Vụ xét xử hoa hậu Phương Nga: Nhân chứng “bí ẩn” ngồi phòng kín, vì sao?

TP - Trong phiên toà xét xử hoa hậu Trương Hồ Phương Nga về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” chiều 27/6, nhân chứng “bí ẩn” Nguyễn Mai Phương ngồi trong phòng kín đối đáp với các bị cáo và nhân chứng trong vụ án làm nhiều người tò mò. Việc này liệu có khách quan, công bằng với các nhân chứng khác và có cần thiết không?

Bị dẫn giải mới có mặt

Sở dĩ bà Nguyễn Mai Phương được gọi là “người bí ẩn” bởi bà là nhân vật được nhắc đến rất nhiều trong các phiên xử trước đó. Tuy nhiên, nhân chứng này không chịu xuất hiện dù có lệnh triệu tập của toà. Đến chiều 27/6, sau khi có lệnh dẫn giải thì người này mới chiụ “xuất hiện” nhưng lại được ngồi phòng kín.

Theo hội đồng xét xử (HĐXX), bà Nguyễn Mai Phương có yêu cầu được ngồi cách ly để tránh việc bị báo chí ghi hình, gây ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư. Sau đề nghị này, HĐXX đã chấp thuận cho bà Mai Phương ngồi trong phòng kín, theo dõi phiên tòa qua màn hình tivi, trả lời qua hệ thống loa phát thanh. Những người tham dự phiên toà không khỏi băn khoăn khi chỉ nghe tiếng bà Mai Phương qua loa phát thanh mà không thấy hình ảnh nhân chứng này.

Trong diễn biến phiên toà chiều 27/6, Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Hãng luật Hưng Yên, Đoàn Luật sư Hà Nội), người bảo vệ cho bị cáo Trương Hồ Phương Nga đề nghị HĐXX cho ông vào phòng cách ly để gặp và xác nhận với bà Mai Phương một số tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ án. Tuy nhiên, đề nghị của luật sư bị HĐXX bác bỏ và yêu cầu luật sư chuyển hồ sơ tài liệu cho thư ký của phiên tòa để thư ký chuyển vào phòng riêng cho bà Mai Phương xem. Vì vậy phiên toà phải gián đoạn gần 5 phút để nhân chứng này xem tài liệu.

Sau khi tham dự phiên toà, nhiều người cho rằng việc để nhân chứng Nguyễn Mai Phương ngồi phòng kín là chưa đảm bảo tính khách quan, minh bạch và không công bằng với các nhân chứng khác như Lữ Minh Nghĩa, Nguyễn Văn Yên khi các nhân chứng này đã xuất hiện công khai trên toà.

Ngày 28/6, phóng viên Tiền Phong trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Quynh (người đề nghị gặp nhân chứng nhưng không được HĐXX cho phép). Ông Quynh cho rằng, việc bảo vệ cho nhân chứng “bí ẩn” Nguyễn Mai Phương là đúng theo pháp luật. “Mục đích của tôi khi đề nghị gặp trực tiếp nhân chứng này chỉ là muốn đối chứng trực tiếp về những tài liệu, chứng cứ mà mình thu thập được… Rất tiếc là mong muốn không được đáp ứng!”. Luật sư này cho hay, việc cho nhân chứng được ngồi ở phòng cách ly là phụ thuộc vào quyết định của HĐXX, được quy định trong văn bản của pháp luật về bảo vệ, cách ly nhân chứng. Điều này không nằm trong Luật Tố tụng nhưng nằm trong các thông tư của pháp luật.

Tuy nhiên, Luật sư Quynh cho rằng, việc bảo vệ nhân chứng Nguyễn Mai Phương là hợp lý, đúng luật nhưng lại không công bằng với các nhân chứng khác. “Cụ thể là nhân chứng Lữ Minh Nghĩa (bạn trai của Nguyễn Đức Thùy Dung). Mặc dù khi đưa nhân chứng của mình ra, chúng tôi đã có đề nghị HĐXX giữ bí mật nhưng lại không được xem xét. Việc Lữ Minh Nghĩa thay đổi lời khai tại phiên tòa, đồng thời đưa ra hàng loạt các bằng chứng khác như người làm chứng, thư thông cung… ra trước cơ quan chức năng cũng phần nào gây ảnh hưởng không tốt đến vấn đề an toàn tính mạng của thanh niên này” - ông Quynh nói.

Bảo vệ nhân chứng là cần thiết

Trao đổi với phóng viên, một số luật sư cho rằng, pháp luật Việt Nam hiện chưa có quy định cụ thể về việc bảo vệ người làm chứng, ở Việt Nam cũng chưa có tiền lệ này. Tuy nhiên, việc bà Nguyễn Mai Phương yêu cầu được bảo vệ và HĐXX xem xét chấp nhận áp dụng biện pháp bảo vệ nhân chứng này bình thường.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Công ty Luật Đức Chánh, Đoàn Luật sư TPHCM) cho hay, theo khoản a điểm 3 điều 55 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì người làm chứng có quyền “yêu cầu cơ quan triệu tập họ bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm…”. Vì vậy, hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể việc bảo vệ người làm chứng nhưng với tư cách là người làm chứng, bà Mai Phương có quyền yêu cầu HĐXX áp dụng biện pháp bảo vệ mình. Sau đó, HĐXX sẽ có quyền xem xét tính chất vụ việc, chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của người làm chứng.

Luật sư Chánh cho rằng, việc bà Nguyễn Mai Phương không xuất hiện công khai hình ảnh tại phiên toà vào chiều 27/6 khi đối chất với các bị cáo và nhân chứng khác mà ngồi trong phòng kín thì có thể hiểu rằng, việc này đã được HĐXX chấp nhận. Bởi đây thuộc quyền mà một nhân chứng khi ra tòa có thể yêu cầu. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chưa thấy nhân chứng này có dấu hiệu bị uy hiếp hay đe dọa gì ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng.

Bên cạnh đó, theo luật sư chánh, Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình. “Luật Dân sự quy định việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý, nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”. Vì vậy, hình ảnh của bà Nguyễn Mai Phương được bảo vệ theo quy định pháp luật. Còn về nhân thân, lý lịch của nhân chứng thì HĐXX phải thẩm tra và chịu trách nhiệm.

Luật sư Nguyễn Tri Đức, Công ty Luật 360, Đoàn Luật sư TPHCM: Việc nhân chứng ngồi phòng kín trả lời qua hệ thống loa là chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, pháp luật quy định nhân chứng có quyền yêu cầu bảo vệ hình ảnh cá nhân, sức khỏe, tính mạng. HĐXX sẽ xem xét để nhân chứng có thể ngồi phòng kín hay không. Lâu nay chúng ta không quan tâm lắm đến bảo vệ nhân chứng. Dù việc bà Mai Phương ngồi phòng kín chưa có tiền lệ nhưng điều đó là bình thường.

MỚI - NÓNG