Tình báo hơn biệt động?

Tình báo hơn biệt động?
TP - Kênh phim Việt vừa phát lại 8 tập phim “Ván bài lật ngửa”. Xem lại thì thấy thành công của phim này phụ thuộc rất nhiều vào dàn diễn viên. Bởi tuy kịch bản do một người uyên thâm là nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng viết nhưng giả sử phim được chiếu ở nước ngoài, có lẽ không phải ai cũng dễ xem.

> Bạo lực gia tăng trong phim Việt
> Cảnh nóng phim Việt ngày càng thô thiển

Diễn viên thì nhiều người quá tuyệt, nhất là những vai nam, rất đàn ông. Tóm lại, với bộ phim này, coi như điện ảnh Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ đối với ngành tình báo; còn vong linh anh hùng tình báo Phạm Ngọc Thảo- nguyên mẫu nhân vật Nguyễn Thành Luân - hẳn cũng được mát mẻ nơi chín suối.

Ấn tượng này tiếc thay không có- khi nhìn lại những bộ phim làm về biệt động, kể cả “Biệt động Sài Gòn” 3 tập vang danh một thời.

VTV1 vừa phát bộ phim tài liệu dài tập “Biệt động Sài Gòn”, dù không có quá nhiều nhân chứng lịch sử do họ đã mất, nhưng đủ khiến người xem day dứt về một lực lượng “có một không hai trên thế giới”, chiến công vang dội nhưng lại chìm vào lãng quên nhanh đến thế!

Trong một tập phim, bà Mai, chiến sĩ biệt động năm xưa, kể lại 3 lần bị tra tấn dã man, có lần bị địch thả rắn vào buồng giam cắn nát người, cả bộ phận sinh dục.

Thoát khỏi cái chết nhưng bà được chẩn đoán không còn khả năng sinh con. Có người đàn ông yêu thương cảm phục lấy bà, và điều kỳ diệu là bà vẫn sinh ra được những đứa con đẹp đẽ. Những nhân vật, tình tiết như vậy không phải hiếm trong bộ phim tài liệu quý giá này.

Theo bộ phim phản ánh, sau giải phóng, lưc lượng biệt động giải tán, thành ra có nhiều người hy sinh anh dũng, được đồng đội chứng thực nhưng lại không được công nhận là liệt sỹ, anh hùng, chỉ vì khi hoạt động họ dùng bí danh, dẫn đến rắc rối về thủ tục.

Một nữ nhân chứng nói: “Họ là những con người bằng xương bằng thịt sống chiến đấu, hy sinh trước mắt chúng tôi nhưng rồi không được công nhận xứng đáng. Sao không chấp nhận bí danh như là cái tên thứ hai của họ?”.

Trong một bài thơ làm hơn hai chục năm trước, có tứ đại ý là, nghĩ trước mồ chiến sỹ vô danh, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng từng viết, thấm thía: “Tại sao lại là vô danh/Khi mỗi người đều ra đi từ một mái nhà có thật?...”.

Có lẽ không chỉ văn học, điện ảnh Việt Nam mới nên có cảm giác mắc nợ trước những câu hỏi như vậy về tình đời.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG