Vượt qua rào chắn

Vượt qua rào chắn
TP - Công nghệ cao giúp chúng ta truyền tin tốt hơn và có thể làm được những điều tưởng như không thể. Cho dù đó là khu vực biệt lập nhất thế giới.

Truyền tin ở vùng đất dữ

Vào giữa buổi sáng trên ngọn đồi vùng được coi là bảo vệ nghiêm ngặt nhất hành tinh, ông Lee (người Hàn Quốc) chuẩn bị hành động. Đều đặn vào cuối tuần, ông đến đây để thả những quả bóng bay khổng lồ (dài khoảng 9m) qua vùng phi quân sự. Mỗi quả bóng mang theo một đống truyền đơn, các bài báo được cắt ra và biếm họa chống đối phương. Đó là cách truyền tin kỳ dị từ một trong những nước có độ phủ Internet rộng nhất thế giới.

Cách ngọn đồi vài cây số là vùng đất, nơi đường dây điện thoại quốc tế và truy cập Internet gần như không tồn tại. Chỉ một số ít dân ở đây được tiếp cận, dù bị giám sát chặt chẽ.

Một nhà phân tích chiến sự đang sống tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc nói rằng, vùng đất ấy dường như là nơi duy nhất trên thế giới cấm đài có thể điều chỉnh tần số trong thời bình và tiếp cận xuất bản phẩm tiếng nước ngoài cần qua kiểm tra an ninh.

Thanh niên vùng đất cấm say sưa với “dế” Ảnh: Getty Images
Thanh niên vùng đất cấm say sưa với “dế” Ảnh: Getty Images.

Vì thế mà việc thả bóng bay ni-lông chứa đầy khí heli không phải là ý tưởng điên rồ. Tuy nhiên, vấn đề phiền phức là để đến đích, chúng hoàn toàn phụ thuộc điều kiện thời tiết. Ông Lee và những người ủng hộ chuẩn bị thả bóng. Họ buông tay, 3 quả bóng bay lên nhưng rồi không theo ý muốn.

Có lẽ cách truyền tin của ông Lee đã lạc hậu bởi ông ta không biết rằng, vùng đất mà ông đang định làm cuộc tâm lý chiến ấy, phương tiện truyền thông hiện đại hơn ông tưởng. Ở đó vẫn có điện thoại di động và máy tính với tư cách là hàng tiêu dùng thời thượng. Một công nghệ mới đang gây ảnh hưởng ở vùng này và giúp tạo dư luận.

Vài tuần trước, một phụ nữ vùng phi quân sự bỏ chạy sang Seoul và miêu tả cách thức chính quyền ở đó sử dụng mạng di động để nâng cao lòng tin của người dân.

Người phụ nữ này nói rằng, có hai phương thức truyền tin qua truyền thông nhà nước cùng áp phích và truyền miệng.

Các nhà phân tích cho rằng, việc kết nối mang lại nguy cơ lớn cho chính quyền vùng này nhưng cũng đem theo nhiều lợi ích. Vì hạ tầng công nghệ thông tin ở đó ở giai đoạn trứng nước nên họ có cơ hội xây dựng hệ thống cho phép dễ dàng theo dõi người dùng, nghe lén, truyền thông điệp tinh vi hơn và kiểm soát quyền tiếp cận.

Và khi đó, ông Lee bắt nhịp với thời đại. Hiện nay, ông lồng DVD vào bóng bay cùng với mớ truyền đơn.

Video game trợ giúp phóng viên chiến trường

Khi được gửi sang Đông Timor để đưa tin cuộc nội chiến năm 1975, Tony Maniaty quan tâm việc làm hài lòng ban biên tập hơn là luyện tập để thích nghi môi trường mới đầy khắc nghiệt.

Hơn 35 năm sau, Maniaty nhận thấy sự háo hức cùng non nớt kinh nghiệm tương tự của lớp phóng viên nước ngoài trẻ tuổi mà ông đang dạy tại Trường Đại học Công nghệ của Úc.

