Vụ chiếm đoạt 20 tỷ đồng: Cán bộ vô tội, người dân mất nhà?

Bị cáo Lê Thị Mai Anh tại tòa.
Bị cáo Lê Thị Mai Anh tại tòa.
TPO - Ngày 4/1, TAND TP Hà Nội tuyên phạt Lê Thị Mai Anh (SN 1961, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bà Mai Anh được xác định đã chiếm đoạt của một NH TMCP số tiền gần 20 tỷ đồng. 

Lấy sổ đỏ người khác thế chấp

Theo cáo trạng, bà Mai Anh vốn là phó giám đốc Cty khoáng sản Kim Ngọc và đã lập khống báo cáo tài chính của Cty nhằm vay tiền tại NH TMCP. Ngoài ra, bà này bàn với cổ đông Lê Hữu Đăng dùng nhà ông Đăng tại 88 Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) để thế chấp.

Do vợ ông Đăng không đồng ý nên cả hai lấy chứng minh của vợ ông Đăng rồi nhờ người giả chữ ký để lập hồ sơ vay tiền. Sau đó, hồ sơ được chuyển tới các nhân viên NH TMCP gồm Lê Xuân Hoàng, Phạm Tuấn Nghĩa, Phạm Trường Giang.

Ba người này đã không thẩm định tại trụ sở Cty Kim Ngọc theo quy định nhưng vẫn báo cáo ngân hàng với nội dung đề nghị cấp hạn mức tín dụng cho Kim Ngọc với số tiền 32 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là nhà số 88 Giảng Võ.

Cáo trạng xác định, do 3 người không đến trụ sở Kim Ngọc, không gặp vợ ông Đăng nên không phát hiện Kim Ngọc không có hoạt động kinh doanh, tài sản thế chấp không được sự đồng ý của vợ ông Đăng.

Tháng 12/2010, nhân viên tái thẩm định của NH TMCP đã đồng ý cho Cty Kim Ngọc vay tiền. Sau đó, Phó giám đốc NH TMCP chi nhánh Hà Nội Trần Anh Hiền đã duyệt hạn mức tín dụng 32 tỷ đồng cho Kim Ngọc.

Năm 2011, bà Mai Anh còn giả mạo chữ ký của ông Tạ Văn Bình để lấy sổ đỏ của ông vay tiền NH TMCP. Lần này, nhân viên ngân hàng gồm Lê Xuân Hoàng và Phạm Tuấn Nghĩa có thẩm định nhưng không gặp ông Tạ Văn Bình nên không phát hiện gian dối.

Ngoài ra, bị cáo Mai Anh còn sử dụng sổ đỏ của 3 hộ gia đình khác để vay tiền của NH TMCP. Cả 3 gia đình đều vay Mai Anh số tiền nhỏ và phải đưa giấy tờ nhà cho chủ nợ, họ không hề biết hành vi của bị cáo. Chỉ đến khi ngân hàng thông báo số nợ hàng tỷ đồng họ mới biết mảnh đất của mình đã bị “cầm cố”.

Để được giải ngân các khoản vay, bà Mai Anh nhờ người đứng tên làm giám đốc để ký khống séc, lệnh chuyển tiền, hợp đồng kinh tế để mình rút tiền.

Nhân viên ngân hàng tắc trách

Đây là quan điểm của luật sư Hoàng Ngọc Thanh Bình – người bào chữa cho bà Mai Anh. Ông Bình cho rằng, để xảy ra hậu quả như vậy còn có trách nhiệm của nhiều người khác gồm công chứng viên, nhân viên ngân hàng. Hành vi của các cán bộ ngân hàng đủ yếu tố cấu thành tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Cơ quan tố tụng xác định một số cán bộ của NH TMCP đã thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định, phê duyệt và kiểm soát sau khi giải ngân, do đó không phát hiện ra sự gian dối của Lê Thị Mai Anh. Hành vi của các cán bộ ngân hàng này đã có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Sau đó, phía ngân hàng TMCP có đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cán bộ sai phạm. Mặt khác, quá trình điều tra, những cán bộ ngân hàng liên quan đều thành khẩn khai báo, nhân thân tốt và không được hưởng lợi gì nên CQĐT đã quyết định đình chỉ bị can, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cán bộ ngân hàng liên quan. 

Kết thúc phiên tòa, HĐXX đề nghị CQĐT, VKS tiếp tục xem xét hành vi của nhóm nhân viên ngân hàng, công chứng và một số người liên quan khác. Về phần dân sự, bị cáo Mai Anh phải trả lại toàn bộ số tiền cho NH TMCP .

Với 3 gia đình đưa sổ đỏ cho bà Mai Anh để vay tiền, họ cho rằng mình vay rất ít tiền của Mai Anh và đề nghị tòa cho họ trả tiền cho bị cáo và lấy lại giấy tờ nhà đất hiện đang cầm cố tại NH TMCP. Tuy nhiên, HĐXX bác yêu cầu trên.

MỚI - NÓNG