Vì sao hơn 3 năm vẫn chưa thể kết thúc điều tra vụ giết người?

Bà Lưu Thị Vân bên bàn thờ con trai.
Bà Lưu Thị Vân bên bàn thờ con trai.
TP - Vụ án xảy ra đã hơn 3 năm, đối tượng thừa nhận mọi hành vi phạm tội, các nhân chứng đều xác nhận sự việc, cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã bắt tạm giam, khởi tố vụ án, khởi tố bị can… Nhưng đến nay, kẻ thủ ác lại được thả tự do, còn cơ quan công an lúng túng vì không thể kết thúc điều tra.

Nỗi đau xé lòng

17 tuổi, Nguyễn Đình Hùng (thôn Dùm, xã Nghĩa Phương) bỏ học, theo lời bạn bè rủ rê, sang Trung Quốc làm thuê tại một nhà máy chuyên sản xuất đồ điện tử, đồng hồ nhựa ở tỉnh Phúc Kiến. Ban đầu bố mẹ Hùng là ông Nguyễn Đình Minh và bà Lưu Thị Vân không biết. Sau đó, hỏi thăm nhiều đầu mối ông Minh và bà Vân mới biết con bỏ sang Trung Quốc làm ăn.

Vợ chồng ông Minh bà Vân tìm người nhờ đưa họ sang nơi con trai làm việc. Thuyết phục một hồi không được người con trai bướng bỉnh, vợ chồng ông Minh phải thuê nhà rồi xin đi làm công nhân cho một nhà máy ở cách chỗ Hùng khoảng 1 km để khuyên răn con với hy vọng Hùng sớm nghe lời bố mẹ về nước. Tối 18/8/2013, ông bà Minh - Vân chết điếng khi có người báo tin Hùng bị giết chết ở phòng trọ.

Bà Lưu Thị Vân ngất lên ngất xuống khi chứng kiến đứa con duy nhất của mình chết tức tưởi. “Tôi tưởng mình không thể sống nổi. Cứ mỗi lần nhắm mắt, hình ảnh cháu Hùng lại hiện về”, bà Vân nhớ lại. Còn ông Minh, ba tháng trời, liên tục thuê phiên dịch để đến các cơ quan chức năng, tìm đến lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Đông xin sự trợ giúp. Ở Việt Nam, ông gọi điện nhờ người thân lên tận Bộ Ngoại giao, Bộ Công an Việt Nam và Đại sứ quán Trung Quốc để tìm cách đưa con về. Cuối cùng, các bên thống nhất hỏa táng rồi đưa tro cốt của Hùng về Việt Nam.

Tự thú ở Việt Nam

Ngay sau khi giết Nguyễn Đình Hùng, Phùng Kế Hiệp (SN 1997) đã vượt biên về nước. Ngày 19/8/2013, Phùng Kế Hiệp ra cơ quan công an huyện Lục Nam tự thú về hành vi cầm dao đâm chết Hùng. Vụ việc được chuyển cho Phòng cảnh sát điều tra hình sự, Công an tỉnh Bắc Giang thụ lý, giải quyết. Sau khi lấy lời khai của Hiệp và các nhân chứng, Công an tỉnh Bắc Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Phùng Kế Hiệp về hành vi giết người.

Theo đơn tự thú của Phùng Kế Hiệp, tối  17/8/2013, Hiệp cùng với Hùng và một số người ở cùng phòng trọ tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc chơi bài ăn tiền. Do mâu thuẫn lúc chơi bài, hai người đã to tiếng với nhau nhưng được mọi người ngăn lại. Hiệp bỏ ra ngoài rồi bất ngờ trở vào phòng với con dao trên tay rồi liên tục đâm nhiều nhát vào người Hùng khiến Hùng gục tại chỗ. Sau khi Hiệp gây án, mọi người trong phòng đều chạy tán loạn do sợ bị liên lụy, công an Trung Quốc bắt. Hiệp vội vàng vơ lấy chiếc áo rồi chạy trốn về Việt Nam.

Khó xử vì không được tương trợ tư pháp

Theo ông Nguyễn Thành Long, Đội phó Đội 2, Phòng CSĐT Hình sự, Công an tỉnh Bắc Giang, người trực tiếp thụ lý, điều tra vụ án, cơ quan điều tra đã lấy lời khai của các nhân chứng như Trần Ngọc Đô (SN 1997), Trần Văn Thưởng (SN 1996)… đồng thời tổ chức thực nghiệm hiện trường, cho Hiệp thực hành lại hành vi giết người thì Hiệp đều thực hiện thuần thục.

Trong quá trình điều tra, Hiệp  đều nhận tội và thành khẩn khai báo. Vụ án được xác định là xảy ra tại thôn Sú Thìn, xã Hàng Coóng, huyện Phú Thìn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Ngày 6/9/2013, cơ quan điều tra gửi công văn đến VKSND Tối cao Việt Nam để đề nghị ủy thác tư pháp theo luật tương trợ tư pháp và Hiệp định tương trợ tư pháp ký giữa Việt Nam và Trung Quốc nhưng không thấy trả lời. Ngày 18/3/2014, cơ quan công an Bắc Giang lại có văn bản hỏi lại vụ việc thì ngày 3/4/2014, VKSND Tối cao đã chuyển yêu cầu tương trợ tư pháp cho VKSTC Trung Quốc và phải chờ đến khi nào phía Trung Quốc chuyển lại mới có thể chuyển cho công an Bắc Giang.

Do thời gian tạm giam, công an Bắc Giang tiếp tục gia hạn để chờ kết quả từ phía Trung Quốc. Cũng theo ông Long, từ tháng 4/2014 đến tháng 10/2014, cơ quan điều tra đã 2 lần gửi công văn cho phía VKSND Tối cao để thúc giục nhưng đều chưa có kết quả. Trong khoảng thời gian này, thẩm quyền gia hạn tạm giam để điều tra của cơ quan công an tỉnh Bắc Giang  đã hết. Cơ quan công an phải xin VKSND Tối cao gia hạn thêm tiếp 2 lần nữa để chờ kết quả hỗ trợ tư pháp từ Trung Quốc nhưng vẫn bặt vô âm tín. Cuối cùng Công an tỉnh Bắc Giang đành phải ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án và bị can. Phùng Kế Hiệp được giao về cho chính quyền địa phương quản lý.

Đại tá Dương Ngọc Sáu, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, đây là vụ việc khá hi hữu xảy ra ở Bắc Giang và Công an tỉnh Bắc Giang nỗ lực hết sức nhưng chưa có kết quả. “Nếu chưa có công văn từ phía Trung Quốc sang thì vụ án chưa thể kết thúc được. Chúng tôi đã đôn đốc hàng năm trời nhưng nếu phía Trung Quốc không gửi các tài liệu cần thiết thì cũng đành phải chịu”, Đại tá Dương Ngọc Sáu nói.

Phóng viên Tiền Phong đã liên hệ làm việc với bố đẻ của Phùng Kế Hiệp là ông  Phùng Kế Đoàn. Ban đầu, ông Đoàn nhận lời tiếp tại gia đình nhưng khi chúng tôi đến nhà, không có ai  ở nhà. Gọi vào số điện thoại của ông Đoàn nhưng tắt máy. Trên Facebook của Phùng Kế Hiệp (do cán bộ Phòng CSĐT Hình sự cung cấp), ngay hôm sau ngày phóng viên đến nhà, Hiệp viết: “Các anh nhà báo đừng tìm em nữa nhớ… nhớ. Tìm nữa là quỳ con mẹ mày xuống đấy… đừng để nói câu sau. Ha ha ha”

MỚI - NÓNG