Vụ thanh tra giao thông nhận hối lộ: Nguyên đội trưởng lĩnh án chung thân

Các bị cáo chờ tuyên án. Ảnh: Kim Hà
Các bị cáo chờ tuyên án. Ảnh: Kim Hà
TPO - Chiều 11/7, TAND TP. Cần Thơ kết thúc phiên xét xử sơ thẩm vụ một số cán bộ thanh tra giao thông (TTGT) TP.Cần Thơ nhận hối lộ gần 4 tỉ đồng sau hơn 2 ngày xét xử. HĐXX quyết định tuyên phạt 7 TTGT và 2 đồng phạm với các mức án từ 7 năm tù đến chung thân.

Theo HĐXX, trong khi các bị cáo khác ăn năn hối cải, nhận thấy lỗi lầm của mình thì Đoàn Vũ Duy, nguyên Đội trưởng đội 11 phụ trách địa bàn quận Bình Thủy vẫn một mực không nhận tội. Tuy nhiên, tòa án đã căn cứ vào các hồ sơ, chứng cứ cũng như lời khai của các bị hại, các bị cáo khác khẳng định Duy có nhận tiền chung chi của các cá nhân, doanh nghiệp trong thời gian giữ chức Đội trưởng TTGT quận Bình Thủy.

Hành vi của Duy là đặt vấn đề với các nhà xe sau đó Duy cho số điện thoại để Cần liên hệ thỏa thuận tiền nộp và không qua người nào tên Trung như Cần đã khai.

Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ năm 2013 - 2016 Dương Minh Tâm – Phó Chánh thanh tra giao thông TP. Cần Thơ, Đoàn Vũ Duy – Đội trưởng đội 11 phụ trách địa bàn quận Bình Thủy, Võ Hoàng Anh – Đội trưởng đội 3 phụ trách địa bàn quận Ninh Kiều, Nguyễn Trần Lưu – Đội trưởng đội 6 phụ trách địa bàn quận Thốt Nốt, Lý Hoàng Minh – Đội phó đội 3 phụ trách địa bàn quận Ninh Kiều, Hồ Công Thiện – Đội phó đội 7 phụ trách địa bàn huyện Phong Điền, Hồ Lập Pháp – Cán bộ đội 4 phụ trách địa bàn quận Cái Răng tất cả đều trực thuộc Sở GTVT TP. Cần Thơ.

7 bị cáo trên đã cấu kết với Trần Tường An (39 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều) và Nguyễn Văn Cần (30 tuổi, ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) để 2 đối tượng này thỏa thuận với các doanh nghiệp, cá nhân có xe ô tô đang hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa để không bị phạt hoặc phạt các lỗi nhẹ khi vi phạm giao thông.

Lợi dụng chức vụ và quyền hạn của mình, các bị cáo đã bắt phạt các lỗi của nhà xe như lốp mòn, đèn chiếu sáng không đảm bảo, xe làm rơi vãi hàng ra đường, xe chở quá tải, thậm chí các xe có dán chữ “A Di Đà Phật” cũng bị các bị cáo phạt.

Vì muốn yên ổn làm ăn nên hằng tháng, các doanh nghiệp và cá nhân là chủ xe phải nộp tiền hoặc chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng theo yêu cầu với mức nộp thấp nhất là 1 triệu đồng/tháng, cao nhất là 28 triệu đồng/tháng.

Cụ thể, Tâm đã nhận 413,3 triệu đồng, Duy đã nhận gần 2,8 tỉ đồng, Hoàng Anh đã nhận 536,4 tỉ đồng, Minh đã nhận 239,3 triệu đồng, Thiện đã nhận 25 triệu đồng, Pháp đã nhận 47,5 triệu đồng, Lưu nhận 26 triệu đồng.

Riêng Nguyễn Văn Cần giúp cho Đoàn Vũ Duy liên hệ với các cá nhân, doanh nghiệp vận tải đặt vấn đề chi tiền và kiểm tra theo dõi chi tiền hàng tháng. Đồng thời, Cần còn giúp Duy mở 6 tài khoản ngân hàng để các cá nhân doanh nghiệp chuyển tiền cho Duy. Thông qua 6 tài khoản đã mở, Cần nhận hơn 2,7 tỉ đồng của 50 cá nhân, doanh nghiệp để đưa lại cho Duy và được hưởng lợi 71 triệu đồng.

Đối với Trần Tường An, mở 2 tài khoản để giúp Duy nhận số tiền 53 triệu đồng của 5 cá nhân, doanh nghiệp và nhận 296,4 triệu đồng từ tài khoản của Cần chuyển sang để đưa lại cho Duy nhưng An không hưởng lợi.

HĐXX xét thấy, hành vi phạm tội của các bị cáo là rất nghiêm trọng, gây phẫn nộ trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín Nhà nước và ngành TTGT. Do đó, quyết định tuyên phạt Đoàn Vũ Duy án chung thân, Nguyễn Văn Cần 20 năm tù, Võ Hoàng Anh 15 năm tù, Dương Minh Tâm 10 năm tù, Lý Hoàng Minh 9 năm tù, các bị cáo Trần Lập Pháp, Nguyễn Trần Lưu, Trần Tường An, Hồ Công Thiện 7 năm tù. Đồng thời phạt bổ sung đối với bị cáo Duy 70 triệu đồng, Hoàng Anh, Tâm, Minh, Cần mỗi bị cáo 10 triệu đồng.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.