Xử nhóm bảo vệ chém người tàn phế: Bỏ lọt tội phạm, truy tố sai tội danh?

Các bị cáo tại tòa sáng 19/9/2017.
Các bị cáo tại tòa sáng 19/9/2017.
TPO - Ngày 19/9, TAND huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) tiếp tục đưa ra xét xử lần thứ 7 vụ án nhóm nhân viên bảo vệ của Công ty Thương mại - Cổ phần Long Sơn (Công ty Long Sơn) chém người tàn phế. Vụ án này từng bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung tới 10 lần. Công ty Long Sơn chính là doanh nghiệp tung lực lượng đi san ủi vườn điều của người dân, khiến họ phẫn uất xả súng làm 3 người chết, 16 người bị thương xôn xao dư luận năm 2016.

Thay đổi cáo trạng

Theo cáo trạng, ông Đào Công Bắc (SN 1986, ngụ tỉnh Bình Phước) có tranh chấp đất đai với anh em Trần Văn Thanh (SN 1973), Trần Văn Hanh (SN 1980), Trần Văn Huỳnh (SN 1985) tại tiểu khu 1535 (thuộc xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức). Do vậy, ông Bắc nhờ ông Phạm Đình Phúc (SN 1961, ngụ tỉnh Bình Phước) đi đòi đất và hứa sẽ bồi dưỡng. Ngày 22/2/2015, qua sự “kết nối” của ông Phúc, ông Bắc nhờ ông Bốn đòi đất có thù lao.

Chiều 3/3/2015, 8 nhân viên bảo vệ của Công ty Long Sơn gồm: Trần Văn Bốn (SN 1986), Nguyễn Khắc Duy (SN 1994), Trương Thanh Dững (SN 1994), Võ Văn Luân (SN 1990), Trần Thanh Phú (SN 1993), Trần Thanh Phong (SN 1992), Phạm Thanh Long (SN 1988) và Trần Văn Trí (SN 1999) được đối tượng Đức (chưa rõ lai lịch) dẫn đến rẫy điều mà ông Bắc nhờ đòi lại. Cả nhóm xông vào đánh, chém túi bụi những người trong gia đình ông Thanh khiến ông Thanh bị chấn thương sọ não, thương tật vĩnh viễn 90%, ông Huỳnh tổn hại 8% sức khỏe.

Tại phiên tòa này, Viện KSND huyện Tuy Đức đã thay đổi cáo trạng khi xác định nguyên nhân chính làm ông Thanh tàn phế là do Luân dùng gậy đánh vào đầu gây thương tích 89%, còn Phong chém ông Thanh gây thương tích 1%. Trong khi đó, cáo trạng trước đây lại xác định Luân chỉ gây thương tích 1% và Long gây thương tích 90% cho ông Thanh.

Bỏ lọt tội phạm?

Theo luật sư Phạm Hoài Nam, Công ty Luật TNHH Bến Nghé Sài Gòn - trực thuộc Đoàn Luật sư TPHCM, việc cơ quan điều tra Công an huyện Tuy Đức không khởi tố đối với Đào Công Bắc, Phạm Đình Phúc và Đức (chưa rõ lai lịch) là bỏ lọt tội phạm.

Theo lời bị cáo Phong tại tờ khai ngày 10/3/2015, lời bị cáo Dững tại tờ khai ngày 4/3/2015, biên bản đối chất ngày 24/6/2015 giữa bị cáo Long và Bắc, biên bản đối chất ngày 24/6/2015 giữa bị cáo Bốn và Phúc, cho thấy Bắc là người đề nghị nhóm Bốn và đồng bọn đi đòi đất với hứa hẹn là nếu nhóm đòi được sẽ trả công. Đồng thời Phúc là người đứng giữa giúp Bắc gặp mặt nhóm của Bốn và cũng góp lời để thuyết phục nhóm Bốn giúp Bắc đi đòi lại đất.

Giữa Bắc cùng  bị cáo Bốn với đồng bọn đã có sự gặp, bàn bạc, thỏa thuận từ trước về nội dung công việc phải làm và lợi ích được hưởng. Như vậy, hành vi của Bắc và Phúc mang tính chất là đồng phạm với vai trò là chủ mưu theo quy định của Bộ luật Hình sự 1999, nên cần được khởi tố về tội “giết người”.

Cũng theo luật sư Nam quá trình điều tra bổ sung vụ án, cơ quan điều tra đã không điều tra rõ lai lịch của Đức, người đã tham gia với vai trò giúp sức, hướng dẫn chỉ đường cho các bị can, bị cáo trong vụ án.

Phía bị hại khẳng định: Đức là em vợ của  Bắc. Sau khi nhóm Bốn gây án, khiến các nạn nhân Thanh, Hanh, Dung, Huỳnh bị thương phải nhập viện tiếp nhận điều trị, thì Bắc đã chiếm hữu mảnh đất trên, cho người canh gác và không cho gia đình người bị hại tiếp cận mảnh đất.

Đồng thời Bắc đốt nhà canh rẫy của gia đình người bị hại nhằm hủy hoại tài sản, phi tang chứng cứ. Hành vi này đủ dấu hiệu cấu thành của tội “cướp tài sản” theo Điều 133 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009).

Xử nhóm bảo vệ chém người tàn phế: Bỏ lọt tội phạm, truy tố sai tội danh? ảnh 1

Ông Thanh tàn phế vì bị chém vạt một mảng sọ

Còn theo luật sư Nguyễn Văn Quynh, Công ty Luật Hưng Yên - thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội, hồ sơ vụ án chỉ khởi tố các đồng phạm với Bốn về tội “cố ý gây thương tích” là chưa phù hợp với tính chất và mức độ hành vi phạm tội của các bị can, bị cáo. Việc nhóm Bốn hành hung các nạn nhân Hanh, Thanh, Huỳnh bằng hung khí nguy hiểm như rựa, dao phát, côn nhị khúc, gậy…, cố ý đánh, chém vào những vị trí hiểm yếu có thể tước đoạt tính mạng người bị hại với cường độ mạnh và liên tục, dồn dập , cố tình tiếp tục dùng gậy  đánh và dùng dao, rựa  truy sát tới cùng, lại còn lớn tiếng quát: “chém chết nó” (theo lời khai tại phiên tòa của các bị can, bị cáo…). Cho đến khi thấy ông Thanh đầu đầy máu, ngất lịm và anh Huỳnh van xin là ông Thanh sẽ chết thì bọn chúng mới bỏ đi, cho thấy mục đích của nhóm côn đồ này nhằm tước đoạt mạng sống của người bị hại. 

Như vậy, việc cơ quan Điều tra cũng như Viện kiểm sát quyết định khởi tố bị can, bị cáo với tội danh “cố ý gây thương tích” là chưa phù hợp, bởi các dấu hiệu hành vi phạm tội trong vụ án này đã đủ yếu tố cấu thành tội giết người. Vì thế, các luật sư bảo vệ cho nhóm nạn nhân đã tiếp tục đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra lại vụ án, nhằm không bỏ lọt tội phạm và truy tố đúng người, đúng tội.

MỚI - NÓNG