Góp ý sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng:

Xác định rõ người đứng đầu để xử lý trách nhiệm

Theo ông Đỗ Gia Thư , Luật Phòng chống tham nhũng cần được sửa đổi toàn diện.
Theo ông Đỗ Gia Thư , Luật Phòng chống tham nhũng cần được sửa đổi toàn diện.
TP - Đó là ý kiến của ông Đỗ Gia Thư, nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế (Thanh tra Chính phủ) khi góp ý cho dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng  sửa đổi.  

Ngày 8/9, tại TP Đà Nẵng, Hội luật gia Việt Nam phối hợp Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID GIG) tiếp tục tổ chức hội thảo tham vấn dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi. Bộ luật được đông đảo tầng lớp nhân dân quan tâm, thu hút đông đảo ý kiến đóng góp của các chuyên  gia, luật sư hàng đầu.

Nghiên cứu để xử lý hình sự trong việc kê khai tài sản, thu nhập

Cũng theo chuyên gia Đỗ Gia Thư, nguyên Vụ trưởng vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ),  Luật PCTN hiện nay quy định về công khai minh bạch còn chưa mang tính bao quát và thiếu các biện pháp thực hiện, đặc biệt là chưa làm rõ về nguyên tắc, hình thức, nội dung, thời gian, trách nhiệm thực hiện công khai minh bạch; nội dung công khai, minh bạch theo ngành, lĩnh vực có sự trùng lặp với nhiều văn bản. Quy định về trách nhiệm giải trình còn hẹp, chưa toàn diện. Quy định về minh bạch tài sản, thu nhập (TSTN) chưa giúp kiểm soát biến động thu nhập…

Ông Nguyễn Đức Cam, Phó chánh Thanh tra TP Đà Nẵng lại cho rằng: Việc xác định đối tượng phải kê khai là một trong những nội dung quan trọng về minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập. Nếu xác định đối tượng quá rộng thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quá trình chỉ đạo, quản lý bản kê khai và xác minh TSTN. Theo quy định tại Điều 43 Luật Phòng, chống tham nhũng thì đối tượng phải kê khai TSTN là tương đối rộng từ các cơ quan Trung ương đến các xã, phường. Quy định này là quá nhiều đối tượng phải kê khai, có thể ít hiệu quả và ảnh hưởng đến việc chỉ đạo, theo dõi, quản lý.

Trong thực tế không phải quy định càng nhiều đối tượng kê khai sẽ đạt được mục đích phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng tốt hơn. Vấn đề chính ở đây là phải kiểm soát được TSTN và phát hiện xử lý hành vi tham nhũng. Biện pháp phòng ngừa tham nhũng hữu hiệu phải kết hợp với nhiều giải pháp đồng bộ khác. Việc công khai minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị cũng sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc theo dõi, giám sát, kiểm soát TSTN... Về quy định xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về bản kê khai TSTN, đây là vấn đề mới cần thiết nhằm quản lý thống nhất việc kê khai TSTN trên phạm vi cả nước và từng bước nên tiến đến quy định kê khai bằng con đường điện tử.

Ông Cam cũng cho rằng, cần thiết có chế tài xử lý các vi phạm về minh bạch và kiểm soát TSTN. Một vài nước trên thế giới hiện nay đã dùng chế tài hình sự trong vi phạm về kê khai TSTN. Có thể đối với nước ta dùng chế tài hình sự là chưa phù hợp. Nhưng về lâu dài ông Cam kiến nghị phải nghiên cứu đến nội dung này.

Cần “vắc xin” phòng chống tham nhũng

GS.TS Nguyễn Đăng Dung, nguyên Trưởng bộ môn Luật hành chính Hiến pháp (khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Hiện nay chúng ta có chống tham nhũng nhưng chưa dứt khoát vì nạn tham nhũng đã ăn sâu, trở thành “dịch bệnh”. Do đó muốn phòng, chống tham nhũng phải trên tinh thần phòng chống bệnh dịch và cần “vắc xin” phòng chống tham nhũng. Theo ông Dung, “vắc xin” ở đây chính là nhiệm vụ của Hiến pháp, bởi Hiến pháp là quyền lực cao nhất của nhà nước. Trong khi đó, luật PCTN chỉ là luật chuyên ngành, chỉ có chức năng phòng là chủ yếu bởi nếu chống là tội phạm đã có Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, phải quy định rõ trách nhiệm các vị trí đứng đầu cao nhất của cấp ủy Đảng khi để xảy ra tham nhũng, không riêng gì lãnh đạo các tổ chức nhà nước, tổ chức xã hội.

Theo ông Dung, hành vi tham nhũng đang rất phức tạp do đó cần có điều chỉnh về đối tượng tham nhũng. Chẳng hạn việc ngành giao thông hợp đồng với Cty nước ngoài để làm đường cao tốc dưới hình thức BOT rồi thu phí của dân, khai báo không đúng có phải là
tham nhũng?

GS.TS Lê Minh Tâm, Phó chủ tịch Hội luật gia Việt Nam cho biết: Ý kiến của các đại biểu sẽ được hội tổng hợp báo cáo gửi tới cơ quan soạn thảo luật và các cơ quan có thẩm quyền.

Theo ông Đỗ Gia Thư: Vì có “quá nhiều người đứng đầu” nên không biết người đứng đầu là ai để xử lý trách nhiệm. Sau nhiều năm triển khai Luật PCTN, cơ quan nào cũng nói không có tham nhũng và không có thủ trưởng đơn vị nào đứng ra nhận có tham nhũng. Vấn đề tố cáo và xử lý tố cáo tham nhũng rất khó khăn, nhất là việc bảo vệ người tố cáo. Do đó Luật PCTN phải được sửa đổi toàn diện. 

MỚI - NÓNG