Vụ “tranh chấp đất” ở Đắk Nông: Cựu kiểm sát viên cấp cao bất bình kêu cứu

Thợ hồ xây nhà suốt tuần trên những lô đất bị lấn chiếm của ông Hiên.
Thợ hồ xây nhà suốt tuần trên những lô đất bị lấn chiếm của ông Hiên.
TP - Sau những lần nhập viện cấp cứu vì đột quỵ, ông Trần Hiên nguyên Kiểm sát viên cao cấp của Viện KSNDTC, hiện tạm trú huyện Đắk Song tỉnh Đắk Nông lại ôm hồ sơ tiếp tục đi gõ khắp các cửa, mong đòi lại được thửa đất ông đã mua gần 20 năm trước…

Công an có văn bản xác nhận

Tìm đến Ban đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên, sau một hồi thở dốc mệt nhọc, ông Trần Hiên đưa chúng tôi xem cả tập giấy tờ tùy thân. Qua đó, chúng tôi được biết ông sinh năm 1942, hộ khẩu phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội, kỹ sư xây dựng, nguyên Kiểm sát viên cao cấp, từng công tác hơn 20 năm tại Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Nghỉ hưu, ông gia nhập đoàn luật sư Hà Nội, sau đó vào Đắk Nông định cư tại thị trấn Đức An, trung tâm huyện Đắk Song. Hiện ông vẫn duy trì sinh hoạt Đảng với chi bộ Văn phòng Tổng hội Xây dựng VN, và vẫn là thành viên Đoàn Luật sư Hà Nội.

Năm 1998, ông Hiên mua gần 4 ha đất rẫy của đôi vợ chồng Trinh- Phong tại thôn 10, xã Đắk Song, trên đất có 1.800 cây cà phê đã trồng, cách căn nhà hiện đang ở khoảng 2 km. Việc mua bán của ông được đại diện chính quyền địa phương đi kiểm tra thực địa, làm văn bản xác nhận, đóng dấu. Vì ở xa, ông Hiên nhờ anh Trần Mạnh Tú - kiểm sát viên công tác tại Viện KSND huyện Đắk Song trông giúp, và thuê một số người trồng thêm cây keo, chăm rẫy.

Theo ông Hiên, giáp ranh đất ông Hiên, trước đó vợ chồng bà Trinh cũng sang nhượng cho ông Vũ Đức Chế 1 hecta đất. Khi dự án mở rộng con đường liên xã tên Ma Nham đi qua đất của ông Hiên, anh Tú không ngăn nổi ông Chế tự phá hơn 2.000 cây keo trên đất của ông Hiên, chiếm toàn bộ phần đất mặt đường rộng hơn 1,5 ha của ông Hiên rồi phân lô bán cho 27 hộ dân, đã có hơn 10 hộ đổ móng xây nhà.

Năm 2013, ông Hiên vào Đắk Song định cư, đã quyết liệt phản đối hành vi lấn chiếm đất trắng trợn của ông Chế, và liên tục gửi đơn tố cáo đến nhiều cơ quan. Công văn số 324 ngày 10/12/2014, và thông báo số 31 của Công an huyện báo cáo UBND huyện Đắk Song, đều khẳng định việc ông Chế sang nhượng đất của ông Hiên cho 27 hộ dân, nay thuộc Tổ dân phố 1, thị trấn Đức An, huyện Đắk Song là trái pháp luật. Có hàng chục nhân chứng xác nhận diện tích này là đất thuộc sở hữu của ông Hiên.

Huyện vẫn lúng túng trong xử lý

Ông Nguyễn Xuân Thu, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Song từ 1998 đến tháng 11/2006 xác nhận: Năm 2002 diện tích đất của ông Hiên mua từ vợ chồng bà Trinh đã được đưa vào sổ địa chính, tờ bản đồ số 62 lưu trữ tại xã. Năm 2005, ông Hiên làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xin chuyển đổi một phần diện tích đất ở trên rẫy này, đã được xã đóng dấu xác nhận đồng ý. Sau đó, phòng tư pháp huyện ký xác nhận để gia đình ông Hiên được làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hiện tất cả hồ sơ vẫn còn nguyên bản gốc. Trong khi ông Hiên đang chờ huyện cấp bìa đỏ, thì diện tích đất trên lại bị ông Vũ Đức Chế lấn chiếm và bán trái phép.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đức An - ông Nguyễn Hồng Phong khi trả lời phóng viên, lại cho rằng, đất của ông Hiên không có nguồn gốc rõ ràng, đang bị tranh chấp nên UBND thị trấn không thể xác nhận. Về việc những người mua đất do ông Chế lấn chiếm sang nhượng trái phép xây nhà công khai mà nhà chức trách không ngăn chặn, ông Phong nói họ lén xây nên cán bộ theo dõi địa bàn không biết. Ông Đồng Văn Giáp phó Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Đắk Song lại cho rằng “vụ tranh chấp đất” này phải chờ Tòa phán quyết.

Vụ việc gây dư luận phức tạp, nên đích thân đồng chí Lê Diễn - Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông phải chỉ đạo nhà chức trách vào cuộc làm rõ. Sở Thông tin và Truyền thông Đắk Nông đã đề nghị UBND huyện Đắk Song kiểm tra, xác minh rõ các vấn đề liên quan, có văn bản trước ngày 20/6/2017 để Sở cung cấp thông tin cho báo chí. Ngày 23/6, ông Lê Viết Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song ký công văn số 271 gửi các cơ quan liên quan. Nội dung công văn 271 vẫn thể hiện phần đất ông Hiên đang khiếu nại là đất đang tranh chấp, mà không nêu rõ quan điểm huyện sẽ xử lý theo hướng nào. 

Điều khiến ông Hiên bức xúc khiếu nại, là chính UBND huyện Đắk Song từng thừa nhận tam cận đất rẫy là của ông Trần Hiên qua việc cấp sổ đỏ cho ông Nguyễn Văn Thư - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông CA huyện Đắk Song khi mua lại đất này từ ông Hiên năm 2014, nhưng nay lại nhập nhằng khẳng định đất rẫy ông Hiên là đất đang tranh chấp. Những người mua các lô đất mặt đường vốn là đất của ông Hiên, nhưng do ông Chế bán cho họ, vẫn xây nhà và định cư mà không cần có giấy phép xây dựng.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.