So kè

So kè
TP - Trước chuyến công du đến Việt Nam và Mông Cổ trong tuần này, Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua gặp Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy để giải quyết các “khác biệt” liên quan vấn đề sử dụng “hỏa lực tài chính” của khu vực đồng euro nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công đang đe dọa kinh tế toàn cầu.

Trước biến động đang có nguy cơ leo thang khi giá trị cổ phiếu của các ngân hàng đang nắm trái phiếu chính phủ những nước châu Âu trượt dài, chắc chắn cuộc gặp của bà Merkel và ông Sarkozy, diễn ra tại Berlin, xoay quanh hai chủ đề chính: cứu giúp Hy Lạp đồng thời ngăn chặn sự lây nhiễm từ nước này và làm sao lên dây cót tinh thần cho lãnh đạo các quốc gia khác.

Tình hình đang nước sôi lửa bỏng khi trước đó, sự sụp đổ của ngân hàng Bỉ Dexia, nạn nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng và các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) rõ ràng không có nhiều thời gian.

Trước cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp, một nguồn tin từ Bộ Tài chính Pháp nói với hãng Reuters: “Vấn đề Dexia sẽ nằm trong chương trình nghị sự, nhưng chủ đề chính sẽ là Hy Lạp và khu vực đồng euro, vì chuyện xảy ra với các ngân hàng chỉ là một trong những hậu quả của khủng hoảng”.

Chưa biết sau cuộc gặp của bà Merkel và ông Sarkozy sẽ có những giải pháp nào được đưa ra nhưng chắc chắn “bệnh nhân” EU sẽ cần nhiều toa thuốc cùng thời gian hồi phục được cho là tương đối lâu.

“Tính đến bây giờ, nhiều dấu hiệu cho thấy có khả năng rất cao rằng, cuộc khủng hoảng này sẽ leo thang và mở rộng phạm vi”, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble được báo chí trích lời.

Nhưng vì sao hai nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu phải gặp nhau để “giải quyết khác biệt”? Là vì cho đến trước ngày hôm qua, Đức và Pháp vẫn chia rẽ về chuyện tái cấp vốn cho các ngân hàng châu Âu, được cho là cần tới hơn 100 tỷ euro (tương đương 135 tỷ USD), thậm chí là 200 tỷ euro như ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), để chống chọi cuộc khủng hoảng nợ công. Các ông chủ điện Elysee muốn rút 440 tỷ euro từ quỹ Bình ổn Tài chính (EFSF) của khu vực đồng euro để vốn hóa cho các ngân hàng Pháp, trong khi Berlin lại cương quyết cho rằng, quỹ chỉ nên được mang ra sử dụng khi không còn cách nào khác.

Vấn đề “khác biệt” nữa là sử dụng EFSF để mua lại nợ công như thế nào để ngăn chặn “đám cháy” từ Hy Lạp lan rộng. Điều này đặc biệt quan trọng nếu Hy Lạp không thể lo liệu các khoản phải thanh toán trong kỳ trả nợ tới.

Tờ Handelsblatt của Đức “bật mí”: Pháp không muốn bị cản trở bằng các quy định về việc sử dụng EFSF, trong khi người Đức muốn giới hạn số tiền của quỹ này mà mỗi thành viên khu vực đồng euro được sử dụng để mua trái phiếu chính phủ.

Trong khi các quốc gia đầu tàu châu Âu vẫn đang so kè xung quanh lợi ích quốc gia và lợi ích của cả khối, người láng giềng khổng lồ bên kia bờ Đại Tây dương đã phải lên tiếng vì sốt ruột. Hôm thứ năm vừa rồi, Tổng thống Mỹ Barack Obama thúc giục châu Âu “hành động gấp” vì cuộc khủng hoảng nợ ở lục địa già là vật cản lớn nhất cho tiến trình hồi phục của kinh tế Mỹ.

Ngày 9-10, ba nước liên quan ngân hàng Dexia gồm Pháp, Bỉ và Luxembourg thông báo đã đạt thỏa thuận nhằm giải thể ngân hàng có nguy cơ phá sản này. Nếu bị giải thể, Dexia sẽ trở thành nạn nhân đầu tiên trong cuộc khủng hoảng nợ công ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Là cổ đông của Dexia, Pháp và Bỉ cần nhất trí về giá bán cổ phần Dexia, bao gồm chi nhánh ngân hàng bán lẻ ở Bỉ (Dexia Bank Belgium) mà Bỉ muốn mua.

Hai nước cũng cần nhất trí về bảo lãnh đối với thể chế được gọi là “ngân hàng nợ khó đòi” sẽ tiếp tục tồn tại sau khi giải thể Dexia, nhằm tiếp nhận những tài sản rủi ro cao. Có tin ngân hàng Sberban lớn nhất nước Nga đang tìm cách mua chi nhánh của Dexia ở Thổ Nhĩ Kỳ là DenizBank.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.