Vụ chìm tàu sông Hàn: Lai dắt “hụt”, hai đêm sau tàu gây tai nạn

Bị cáo Lê Sáu phủ nhận cáo trạng của VKS về tội danh “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Ảnh: Giang Thanh
Bị cáo Lê Sáu phủ nhận cáo trạng của VKS về tội danh “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Ảnh: Giang Thanh
TPO - Tàu Thảo Vân 2 là một trong ba tàu chạy chui. Đêm 2/6/2016, lực lượng liên ngành đã lai dắt hai tàu về cảng biên phòng, còn tàu Thảo Vân 2 chỉ bị lập biên bản và tiếp tục chạy chui. Đêm 4/6, tàu bị lật do chở gấp đôi số người quy định.

Sáng nay (4/4), TAND TP Đà Nẵng tiếp tục xét xử vụ án chìm tàu Thảo Vân 2 trên sông Hàn.

Theo lời khai của các bị cáo tại tòa, vào ngày 2/6/2016, tàu Thảo Vân 2 đã bị đội thanh tra liên ngành lập biên bản xử phạt nhưng vẫn tiếp tục hoạt động chở khách trên sông Hàn vào các ngày 3, 4/6 và để xảy ra tai nạn.

Theo bị cáo Lê Sáu (nguyên Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa Đà Nẵng), trước đó, trong cuộc họp chiều ngày 2/6/2016, Sở GTVT Đà Nẵng đã chỉ đạo thành lập đội thanh tra liên ngành để xử lý các tàu vi phạm hoạt động chở khách trên sông Hàn.

“Đội thanh tra phát hiện ra ba tàu vi phạm, trong đó có tàu Thảo Vân 2 Đêm 2/6, đội đã lập biên bản xử phạt và kéo hai  tàu vi phạm về cảng biên phòng. Còn tàu Thảo Vân hai lúc đó đang chở khách giữa sông. Xử lý hai tàu kia xong thì tôi về nhà. Nghe anh em báo cáo lại đã lập biên bản sau khi tàu chở xong chuyến khách thứ nhất và yêu cầu về cảng biên phòng”, bị cáo nói.

HĐXX đặt câu hỏi tại sao bị cáo không lai dắt nốt tàu Thảo Vân 2 mà đã rời khỏi hiện trường? Và nếu trong đêm đó lai dắt luôn tàu Thảo Vân 2 về cảng biên phòng rồi không cho hoạt động tiếp thì liệu có xảy ra sự cố vào đêm 4/6 hay không?

Trả lời câu hỏi này, bị cáo Sáu cho hay ông chỉ là một thành phần của đội liên ngành nên trách nhiệm lai dắt không hoàn toàn thuộc về ông. Cảng vụ chỉ phối hợp với các đơn vị hữu quan chứ không có thẩm quyền quyết định tiếp tục lai dắt hay ngừng lại. Mặt khác, trước khi ra về ông đã giao nhiệm vụ lại cho nhân viên cảng vụ để tiếp tục làm việc với đội liên ngành.

Bị cáo nói tiếp trong ngày 3 và 4/6, bị cáo đã báo cáo về vi phạm của tàu Thảo Vân lên cấp trên (Sở GTVT) nhưng chưa nhận được văn bản chính thức nào để xử lý tàu Thảo Vân 2. Không ngờ tối 4/6 tàu đã gây tai nạn.

Cáo trạng của VKS truy tố bị cáo Lê Sáu về tội danh “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, tuy nhiên bị cáo không thừa nhận vì cho rằng trách nhiệm trong sự cố này không hoàn toàn thuộc về cảng vụ. Cảng vụ không có thẩm quyền lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, cũng không có pháp chế để cưỡng chế, lai dắt các tàu vi phạm.

“Cảng vụ chỉ quản lý hành chính về giấy phép hoạt động của các tàu, thực hiện các thủ tục hành chính để tàu rời cảng. Các tàu không có giấy phép thì Cảng vụ không quản lý được mà chỉ lập biên bản sự việc và báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền để chỉ đạo giải quyết”, bị cáo cho biết.

Lê Sáu cũng khai rằng bị cáo biết về việc tàu Thảo Vân 2 hoạt động trái phép từ khi vừa đảm nhận chức vụ Giám đốc Cảng vụ và bị cáo đã nhiều lần báo cáo lên cấp trên để xử lý bởi thẩm quyền xử phạt không thuộc Cảng vụ.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.