Tương tàn

Tương tàn
TP - Cuộc đối đầu giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nga đã leo thêm một nấc thang nữa sau khi ngày 29/1 các ngoại trưởng khu vực này đề xuất bổ sung thêm các đối tượng mới vào danh sách các cá nhân Nga bị trừng phạt. Tuy nhiên, có vẻ như các hành động trừng phạt của khối này là do chịu sức ép của Mỹ nhiều hơn là bày tỏ sự ủng hộ dành cho Kiev. 

Nếu như Mỹ không bị ảnh hưởng nhiều từ cuộc chiến trừng phạt với Nga thì với EU mọi thứ lại hoàn toàn khác. Trong khi quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Nga không có mấy sự gắn kết thì ngược lại quan hệ Nga-EU lại gắn bó mật thiết, phụ thuộc lẫn nhau. Nga đang là đối tác thương mại lớn thứ ba của châu Âu, vì vậy, “đánh” vào nền kinh tế Nga đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp của các nước thành viên EU sẽ phải hứng chịu những hậu quả tương tự. 

Cách đây khoảng một năm, do sức ép dồn dập từ Mỹ, EU đã tung ra đòn trừng phạt hà khắc nhằm vào dầu mỏ và quân sự, hai ngành được coi là mũi nhọn của kinh tế Nga. Để trả đũa, Mátxcơva ban hành lệnh cấm nhập khẩu nông sản từ những quốc gia trừng phạt Nga, trị giá khoảng 11 tỉ euro mỗi năm. Nông sản dư thừa, mất giá, hàng nghìn nông dân châu Âu kêu cứu. EU vội vã chi 125 triệu euro để hỗ trợ nông nghiệp.

Không chỉ tổn thất về kinh tế, chính trị cũng gánh hậu quả khi các biện pháp trừng phạt Nga đang tạo ra mối bất hòa giữa các thành viên. Phần Lan đã thẳng thừng tuyên bố sẽ không có biện pháp trừng phạt nào nữa từ nước này. 

Trước cuộc họp ngày 29/1, dư luận đặt câu hỏi liệu EU có gia tăng trừng phạt kinh tế Nga hay không. Tuy nhiên, việc EU hướng mục tiêu trừng phạt sang các cá nhân Nga cho thấy khối này đã chọn đối tượng gây ít tổn thương hơn. Phải chăng chính những hậu quả từ những biện pháp trừng phạt kinh tế trước đó đã khiến các ngoại trưởng EU tạm thời né tránh đụng chạm đến lĩnh vực có thể làm đôi bên đều đau đớn.  

Không thể phủ nhận, các biện pháp trừng phạt của EU cũng đang khiến nước Nga rơi vào tình cảnh rất khó khăn. Thậm chí, Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận nguy cơ kinh tế Nga có thể rơi vào suy thoái trong năm 2015. 

Cả Nga và EU đều ngấm đòn từ cuộc chiến trừng phạt, một cuộc chiến tương tàn không có lối thoát nếu như các nhà lãnh đạo tiếp tục leo thang các hành động gây sức ép và trả đũa, thay vì cùng ngồi vào bàn thương lượng để tìm giải pháp. Cuối cùng, chính người dân mới là đối tượng gánh chịu hậu quả nặng nề nhất trong cuộc chiến mà lợi ích kinh tế đang bị sử dụng làm vũ khí.

MỚI - NÓNG