“Tất cả bọn họ đều nóng lòng ra nước ngoài đưa tin”, ông Maniaty nói. Ông băn khoăn liệu họ đã được đào tạo bài bản về việc xử lý tình huống vùng chiến sự?

“Họ biết sử dụng camera, laptop. Cơ bản là họ biết làm mọi việc mà một phóng viên làm để kiếm sống. Tuy nhiên, một số sinh viên rời khóa học sau đại học của tôi mà không được đào tạo gì cả. Một người đi châu Phi, một người sang Sri Lanka”, ông Maniaty nói.

Nhìn con chơi Far Cry 2, ông Maniaty nghĩ ra game cho phóng viên chiến trường Ảnh: Winload
Nhìn con chơi Far Cry 2, ông Maniaty nghĩ ra game cho phóng viên chiến trường Ảnh: Winload.

Khi xem 2 con trai của mình chơi trò chơi điện tử dạng bắn súng ở góc nhìn người trong cuộc có tên Far Cry 2, ông Maniaty nảy ra ý tưởng dùng video game để huấn luyện những phóng viên trẻ có thể phải công tác ở vùng chiến sự.

“Trong game, người chơi thường xuyên gặp rào chắn. Tôi nghĩ nó giống như báo chí vậy. Bạn ở trong tình huống phải tìm mọi cách vượt qua. Hai môi trường này trông rất giống nhau. Tôi nảy ra ý tưởng thay khẩu súng trong game thành máy quay phim”.

Ông Maniaty hợp tác với nhà làm phim Robert Connolly và nhà thiết kế Trò chơi Morgan Jaffit để sản xuất một game mẫu. Nhận số tiền tài trợ 250.000 đô la Úc, họ sản xuất trò chơi Warco - biệt hiệu của những phóng viên đưa tin Thế Chiến 2. Họ đang xin thêm tài trợ để phát triển 2 phiên bản của game này.

Phiên bản bán lẻ dành cho game thủ tìm kiếm thách thức mới và những người không thích cảnh bạo lực thường thấy trong trò chơi bắn súng. Phiên bản thứ hai dành cho sinh viên báo chí, người làm nghề tự do và những người không đủ tiền tham dự khóa đào tạo thích ứng môi trường thù địch mà các hãng tin lớn thường dành cho nhân viên.

Lấy bối cảnh không có thực là một nước châu Phi nghèo đói tên là Benouja, Warco giới thiệu một số hiểm nguy mà phóng viên có thể đối mặt khi ở vùng chiến sự trong thực tế, ví dụ lính bắn tỉa, bom gài ven đường, phục kích, bắt cóc, bệnh tật, đám đông thù địch…

Tuy nhiên, không giống video game, hiểm nguy mà phóng viên chiến trường phải đối mặt là có thật. Theo Ủy ban Bảo vệ Nhà báo, kể từ năm 1992, xấp xỉ 900 người công tác trong ngành báo chí bị giết hại trong quá trình tác nghiệp.

“Vấn đề ở vùng chiến sự không phải là các tình huống mà là về các cá nhân, là con người. Chìa khóa để hiểu một cuộc chiến là hiểu các cá nhân sống trong đó. Trong khi đó, Warco không có những cá nhân thực sự”, Allan Little, phóng viên kỳ cựu của BBC, nhận xét.

“Tôi không thích sự kết hợp chặt chẽ giữa video game và chiến tranh trong đời thực. Theo tôi, phải cẩn trọng với bất cứ điều gì khuyến khích quan điểm rằng có thể hiểu bom đạn chiến tranh trong đời thực bằng cách chơi game”, ông Little nói.

James Rodgers, giảng viên báo chí của Trường Đại học London (Anh), cựu phóng viên thường trú ở nước ngoài, ghi nhận lợi ích của Warco nhưng cũng hoài nghi triển vọng dùng video game để dạy sinh viên của mình. “Tôi sẽ không bao giờ nói rằng, nên dùng game này thay cho việc đào tạo thích ứng môi trường thù địch một cách chính quy. Tuy nhiên, nếu game giúp cứu mạng một vài phóng viên thì đó cũng là điều đáng làm”.

Minh Long - Thái An
Theo BBC

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG