Bãi bỏ một phần văn bản được áp dụng trong trường hợp một phần đối tượng điều chỉnh của văn bản không còn hoặc một phần nội dung của văn bản trái, chồng chéo, mâu thuẫn với văn bản là căn cứ pháp lý để rà soát hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế- xã hội mà không cần thiết ban hành văn bản để thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung.

Trường hợp ban hành văn bản chỉ có nội dung bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần văn bản được rà soát thì cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản chính để bãi bỏ. Văn bản bị bãi bỏ phải được đưa vào danh mục để công bố theo quy định.

Cũng theo Nghị định này, việc rà soát văn bản QPPL nhằm phát hiện quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình thực tế phát triển kinh tế xã hội để kịp thời đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và tính đồng bộ của hệ thống pháp luật và tình hình phát triển kinh tế xã hội.

Đồng thời, việc rà soát hệ thống hóa nhằm công bố Tập hệ thống hóa văn bản còn hiệu lực và các danh mục văn bản, giúp công tác xây dựng, áp dụng, thi hành pháp luật hiệu quả, thuận tiện, tăng cường tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG