100 ngày đầu tiên của ông Trump với châu Á

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc trả lời báo chí tại Nhà Trắng. Ảnh: Carlos Barria.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc trả lời báo chí tại Nhà Trắng. Ảnh: Carlos Barria.
TPO - Trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump có vẻ đã đưa ra một chính sách châu Á không nhất quán, với cả sự tiếp nối và đoạn tuyệt các chính sách của người chính quyền tiền nhiệm.

Ngày 20/2/2017, ông Donald Trump tuyên thệ trở thành vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ khi ông chưa có kinh nghiệm gì về chính sách đối ngoại hay quản lý chính phủ. Ngoài khẩu hiệu “Nước Mỹ là trên hết”, ông Trump vẫn chưa có mấy ý tưởng đáng chú ý về chính sách đối ngoại.

Trên trang web của Nhà Trắng, ưu tiên cao nhất trong chính sách đối ngoại của chính quyền Trump có vẻ là “đánh bại IS và các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan khác”.

Đối với châu Á, việc ông Trump nhấn mạnh mục tiêu đánh bại IS và chủ nghĩa khủng bố làm dấy lên lo ngại ông Trump sẽ không quan tâm đến châu Á – Thái Bình Dương, một khu vực có triển vọng phát triển kinh tế tốt nhất nhưng cũng gây ra nhiều thách thức lớn đối với Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc.

Thôi “xoay trục” nhưng nhấn mạnh chiến lược vào châu Á

Khi Thứ trưởng ngoại giao tạm quyền phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Susan Thornton tuyên bố ngày 17/3 rằng “xoay trục sang châu Á” là khái niệm mô tả chính sách của chính quyền Obama và chính quyền Trump sẽ sử dụng công thức riêng, báo chí nhanh diễn giải rằng chính sách “xoay trục sang châu Á” đã chết.

Khó có khả năng chính quyền Trump sẽ tiếp tục sử dụng khái niệm “xoay trục sang châu Á”, nhưng nhưng bước đi ban đầu ở châu Á – Thái Bình Dương cho thấy Washington sẽ tiếp tục nhấn mạnh chiến lược vào châu Á.

Từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump đã cử Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Ngoại trưởng Rex Tillerson, và Phó Tổng thống Mike Pence đến Đông Á. Với một bước đi được coi là rất bất thường đối với một tổng thống vừa đắc cử, ông Trump đã đón tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe rồi sau đó là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago trong vòng 100 ngày cầm quyền đầu tiên.

Tổng thống Mỹ cũng duy trì trao đổi gần gũi với Thủ tướng Abe, bằng chứng là hai người có đến 5 cuộc điện đàm với nhau tính đến ngày 24/4. Tần suất các chuyến thăm cấp cao và mức độ trao đổi giữa chính quyền Trump với các lãnh đạo châu Á – Thái Bình Dương cho thấy Mỹ tiếp tục chú trọng châu Á.

Vẫn cần xem liệu sự chú trọng vào châu Á – Thái Bình Dương của chính quyền Trump chỉ là một phản ứng tự nhiên trước mối đe dọa ngày càng tăng từ Triều Tiên hay đó là một sáng kiến chiến lược rộng lớn hơn như chính sách của cựu Tổng thống Barack Obama.

Tuy nhiên, bất kể ý định chiến lược của chính quyền Trump như thế nào, sự chú trọng rất sớm vào châu Á – Thái Bình Dương có thể đã trấn an nhiều nước châu Á – Thái Bình Dương vốn lâu nay lo ngại trước những tuyên bố hùng hồn lúc tranh cử của ông Trump và khả năng chính quyền của ông ưu tiên Trung Đông hơn châu Á – Thái Bình Dương.

Trấn an đồng minh

Đối với các đồng minh, chính quyền Trump dường như đang quan tâm đến việc bảo đảm cam kết với họ hơn là đòi họ chia sẻ gánh nặng kinh tế lớn hơn để duy trì hiện diện của các lực lượng Mỹ.

Hồi đang tranh cử, ông Trump nhiều lần tuyên bố sẽ yêu cầu Hàn Quốc và Nhật Bản phải chi trả nhiều hơn để duy trì quan hệ đồng minh, nhưng sau khi ông Trump lên nắm quyền, các quan chức Nhà Trắng đã có những chuyến thăm trấn an các đồng minh châu Á.

Trong chuyến thăm Hàn Quốc, các bộ trưởng Mattis, Tillerson và Phó Tổng thống Pence đều tái khẳng định quan hệ đồng minh với Hàn Quốc. Cả ba quan chức cấp cao này đều tái bảo đảm Mỹ sẽ bảo vệ Hàn Quốc trước mối đe dọa ngày càng tăng từ Triều Tiên và bảo đảm sẽ triển khai hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đến Hàn Quốc.

Ông Pence còn nói rằng cam kết của Mỹ với Hàn Quốc sẽ không thay đổi bất chấp kết quả bầu cử tổng thống Hàn Quốc diễn ra vào tháng 5 như thế nào.

Đối với Nhật Bản, ông Trump  đã tự bảo đảm với Thủ tướng Abe và khẳng định cam kết của Mỹ đối với quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật. Ở mức độ cá nhân, ông Trump có vẻ đã thiết lập một mối quan hệ thân thiết với ông Abe thông qua chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản trước và sau khi ông Trump lên nắm quyền.

Trong các chuyến thăm, ông Pence, Mattis và Tillerson đều khẳng định Mỹ sẽ bảo vệ quần đảo Senkaku mà Nhật Bản đang kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng đòi chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Về vấn đề chi phí, ông Mattis nói khác hẳn với giọng ông Trump lúc tranh cử, rằng liên minh Mỹ - Nhật là hình mẫu trong việc chia sẻ gánh nặng.

Chuyển từ kiên nhẫn chiến sang mất kiên nhẫn chiến lược?

Lúc đang tranh cử, ông Trump tuyên bố sẽ giao trách nhiệm cho Trung Quốc phải giải quyết vấn đề Triều Tiên. Từ lúc tranh cử, ông kêu gọi đánh giá lại chính sách đối với Triều Tiên và Bộ trưởng Mattis nói rằng Triều Tiên sẽ là một ưu tiên cao nhất trong chương trình hoạt động của chính quyền Trump.

Một trong những bước đi đầu tiên của chính quyền Trump là từ bỏ khái niệm “kiên nhẫn chiến lược”. Khái niệm này có từ thời chính quyền Obama với ý nghĩa rằng Mỹ có thể đợi đến khi Triều Tiên quay tại tiến trình phi hạt nhân hóa. Khái niệm này có vẻ đã bị gạt bỏ khi ông Tillerson và ông Pence đều tuyên bố rằng thập kỷ kiên nhẫn chiến lược đã kết thúc và mọi lựa chọn đều đang ở trên bàn.

Thực sự chính quyền Trump không thể đợi thêm khi Triều Tiên đã thực hiện hai vụ thử hạt nhân và nhiều vụ phóng tên lửa gần đây, cho thấy Bình Nhưỡng đang tiến nhanh đến mục tiêu làm chủ công nghệ tên lửa và hạt nhân. Tuy nhiên,  vấn đề phức tạp ở chỗ cả khả năng đối thoại hay tấn công quân sự đều không phải lựa chọn dễ dàng với ông Trump.

Một mặt, đối thoại với Triều Tiên là điều khó diễn ra khi lòng tin không đủ sau nhiều năm đàm phán bất thành. Mặt khác,  bất kỳ một cuộc tấn công quân sự nào vào Triều Tiên cũng có thể leo thang thành chiến tranh trên bán đảo và sẽ gây hậu quả thảm khốc trên diện rộng. Dù chính quyền Trump khẳng định mọi lựa chọn đều đang ở trên bàn nhưng bán đảo Triều Tiên vẫn là mảnh đất của những lựa chọn tồi.

Không thể bỏ nguyên tắc nền tảng trong quan hệ với Trung Quốc

Sau cuộc gặp thượng đỉnh của ông Trump và ông Tập Cận Bình, Ngoại trưởng Tillerson thông báo khởi động cơ chế Đối thoại toàn diện Mỹ - Trung dưới sự giám sát của hai nhà lãnh đạo. Cơ chế này gồm 4 trụ cột: Đối thoại an ninh và ngoại giao; đối thoại kinh tế toàn diện; đối thoại an ninh mạng và thực thi pháp luật; và đối thoại các vấn đề xã hội và văn hóa.

Vẫn phải xem những cơ chế đối thoại này hoạt động như thế nào, nhưng sáng kiến này được đánh giá là không khác mấy so với cơ chế Đối thoại Kinh tế và Chiến lược của chính quyền Obama.

Chính sách của Mỹ với Đài Loan có thể đã thay đổi nhanh chóng sau khi ông Trump có cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn vào tháng 12 năm ngoái. Nhưng chính quyền Trump nhanh chóng tự sửa lỗi sau khi ông Trump lên nắm quyền.

Trong cuộc điện đàm sau đó với ông Tập, ông Trump nói rằng ông sẽ tôn trọng “chính sách 1 Trung Quốc như đề nghị của Chủ tịch Tập Cận Bình”.

Rút khỏi TPP

Việc Tổng thống Trump ký thông cáo rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đánh dấu sự đoạn tuyệt lớn đối với chính sách châu Á của chính quyền trước.

Việc Mỹ rút khỏi TPP tuy không nói lên rằng Mỹ sẽ chuyển giao vai trò lãnh đạo kinh tế ở khu vực cho Trung Quốc, nhưng đã làm giảm đáng kể uy tín của nước Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương.

Việc Mỹ rút khỏi TPP có thể là dấu hiệu Mỹ đang chuyển sang chính sách bảo hộ và sẽ tạo thêm trở ngại cho mục tiêu đạt được tầm nhìn về Khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP) trong dài hạn.

Dù Nhật Bản thể hiện mong muốn tiếp tục TPP với các thành viên còn lại nhưng những lợi ích do TPP mang lại khó có thể được như mong muốn ban đầu nếu Mỹ không tham gia.

Theo Theo Diplomat
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.