Ngộ nhận về đậu bắp

Ngộ nhận về đậu bắp
TP - Gần đây, nhiều người rỉ tai nhau việc uống nước ngâm của đậu bắp có tác dụng hạ và ổn định đường huyết. Đây là một phát hiện và kinh nghiệm quý cần tiếp tục nghiên cứu và phổ biến rộng rãi (trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm). Song nếu cho rằng đây là bài thuốc trị tiểu đường, e rằng có sự nhầm lẫn.
Ngộ nhận về đậu bắp ảnh 1

Đậu bắp (Abelmoschus esculentus) đích thực là thực phẩm, thức ăn thông thường, có các chất dinh dưỡng cơ bản như đường bột, đạm, béo, vitamin, khoáng chất. Đậu bắp được dùng làm thực phẩm trong bữa ăn của nhiều nước trên thế giới (Iran, Ai Cập, Israel, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, ấn Độ, Mỹ, Anh. Tại nước ta, nhất là phía Nam, đậu bắp là món ăn của nhiều gia đình.

Không chỉ có đậu bắp mà có các loại thực phẩm khác (cà rốt, mướp đắng, bí xanh, giảo cổ lam, thiên hoa phấn ...) khi ăn hoặc uống vào cũng có tác dụng hạ đường huyết.

Sở dĩ đậu bắp có tác dụng làm hạ đường huyết là do ngoài thành phần dinh dưỡng, đậu bắp còn có các hoạt chất sinh học (chưa được xác định) và chất xơ hữu cơ.

Những nghiên cứu khoa học và thí nghiệm gần đây của Khoa Y học cổ truyền, Đại học Y dược TP. HCM cho thấy, cao lỏng được chế từ thân lá cây đậu bắp có tác dụng hạ đường huyết trên chuột. Tuy nhiên, từ những phát hiện và kết quả nghiên cứu này để trở thành thuốc điều trị cho người bệnh không hề đơn giản, ngoài việc thử nghiệm lâm sàng trên người.

Với nguyên liệu chỉ là đậu bắp (hoặc thêm các cây, quả khác) và cách sử dụng đơn giản (không qua chế biến, tác động công nghệ...) là ngâm nước qua đêm (hoặc sắc) thì không thể gọi là thuốc hay bài thuốc được. Nếu có chăng thì đây tương tự thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ điều trị và dự phòng bệnh tiểu đường, chứ không thể thay thế thuốc điều trị.

Vì vậy, bệnh nhân không nên hiểu nhầm, cho rằng đậu bắp là thuốc hay bài thuốc điều trị tiểu đường để rồi không dùng thuốc khác nữa. Trong y học cổ truyền cũng như y học hiện chưa bao giờ dùng đậu bắp như một vị thuốc để chữa bệnh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG