Tổng thống Nga ký hiệp ước sáp nhập Crimea

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Crimea Sergei Aksyonov ký hiệp ước tại Điện Kremlin ngày 18/3. Ảnh: Getty Images
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Crimea Sergei Aksyonov ký hiệp ước tại Điện Kremlin ngày 18/3. Ảnh: Getty Images
TP - Ngày 18/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký hiệp ước công nhận Crimea là một phần của Liên bang Nga.

“Crimea luôn luôn là một phần không thể thiếu của nước Nga, trong trái tim và trong tâm khảm của mọi người”, ông Putin tuyên bố tại Điện Kremlin trước đại biểu lưỡng viện, quan chức chính phủ, thống đốc các khu vực toàn Nga.

Tổng thống Putin nhấn mạnh, Nga không có ý định chia cắt Ukraine, nhưng “Crimea đã, đang và sẽ luôn thuộc về nước Nga”. Reuteurs đưa tin ông Putin khẳng định Nga không có kế hoạch giành thêm những khu vực khác trên lãnh thổ Ukraine. 

Ông cáo buộc chính phương Tây “đạo đức giả” đã kích động và đứng sau những thành phần “phát xít mới, theo chủ nghĩa bài Nga” tiếm quyền, gây nên cuộc khủng hoảng Ukraine. 

Sau khi ký sắc lệnh công nhận Crimea là một nhà nước độc lập có chủ quyền, ông Putin chính thức thông báo về đề nghị gia nhập Liên bang Nga của Cộng hòa Crimea và thành phố Sevastopol. Ông Putin yêu cầu các cơ quan công quyền Nga (chính phủ và Quốc hội) thông qua hiệp ước này.

Cùng ngày, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga thông qua tuyên bố hoan nghênh đề nghị sáp nhập vào Liên bang Nga của Cộng hòa Crimea. Chủ tịch Hạ viện Nga Valentina Matviyenko (một trong 11 quan chức Nga bị Mỹ áp lệnh trừng phạt) cho biết, tiến trình sáp nhập Crimea vào Nga sẽ được đẩy nhanh, Ria-Novosti đưa tin.

Theo truyền thông Nga, trình tự sáp nhập Crimea sẽ được tiến hành theo ba bước. Thứ nhất, công nhận độc lập của Crimea. Điều này đã được thực hiện bằng một sắc lệnh ký vào đêm 17/3. Sắc lệnh này cũng quy định quy chế đặc biệt của thành phố Sevastopol.

Sau khi thông báo nguyện vọng gia nhập Nga của Crimea, chính quyền Crimea đổi tên gọi Hội đồng Tối cao Crimea thành Hội đồng Nhà nước Crimea để tương đương với Nga, và Sevatopol cũng được chuyển sang quy chế thành phố liên bang, tương tự các thành phố St.Peterburg, Mátxcơva. Cuối cùng là chính thức sáp nhập Crimea và Sevastopol vào Liên bang Nga.

Mở rộng trừng phạt

Trong khi đó, các nước phương Tây tiếp tục công kích, xem xét áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Nga Vygaudas Usackas nói với hãng tin Nga Interfax rằng, danh sách trừng phạt các quan chức Nga sẽ sớm mở rộng thêm.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã hủy cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vào phút chót. Ông Fabius nói trên kênh TF1 rằng, Pháp có thể đình chỉ hợp đồng bán hai tàu đổ bộ cỡ lớn Mistral trị giá 1,8 tỷ USD cho Nga.

Nhật Bản ngày 18/3 tuyên bố nước này sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, Nhật Bản sẽ hoãn các cuộc thương lượng về việc nới rộng visa, tạm dừng các cuộc hội đàm với Nga liên quan các hiệp định đầu tư mới, hợp tác lĩnh vực không gian và quân sự.

Ukraine một mặt triệu hồi đại sứ của mình từ Mátxcơva về nước để phản đối Nga, nhưng ngày 18/3, Thủ tướng tạm quyền Arseny Yatseniuk tuyên bố trên truyền hình rằng, Ukraine không tìm cách gia nhập NATO, đồng thời duy trì tiếng Nga trong hệ thống ngôn ngữ quốc gia. Cùng ngày, Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksandr Turchynov tuyên bố, Kiev sẵn sàng đàm phán với Nga về việc kiểm soát Crimea, song sẽ không bao giờ chấp nhận bán đảo này bị sáp nhập.

Nhà Trắng cho biết, Mỹ đang xem xét đề nghị viện trợ quân sự của Ukraine, song nhấn mạnh hiện Washington giới hạn sự giúp đỡ ở mức hỗ trợ kinh tế khi đang theo đuổi con đường ngoại giao với Nga. Tờ Washington Post (Mỹ) đưa tin, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có mặt tại Ba Lan, sau đó sẽ bay sang Estonia và Lithuania tham vấn lãnh đạo các nước này về cuộc khủng hoảng Ukraine, tìm cách làm dịu căng thẳng với Nga.

EU bộc lộ rõ sự chia rẽ nội bộ sâu sắc trong cách xử lý mối quan hệ với Nga, giữa những quốc gia ràng buộc kinh tế chặt chẽ với Nga như Đức hay Pháp. Báo Le Monde (Pháp) dẫn lời một quan chức cấp cao EU nói rằng, ngoại trừ tiến hành một cuộc can thiệp quân sự, không thể thay đổi được tình thế đã rồi ở Crimea. Ria-Novosti cho biết, ngày 18/3 các nhà lập pháp Nga xem xét áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm trả đũa Mỹ và EU.

Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin nằm trong số quan chức Nga bị Mỹ trừng phạt đã giễu cợt gọi Tổng thống Mỹ là “đồng chí Obama” trên mạng Twitter, nói rằng những người nằm trong danh sách trừng phạt chẳng có ai sở hữu tài sản ở nước ngoài. 

Andrey Klishas, một quan chức thuộc Hội đồng Liên bang Nga nói với Interfax rằng, các biện pháp trừng phạt ông “không phải là thảm họa”. 

Ông Surkov, người được coi là kiến trúc sư của hệ thống chính trị tập quyền cao độ của ông Putin, mỉa mai: “Thật là vinh dự lớn với tôi!”.


MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.