Xử lưu động vụ án Nguyễn Đức Khởi: Nguyên đơn xin giảm án cho bị cáo

TAND huyện Quế Võ tổ chức phiên xử lưu động ngày 22/3. Ảnh LD
TAND huyện Quế Võ tổ chức phiên xử lưu động ngày 22/3. Ảnh LD
TPO - Tại phiên xét xử lưu động tại Quế Võ, Bắc Ninh, nguyên đơn bất ngờ xin giảm án xuống mức thấp nhất cho bị cáo Nguyễn Đức Khởi. Trong khi đó, các luật sư cho rằng, với trách nhiệm người đứng đầu, bản thân nguyên đơn cũng phải chịu trách nhiệm liên đới khi vụ cháy xảy ra.  

Ngày 22/3, TAND huyện Quế Võ, Bắc Ninh tiến hành xét xử lưu động vụ án Nguyễn Đức Khởi tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy, tại điều 240 Bộ Luật hình sự. Tại phiên xử lưu động này có rất nhiều người dân trong vùng đến tham dự. Trước hoàn cảnh đáng thương của bị cáo, có đến 4/5 Luật sư đã bào chữa miễn phí cho bị cáo Khởi.

Theo cáo trạng của Viện trưởng VKSND tỉnh Bắc Ninh, Nguyễn Đức Khởi (SN 1985, trú tại thôn Mao Yên, xã Phượng Mao, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) được tuyển dụng vào Công ty Nam Á (trụ sở tại khu công nghiệp Quế Võ) từ tháng 6/2015 và được phân công làm việc tại tổ cơ khí, thiết bị.

Vụ việc xảy ra vào chiều 11/3/2016, ông Trần Văn Hoài – Tổ trưởng tổ cơ khí của công ty giao công việc cho Khởi cùng hai người khác (Trần Phương Nam và Hà Văn Giang) đến hầm sấy cắt sắt có hình chữ U về làm khuôn Pellet.

Trong quá trình cắt sắt, các vảy hàn bắn xuống khu vực để gỗ đang sấy và gây cháy toàn bộ xưởng số 3 của công ty. Tổng mức thiệt hại được kê khai do vụ cháy gây ra là hơn 10,8 tỷ đồng, không xảy ra chết người, chỉ mình Khởi bị bỏng và được đưa đi cấp cứu ngay sau đó.

Tại phiên toà, Nguyễn Đức Khởi đã thừa nhận hành vi của mình. Tỏ ra hối hận, khởi cho biết, vụ cháy xảy ra là do lỗi vô ý, hoàn toàn không mong muốn và mong được hưởng sự khoan hồng. Tuy nhiên khởi cũng cho rằng, sự việc này làm theo yêu cầu của cấp trên, và còn có hai người khác tham gia, nếu chỉ một mình phải chịu tội thì không công bằng.

Cũng tại phiên toà, nguyên đơn là ông Tống Văn Hiển – Giám đốc Công ty Nam Á xin HĐXX giảm tội cho Khởi được hưởng mức án nhẹ nhất, vì không ai mong muốn sự việc này xảy ra, mặt khác cũng là người “gắn bó và tình cảm” với Khởi.

Ông Hiển cũng không yêu cầu bị cáo phải bồi thường. Toàn bộ giá trị tài sản bị thiệt hại sẽ do Công ty bảo hiểm Bảo Minh chi nhánh Bắc Ninh chi trả theo quy định. Tuy nhiên, tại phiên toà, phía Công ty bảo hiểm Bảo Minh không đồng ý và đề nghị việc bồi thường sẽ phải tiến hành trong một phiên xét xử khác.

Trả lời các câu hỏi của HĐXX, VKS và các Luật sư, Khởi cho biết từ khi đến làm việc tại công ty, chưa một lần được tập huấn về phòng cháy chữa cháy. Khi xuống hầm cắt sắt, Khởi phải làm theo yêu cầu và cũng không nhận được cảnh báo nào từ cấp trên về nguy cơ dễ xảy ra cháy nổ.

Sau khi xảy ra vụ việc, tổ trưởng Trần Văn Hoài còn nhiều lần gọi điện nói với Khởi, phải khai cháy do chập điện chứ không được khai do vảy hàn bắn ra khi cắt sắt, nếu không sẽ bị đi tù...

Tại phiên xét xử, các luật sư bào chữa cho cho rằng, để xảy ra vụ cháy này, ngoài bị cáo Khởi ra thì bản thân Giám đốc Tống Văn Hiển và tổ trưởng Trần Văn Hoài cũng phải chịu trách nhiệm liên đới, với tư cách người đứng đầu công ty và người trực tiếp yêu cầu Khởi xuống hầm cắt sắt.

Sau phần hỏi đáp, tranh luận tại toà, căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ, đại diện VKS đưa ra mức án 7 – 8 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Đức Khởi.

Không đồng tình với quyết định trên, các Luật sư cho biết, Khởi là người có thân nhân tốt, sinh ra trong một gia đình mà cả bố và ông đều có công với cách mạng.

Bản thân Khởi cũng lần đầu phạm tội, luôn thành khẩn nhận tội trong quá trình điều tra và tại phiên xét xử. Khởi lại vừa lập gia đình, vợ đang bị hiếm muộn chưa có con, hoàn cảnh gia đình rất nghèo khó, đáng thương...

Căn cứ vào tình tiết vụ án và các tình tiết giảm nhẹ, các Luật sư đề nghị HĐXX tuyên bị cáo mức án 3 năm tù. Mức án này được người dân chứng kiến phiên toà đồng tình hưởng ứng bằng những tràng pháo tay.

Đến phần tuyên án, HĐXX kết luận: Vụ cháy xảy ra do sơ suất, căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ có lợi cho bị cáo, toà cho bị cáo được hưởng dưới mức thấp nhất khung hình phạt với mức án 6 năm tù.

Không đồng tình với mức án trên, gia đình Khởi cho biết sẽ tiến hành quyền kháng cáo theo quy định.

Theo quy định tại Điều 240 Bộ Luật hình sự:

- Người nào vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

-Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.